Áp dụng những cách này để phòng đột quỵ mùa thu đông

Đột quỵ là căn bệnh gây tử vong nhanh và để lại di chứng nặng nề nếu không cấp cứu kịp thời. Vào mùa đông, số lượng người bị đột quỵ thường tăng cao. Để giảm thiểu tình trạng này, các chuyên gia, bác sĩ đã đưa ra nhiều cách phòng chống đột quỵ có thể áp dụng tại nhà.

Theo báo cáo năm 2016 của tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), hiện có tới 17 triệu trường hợp đột quỵ/năm, khoảng 6 triệu người tử vong và 5 triệu người sống sót với các di chứng trong thời gian dài hoặc vĩnh viễn. Tại Việt Nam, hơn 200.000 người/năm bị tai biến mạch máu não, hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động.

Bệnh đột quỵ hiện không chỉ gặp ở người già mà đang dần trẻ hóa, từ 40 - 45 tuổi so với trước đây là 50 - 60 tuổi. Đáng buồn là phần lớn người bệnh vào cấp cứu đều không được sơ cứu, sơ cứu không đúng cách và nhập viện muộn khiến bệnh nhân nặng thêm. Nhiều trường hợp ngừng tim trước khi đến viện.

Tại hội thảo “Thảo Dược Xanh – Hỗ trợ ngăn ngừa đột quỵ” do CTCP Đầu tư Thảo dược xanh phối hợp với Công ty CP Dược Nature Việt Nam vừa mới tổ chức, các bác sỹ, chuyên gia của các bệnh viện đầu ngành đã tập trung phân tích các nguyên nhân gây ra đột quỵ và đưa ra các biện pháp phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

 

Áp dụng những cách này để phòng đột quỵ mùa thu đông

Thời tiết thất thường, trở lạnh bệnh đột quỵ thường gia tăng nên cần chú ý đến sức khỏe. Ảnh TL

Vào mùa thu đông lượng bệnh nhân đột quỵ tăng 10-15% so với ngày thường. Để dự phòng bệnh đột quỵ trong mùa đông và hỗ trợ điều trị cần phải kết hợp đồng thời giữa chế độ sinh hoạt hợp lý.


ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân (Đại học Y Dược TPHCM) cho biết, bệnh đột quỵ hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách giảm lượng muối ăn vào, tập thể dục 150 phút mỗi tuần, giảm ăn chất béo bão hòa, ăn nhiều chất xơ, ăn 2-3 loại trái cây/rau mỗi ngày, giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử, không hút thuốc, giới hạn uống rượu bia, dành 10 phút mỗi ngày để thư giãn, giảm lượng đường trong tinh bột. Bên cạnh đó, mỗi người cần biết các chỉ số cơ thể bản thân.

Đối với các bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp và tim mạch cần phòng ngừa đột quỵ bằng liệu pháp 4T, trong đó: T1 là tinh thần, tâm lý liệu pháp (giảm stress), T2 là thực phẩm liệu pháp (chế độ ăn cân bằng kiềm – toan), T3 là thể dục liệu pháp (tập thể dục kết hợp hô hấp sâu giúp cải thiện lưu thông máu huyết, góp phần hạn chế tắc nghẽn mạch máu), T4 là thuốc liệu pháp (nếu áp dụng tốt T1,T2, T3 có thể dần tiến tới bỏ thuốc hẳn).

Điều quan trọng, mọi người cần tầm soát đột quỵ để giúp phát hiện đột quỵ và nguy cơ đột quỵ. Bệnh lý này xảy ra đột ngột nên nếu có điều kiện tầm soát đột quỵ sớm, hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị sẽ được nâng cao. Hiện ở hầu hết các bệnh viện đều thực hiện được tầm soát phát hiện sớm đột quỵ.

Những người có tiền sử huyết áp cao, bệnh lý tim mạch, bệnh mạch vành, mỡ máu cao, tiểu đường…. nên khám định kỳ từ 3 – 6 tháng hoặc theo yêu cầu của bác sỹ. Người có kèm mỡ máu cao ngoài kiểm soát huyết áp cần lưu ý chỉ số mỡ máu ở mức an toàn.

Các chuyên gia cho rằng, hiện phần lớn mọi người vẫn sử dụng Tây y trong điều trị bệnh. Nhưng nếu kết hợp dùng Đông Tây Y sẽ phát huy được ưu điểm của cả 2 phương pháp, vừa hạ huyết áp, ổn định được huyết áp và phòng ngừa được đột quỵ hữu hiệu. (Tất nhiên cần tham vấn ý kiến bác sỹ điều trị trước khi kết hợp sử dụng).

BS Trần Văn Năm – Nguyên viện Trưởng Viện Y Dược Học Dân tộc TPHCM đã đưa ra một số loại thảo dược có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa chứng đột quỵ như: tỏi, đông trùng hạ thảo, nhân sâm, linh chi đỏ, giảo cổ lam, quả sơn tra, lá sen, nghệ vàng, hoài sơn, hoa hòe và men vi sinh…

Theo GiaDinh