Cà Mau phát hiện hàng nghìn sản phẩm dầu gội có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau vừa kiểm tra 2 hộ kinh doanh tạp hóa trên địa bàn TP Cà Mau, phát hiện hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

ca-mau-phat-hien-hang-nghin-san-pham-dau-goi-co-dau-hieu-gia-mao-nhan-hieu

 

 Cà Mau phát hiện hàng nghìn sản phẩm dầu gội có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Ảnh tư liệu

Cụ thể, đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau) đã kiểm tra đột xuất đối với 2 hộ kinh doanh tạp hóa trên địa bàn TP. Cà Mau, phát hiện hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Cụ thể, theo lực lượng quản lý thị trường Cà Mau, sản phẩm giả mạo gồm kem đánh răng nhãn hiệu P/S, dầu gội nhãn hiệu Clear, dầu gội nhãn hiệu Dove đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Tổng số lượng hàng hóa có dấu hiệu vi phạm tại 2 hộ kinh doanh là: Kem đánh răng nhãn hiệu P/S (loại hộp 180g) số lượng: 199 hộp; dầu gội nhãn hiệu Clear (loại gói 6g), số lượng: 2.148 gói; dầu gội nhãn hiệu Dove (loại gói 6g), số lượng: 720 gói.

Lực lượng quản lý thị trường Cà Mau cho biết, tại thời điểm kiểm tra, đại diện 2 hộ kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Hiện tại Đội Quản lý thị trường số 1 Cà Mau đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Cục Quản lý thị trường Cà Mau, thời gian vừa qua, tình hình kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền nhãn hiệu đã được bảo hộ trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói riêng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp. Do đó tỉnh đang chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị liên quan tổ chức các buổi tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng phân biệt hàng thật, hàng giả, nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Cà Mau.


Điều 11 Nghị định số 08/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả quy định xử phạt đối với hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa như sau:
1. Đối với hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 08/2013/NĐ-CP nêu trên, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị đến 3.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại Khoản 1 nêu trên đối với một trong các trường hợp sau đây:
a) Hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Hàng giả là phụ gia thực phẩm, hóa mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với vi phạm theo quy định trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề không thời hạn đối với vi phạm sản xuất loại hàng giả theo quy định của pháp luật.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả đối với vi phạm theo quy định của pháp luật;
b) Buộc nộp lại số tiền thu được từ sản xuất hàng giả vào ngân sách nhà nước đối với vi phạm theo quy định của pháp luật;
c) Buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm đối với số hàng giả đã tiêu thụ còn đang lưu thông trên thị trường đối với vi phạm theo quy định của pháp luật.
Từ viện dẫn nêu trên hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo VietQ