Bán hàng giả, hàng cấm qua thương mại điện tử với nhiều thủ đoạn tinh vi

Cục QLTT Lạng Sơn cho biết, hiện nay xu hướng sử dụng mạng xã hội để buôn bán trở nên phổ biến tuy nhiên đi cùng với điều này thì xuất hiện nhiều hàng giả

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Lạng Sơn, với phương trâm “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, sâu sát địa bàn, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá” thời gian qua Cục QLTT tỉnh đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ để tăng cường kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm kinh doanh qua thương mại điện tử.

Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, xu hướng sử dụng mạng xã hội để mua bán, trao đổi hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến. Cũng từ đó xuất hiện các hình thức vi phạm về kinh doanh hàng hóa thông qua thương mại điện tử. Trong đó, phổ biến nhất hiện nay là việc các đối tượng lợi dụng mạng xã hội Face book, Zalo, Shopee làm kênh thông tin tiếp thị, quảng cáo, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí cả hàng cấm (thuốc lá điện tử).

ban-hang-gia-hang-cam-qua-thuong-mai-dien-tu-voi-nhieu-thu-doan-tinh-vi

Nhiều hàng giả, hàng gian lận thương mại gia tăng trên mạng xã hội. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn 

Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiến hành kiểm tra gần 50 vụ việc liên quan đến thương mại điện tử, xử lý 48 vụ việc (tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2020), xử phạt vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng (tăng 184,6% so với cùng kỳ năm 2020), tịch thu hàng hóa trị giá gần 2,3 tỷ đồng (tăng 348,05% so với năm 2020) cùng hàng nghìn đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc…

Cụ thể, mới đây Đội QLTT số 7 chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng (Công an, Biên phòng, Hải quan…) phát hiện một điểm kinh doanh thường xuyên bán hàng hóa có dấu hiệu vi phạm là một trong những vụ việc điển hình.


Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện gần 1.600 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất, gần 850 sản phẩm là túi xách, đồng hồ….có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và hơn 28.000 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm trong kho chứa hàng không có hóa đơn, chứng từ. Tổng trị giá tang vật lên đến gần 1 tỷ đồng.

Với những mặt hàng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…thì nguồn gốc xuất xứ là yếu tố then chốt. Thế nhưng, các hộ kinh doanh vi phạm lại “vô tư” bày bán, quảng cáo trên mạng, thậm chí còn giới thiệu sai về nguồn gốc và “thổi” lên các công dụng của sản phẩm.

Theo lãnh đạo Đội trưởng Đội QLTT số 7, từ đầu năm đến nay, Đội QLTT số 7 đã kiểm tra, xử lý 10 vụ việc liên quan đến bán hàng hóa vi phạm thông qua hoạt động Thương mại điện tử; xử phạt 9 đối tượng với số tiền xử phạt gần 255 triệu đồng; trị giá tang vật vi phạm trên 1,6 tỷ đồng.

Qua công tác kiểm tra, giám sát lực lượng QLTT nhận thấy, khó khăn lớn nhất đối với lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn chính là do hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn chủ yếu qua sàn thương mại điện tử Shoppee, qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, không có đăng ký kinh doanh, điểm kinh doanh cố định, chủ yếu là thuê nhà trọ để bán hàng. Hàng hóa thường không để tại điểm kinh doanh, chỉ để số lượng ít làm mẫu để giới thiệu, khi có khách hàng liên hệ mua thì đi lấy tại các nơi cất giấu để bán hoặc chuyển cho khách hàng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.

Cũng qua công tác kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm chủ yếu của kinh doanh qua thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh thời gian qua là: Hành vi bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, thiết lập website thương mại điện tử bán hàng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định…

Để hoạt động kinh doanh có hiệu quả mà vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định về kinh doanh hàng hóa, Cục QLTT thường xuyên kiểm tra kết hợp tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về luật, về kinh doanh qua thương mại điện tử, thực hiện văn minh thương mại…cho các hộ kinh doanh. 

Bên cạnh đó, các đội QLTT cũng đã thực hiện ký cam kết tuyên truyền, phổ biến pháp luật với các hộ kinh doanh được gần 900 lượt; ký quy chế phối hợp với các lực lượng chức năng, Ban quản lý các chợ, Trung tâm thương mại trên địa bàn các huyện, thành phố…

Theo VietQ