Cẩn trọng khi mua tour giá rẻ dịp nghỉ lễ 30/4 trên các hội nhóm, mạng xã hội

Lợi dụng nhu cầu đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 tới đây tăng cao, các tour giá rẻ trên các hội nhóm, mạng xã hội đăng tải rất nhiều. Tuy nhiên thị trường càng sôi động, khách càng cần tỉnh táo vì không cẩn trọng dễ sập bẫy, mất tiền.

Mất tiền oan vì ham combo du lịch giá rẻ

Chị N.T.H ở (Hà Đông, Hà Nội) đã lên kế hoạch chuyến du lịch cho gia đình tới Phú Quốc vào tháng 6 tới. Chị đã tìm kiếm mua combo du lịch giá rẻ để gia đình chủ động lịch trình của gia đình mà vẫn tiết kiệm chi phí.

Theo tìm hiểu, chị đã lên mạng tìm mua từ một đại lý ở trên mạng combo du lịch Phú Quốc 4 ngày 3 đêm với giá 2,5 triệu/người. Giá vé đã bao gồm vé máy bay khứ hồi, nghỉ tại khách sạn 3 sao 3 đêm ở gần trung tâm Thị trấn Đông Dương và buffet 3 bữa sáng.

Theo lời chị kể, để tìm hiểu thêm, vào trang cá nhân của người bán thấy cũng có nhiều khách review, chia sẻ lại ảnh đi du lịch, chuyển khoản và bình luận ở dưới bài đăng. Nhiều coment tích cực, khen sự uy tín nên chị đã đặt mua ngay. Người bán cũng có gửi ảnh thư điện tử đặt vé với hãng hàng không mang tên chị, nên chị nhanh chóng thanh toán toàn bộ combo cho cả gia đình. Tuy nhiên, gần ngày bay, chị gọi xác nhận với hãng hàng không và khách sạn lại nhận được thông báo mã vé bị hủy vì không thanh toán trong 24 giờ.

can-trong-khi-mua-tour-gia-re-dip-nghi-le-30-4-tren-cac-hoi-nhom-mang-xa-hoi

Ảnh minh họa

Liên hệ qua điện thoại, qua Facebook và nhờ người quen kiểm tra hộ, chị mới biết bị lừa. Tôi chủ quan không hề nghĩ là những người bình luận trên Facebook đều là tài khoản ảo. Mã đặt chỗ trên hệ thống khi không thanh toán bị hủy. Lần trước đã từng săn combo giá rẻ 1 lần và hài lòng, nhưng lần này không nghĩ mình bị lừa" – chị chia sẻ.

Thực tế, những trường hợp bị lừa mua tour như trường hợp chị H không phải không có. Phần lớn các đối tượng lợi dụng vào tình trạng khan phòng và tâm lý thích giá rẻ của nhiều du khách. Các tài khoản ảo, hội nhóm rao bán combo, lừa tiền cọc… xảy ra nhiều hơn, nhất là thời điểm mùa du lịch. Nhiều đối tượng lừa đảo sau khi nhận được tiền cọc thường khóa luôn tài khoản mạng, chặn, hủy thông tin liên lạc… nên cơ quan chức năng cũng khó quản lý, truy vết. Người dân thì mất tiền oan vì tin tưởng chuyển tiền.

Điều cần làm để tránh sập bẫy

Theo các đơn vị lữ hành, combo du lịch giá rẻ không đồng nghĩa với lừa đảo, nhưng mọi người không cẩn thận dễ bị sập "bẫy" vì những thông tin mập mờ. Nhất là khi mua qua các trang mạng xã hội mà không có kiểm chứng. Các đối tượng lừa đảo thường làm giả giấy tờ thanh toán hoặc mạo danh những đơn vị uy tín... Không nên thực hiện các giao dịch qua mạng khi đơn vị có thông tin mập mờ.


Trước khi giao dịch nên tìm hiểu kỹ về đơn vị cung cấp, yêu cầu người bán cung cấp thông tin liên lạc trùng với hình ảnh, tên sử dụng trên tài khoản Facebook, hoặc tên công ty, đại lý du lịch.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) trước đó đã có khuyến cáo về combo du lịch giá rẻ. Người tiêu dùng tìm nên hiểu kỹ thông tin về công ty cung cấp dịch vụ du lịch, các chương trình khuyến mãi trước khi lựa chọn sản phẩm. Chọn các dịch vụ và combo du lịch ở những công ty, đơn vị có uy tín, thương hiệu. Các đơn vị đã có trang web đã có đăng ký với Bộ Công thương. Trong trường hợp có vấn đề trong quá trình giao dịch, mọi người còn có đầu mối để phản ánh.

Ngoài ra, cũng nên tham khảo thị trường trước, tránh "ham" các chương trình khuyến mãi giá rẻ bất thường. Trong giai đoạn mùa cao điểm, các mức giá du lịch đều tăng cao theo nhu cầu, mọi người có thể tham khảo, so sách giữa các công ty, đại lý. Việc bán cùng một sản phẩm mà giá rẻ bất thường có thể là dấu hiệu không an toàn khi giao dịch.

Theo GiaDinh