Bộ Y tế nói gì về chủ trương đổi tên "Đại học Y dược" thành Đại học Khoa học sức khoẻ?

Bộ Y tế khẳng định chủ trương thành lập Đại học Khoa học Sức khoẻ ở Việt Nam có từ gần 20 năm trước.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế khi tham dự lễ khai giảng năm học 2019-2020 của Trường Đại học (ĐH) Y dược TP.HCM chiều 16/9 đã yêu cầu trường này thực hiện đề án thành lập Đại học Sức khoẻ để xứng tầm với khu vực, nếu chậm thì tụt hậu hơn các nước lân cận.

Theo Bộ trưởng, Trường ĐH Y dược TP.HCM còn nợ một nhiệm vụ từ cách đây 15 năm là thành lập một ĐH Sức khoẻ TP.HCM trong đó có nhiều trường y, trường dược, trường nha, trường điều dưỡng… "Hiện nay chúng ta chưa nên gọi là đại học mà chỉ là Trường ĐH Y dược TP.HCM, vì dưới trường hiện nay chỉ có khoa chứ chưa có trường”, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành Y tế Việt Nam cho biết, Bộ Y tế rất ủng hộ chủ trương này và đề nghị trường sớm có đề án đổi tên trường thành ĐH Sức khoẻ TP.HCM. Cùng với Trường Đại học Y Hà Nội, Trường ĐH Y dược TP.HCM là một trong 2 cơ sở đào tạo khối ngành sức khoẻ lớn trong cả nước.

bo-y-te-noi-gi-ve-chu-truong-doi-ten-dai-hoc-y-duoc-thanh-dai-hoc-khoa-hoc-suc-khoe

Giờ thực hành của sinh viên y khoa. Ảnh minh hoạ

TS. Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học đào tạo và Công nghệ, Bộ Y tế cho biết, hiện trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW khóa XII, liên quan đến công tác đào tạo nhân lực y tế, Bộ Y tế đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ hai đề án rất quan trọng, trong đó có Đề án sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành Đại học Khoa học sức khỏe. ​

Theo TS Lợi, khoa học sức khỏe bao gồm nhiều lĩnh vực: khoa học y sinh (sinh học di truyền, giải phẫu, sinh lý, mô phôi, vi sinh, ...), y học, y học cổ truyền, dược học, răng hàm mặt, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng, ...

Mô hình đại học trong đó có các trường thành viên đã có ở Việt Nam như các Đại học Quốc gia (Hà Nội, TP HCM), Đại học vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng), mô hình này đã được khẳng định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.


Đối với lĩnh vực khoa học sức khỏe, cũng đã có một số mô hình như Đại học Khoa học sức khỏe Lào, Đại học California Sanfrancisco (University of California, Sanfrancisco), ...

Cách đây gần 20 năm, chủ trương thành lập Đại học Khoa học sức khỏe ở Việt Nam đã được đề cập, dự kiến đặt tại Hà Nội và TP HCM.

"Về bản chất, đây là mô hình đại học trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là Trường ĐH Y, Trường ĐH Dược, Trường ĐH Điều dưỡng, Trường ĐH Y tế công cộng, ..." - TS Lợi phân tích.

Mô hình này theo ông Lợi sẽ tạo quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên theo từng chuyên ngành, nhưng lại phát huy tối đa và hiệu quả thông qua sự chia sẻ nguồn lực chung như: Bộ máy quản lý, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh, sự phối hợp nghiên cứu và đào tao liên ngành, ...

Bộ Y tế cũng cho biết đang nghiên cứu xây dựng Đề án để có mô hình phù hợp nhất, trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn giữ được truyền thống và "thương hiệu" của cơ sở đào tạo.

"Chúng tôi xác định quan trọng là bản chất vấn đề chứ không phải là tên gọi" - ông Lợi khẳng định và lấy ví dụ: ĐH Y Dược TP HCM hiện nay hoạt động theo mô hình Trường Đại học, đang làm Đề án và sẽ được đầu tư, phát triển theo mô hình Đại học Khoa học sức khỏe.

"Về tên gọi sẽ cân nhắc cụ thể, trong đó có phương án vẫn giữ tên là Đại học Y Dược TP HCM và chỉ đi vào hoạt động theo mô hình Đại học khi được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê quyệt" - ông Lợi nói.

Theo GiaDinh