450kg thịt lợn đã bốc mùi hôi thối vẫn 'cố tình' nhập lậu về bán kiếm lời

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang vừa xử lý 29 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó nổi bật nhất là kinh doanh thịt lợn, thịt gà nhập lậu.

Liên tiếp phát hiện lượng lớn thực phẩm nhập lậu 

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Giang, thực hiện sự chỉ đạo về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020, lực lượng QLTT Bắc Giang đã chủ động, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra được 44 vụ và xử lý 29 vụ vi phạm.

Theo đó, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và trị giá hàng hóa tiêu hủy đạt 184.045.000 đồng, trong đó, tiền xử phạt hành chính 84.725.000 đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy 99.320.000 đồng.

450kg-thit-lon-da-boc-mui-hoi-thoi-van-co-tinh-nhap-lau-ve-ban-kiem-loi

 Lượng lớn thực phẩm có dấu hiệu vi phạm được lực lượng quản lý thị trường Bắc Giang phát hiện. Ảnh: Đội QLTT số 4

Điển hình, mới đây Đội QLTT số 4, Cục QLTT Bắc Giang phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Bắc Giang kiểm tra xe ô tô tải BKS 17C-029.86 do bà Nguyễn Thị Dung, sinh năm 1987 trú tại thôn Liễu, xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang điều khiển.


Kiểm tra tại hiện trường, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện trên xe vận chuyển 450 kg thịt lợn đã bốc mùi hôi thối. Quá trình đấu tranh, bà Dung thừa nhận hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Sau khi xác nhận toàn bộ số thịt lợn trên có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc, Đội QLTT số 4 đã xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Dung về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu số tiền 4.000.000 đồng, đồng thời buộc bà Dung tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm là 450 kg thịt lợn nhập lậu nêu trên, trị giá hàng tiêu hủy là 9.000.000 đồng. Việc tiêu hủy diễn ra cùng ngày dưới sự giám sát của cơ quan chức năng.

Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động phòng chống dịch động vật tỉnh Bắc Giang phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 98C-195.60 do ông Phạm Văn Tuân, địa chỉ: xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn điều khiển.

Qua kiểm tra, phát hiện trên xe ô tô có vận chuyển 150 kg thịt gà không có hóa đơn giấy tờ liên quan, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đoàn kiểm tra liên ngành đã ra Quyết định xử phạt ông Phạm Văn Tuân số tiền 3.000.000 đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồng thời buộc tiêu hủy số hàng hóa trên, trị giá hàng hóa tiêu hủy là 4.050.000 đồng.

Hiểm họa từ thực phẩm nhập lậu

Trước đó, tại Hội nghị Trực tuyến Toàn quốc về An toàn Thực phẩm được tổ chức tại Hà Nội, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chủ trì, một trong những vấn đề “nóng” được nêu ra chính là những khó khăn thách thức trong việc ngăn ngừa thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả nhất là trên các tuyến biên giới.

Cụ thể, theo báo cáo tham luận tại Hội nghị, tình hình buôn bán, nhập lậu thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng vẫn còn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống sức khỏe của nhân dân. Trong số các tuyến, địa bàn nổi cộm, có tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

Nói tới thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, các chuyên gia về thực phẩm cho biết, người tiêu dùng không thể biết hết được chất lượng của các loại thực phẩm này ra sao bởi chúng không được đưa đi kiểm nghiệm.

Không thể biết được người sản xuất, vận chuyển có sử dụng chất bảo quản, phụ gia, hóa chất nằm trong danh mục cấm sử dụng để bảo quản hay chế biến thực phẩm hay không?. Do đó một khi ăn phải các loại thực phẩm nhập lậu này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người dùng.

Do vậy khi mua hàng, người tiêu dùng phải có cảm quan, xem xét xác suất một vài mặt hàng cùng loại định mua để có sự so sánh. Đặc biệt, không nên mua và sử dụng hàng hóa là thực phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng để bảo đảm sức khỏe.

Đặc biệt đối với thịt lợn, Tổng cục QLTT cho biết, hiện nay ở các nước xung quanh Việt Nam, dịch tả heo châu Phi vẫn đang xảy ra. Trong khi đó thời gian gần đây, tình hình mua bán, vận chuyển thịt lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng diễn biến phức tạp.

Việc vận chuyển, buôn bán thịt lợn nhập lậu sẽ gây ra những hậu quả khôn lường đối với hoạt động chăn nuôi ở nước ta nói chung, như làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh của việc sử dụng, kinh doanh heo và sản phẩm từ heo nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Do đó cần kiểm soát tình hình nhập lậu heo qua biên giới nhằm ngăn chặn mầm bệnh vào nước ta, tránh gây nhiều hệ lụy xấu cho ngành chăn nuôi.

Theo VietQ