1 người tử vong, 2 vợ chồng nguy kịch vì uống bia pha cồn hoặc nhức đầu khi uống bia lẫn rượu: Lý giải của chuyên gia ai cũng cần phải biết

“Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, những người này đã mua phải cồn công nghiệp có chứa methanol, tức là cồn độc, không thể uống được vì rất nguy hiểm”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận cấp cứu cho 2 người nước ngoài bị ngộ độc sau khi uống bia pha với cồn.

Theo thông tin ban đầu, một nhóm người quốc tịch Kazakhstan đến du lịch tại TP Nha Trang, có rủ nhau đi câu cá, sau đó uống bia. Do nồng độ cồn trong bia nhẹ nên họ mua thêm cồn 90 độ pha vào bia để uống.

1-nguoi-tu-vong-2-vo-chong-nguy-kich-vi-uong-bia-pha-con-hoac-nhuc-dau-khi-uong-bia-lan-ruou-ly-giai-cua-chuyen-gia-ai-cung-can-phai-biet

Bệnh nhân nguy kịch vì bị ngộ độc methanol. Ảnh: BVCC

Tuy nhiên, ngay sau khi uống, 1 người trong nhóm đã ngộ độc nặng và tử vong. 2 người khác là vợ chồng rơi vào tình trạng choáng, lơ mơ, suy hô hấp nặng. Người vợ được đưa đi cấp cứu trước, sau đó người chồng cũng phải nhập viện.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, nhận thấy tình trạng ngộ độc methanol nguy kịch, lập tức, các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản cho bệnh nhân thở máy đồng thời chạy thận, lọc máu để thải chất độc.

Mặc dù các triệu chứng ngộ độc methanol có giảm, bệnh nhân thở đều nhưng theo các bác sĩ tiên lượng cả hai bệnh nhân còn nặng.


Nhận định về trường hợp này, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết: "Về nguyên tắc, việc pha cồn (ethanol) với bia để uống thì không có vấn đề gì vì chúng đều là gốc rượu.

Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, những người này đã mua phải cồn công nghiệp có chứa methanol, tức là cồn độc, không thể uống được vì rất nguy hiểm. Và thực tế, hậu quả đã thấy rõ. Trường hợp người tử vong có lẽ do uống quá nhiều nên hàm lượng độc tố methanol cũng cao hơn so với 2 trường hợp còn lại".

Như vậy, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, về bản chất, trường hợp này là do ngộ độc cồn methanol, không liên quan gì đến việc pha bia với cồn.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, hiểu một cách nôm na, trường hợp này cũng giống như việc chúng ta trộn gạo với ngô để nấu. Gạo và ngô đều là ngũ cốc, ăn vào không có vấn đề gì cả. Nhưng nếu trong ngô có độc tố, ngô bị phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản thực phẩm thì việc ăn cơm trộn ngô bị ngộ độc hoàn toàn có thể xảy ra.

Trước thắc mắc về việc nhiều người bị nhức đầu sau khi uống rượu bia lẫn lộn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, nếu sau khi uống bị đau đầu thì cần kiểm tra lại loại rượu hoặc bia đã uống, xem có phải hàng đảm bảo an toàn không. Trường hợp uống phải rượu, bia "rởm" được pha chế từ cồn công nghiệp thì việc gây kích ứng thần kinh, dẫn đến đau, nhức đầu cũng là điều đương nhiên.

Thận trọng với cồn chứa methanol

1-nguoi-tu-vong-2-vo-chong-nguy-kich-vi-uong-bia-pha-con-hoac-nhuc-dau-khi-uong-bia-lan-ruou-ly-giai-cua-chuyen-gia-ai-cung-can-phai-biet

Cồn chứa methanol rất nguy hiểm, thận trọng khi dùng. Ảnh minh họa

TS.BS Nguyễn Lương Kỷ, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa) cho biết, trong cồn 90 độ có chứa 81,88% cồn công nghiệp (methanol) và 1,01 % rượu thường (ethanol).

Trong đó, methanol là chất rất độc, vì vậy tuyệt đối không được uống cồn hoặc pha loại cồn này vào rượu, bia để uống. Khi uống vào, methanol gây tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não, tổn thương nội tạng. Chỉ với liều lượng 20mg/dl đã gây tổn thương thần kinh.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trong vài năm qua, tình trạng ngộ độc methanol có xu hướng gia tăng. Bên cạnh nguyên nhân do người dân uống phải loại rượu không rõ nguồn gốc, còn do một số người tự ý mua cồn y tế về pha uống thay rượu.

Thực tế, trước đó, tại các bệnh viện trên cả nước đã tiếp nhận nhiều trường hợp nguy kịch do tự ý sử dụng cồn công nghiệp để uống. Mới đây nhất, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã cấp cứu một nam bệnh nhân bị ngộ độc methanol rất nặng, vào viện trong tình trạng nôn nhiều, lơ mơ, khó thở, mắt không nhìn thấy gì.

Theo lời người nhà, bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu nhiều năm, do bị ngăn cấm nên đã mua cồn sát khuẩn 90 độ về pha uống. Sau đó rơi vào tình trạng trên nên được gia đình đưa đi cấp cứu.

Tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị ngộ độc methanol. Dù được lọc máu cấp cứu nhưng não bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng. Hình ảnh chụp MRI cho thấy, sọ não bị hoại tử nhân bèo hai bên, mất thị lực 2 mắt.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, để tránh gặp họa, nên dùng cồn đúng mục đích sát khuẩn. Không được uống cồn hoặc tự ý pha cồn với nước để thành rượu uống. Trong trường hợp bị ngộ độc, lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Theo GiaDinh