Cảnh báo: Mất một bên thận do tự ý dùng thu.ố.c nam chữa sỏi thận

Mới đây, tại Bệnh viện E (Hà Nội) đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nữ 65 tuổi có tiền sử bị sỏi thận nhưng tự ý dùng thuốc nam chữa trị dẫn đến một bên thận bị mất chức năng, phải cắt bỏ.

Bác sĩ Nguyễn Đình Liên  - Trưởng khoa Ngoại tiết niệu - Nam học, Bệnh viện E, cho biết bệnh nhân vào viện cấp cứu vì đau nhiều, có khối u cứng ở bụng. Kết quả xét nghiệm phát hiện sỏi thận biến chứng ứ mủ, ứ nước. Người nhà cho biết bệnh nhân bị sỏi thận nhiều năm nhưng không đi viện, ở nhà uống thuốc nam. 6 tháng gần đây, những cơn đau ngày càng tăng. Theo bác sĩ Liên, đây là trường hợp đáng tiếc, bệnh nhân nhập viện muộn, tự ý dùng thuốc nam.

"Lúc này, chức năng thận không còn, chỉ định phẫu thuật nội soi cắt bỏ một bên thận", bác sĩ nói. Sỏi thận có nhiều nguyên nhân và có thể ảnh hưởng bất kỳ phần nào của đường tiết niệu - từ thận đến bàng quang. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, phổ biến hơn ở người từ 40 tuổi trở lên. Sỏi thận thường diễn biến khá âm thầm, ở giai đoạn đầu không có dấu hiệu rõ rệt, bệnh nhân chủ quan, không điều trị sớm nên sỏi to lên.

Sỏi thận được hình thành khi lượng nước tiểu giảm và nồng độ chất khoáng trong thận tăng cao. Khi có một trong hai hoặc cả hai hiện tượng trên kéo dài trong nhiều ngày sẽ có nguy cơ hình thành sỏi thận. Đối với sỏi thận có kích thước nhỏ có thể được tống ra ngoài khi đi tiểu bình thường. Tuy nhiên, những viên sỏi lớn khi di chuyển trong thận, niệu quản, bàng quang... gây cọ xát dẫn tới tổn thương thậm chí làm tắc đường dẫn nước tiểu để lại những hậu quả rất khôn lường.

canh-bao-mat-mot-ben-than-do-tu-y-dung-thuoc-nam-chua-soi-than

Biến chứng của sỏi thận gây viêm bể thận cấp, viêm niệu quản, viêm bể thận mạn tính. Ảnh minh họa

Biến chứng của sỏi thận gây viêm bể thận cấp, viêm niệu quản, viêm bể thận mạn tính. Viêm bể thận gây nên tình trạng xơ hóa tổ chức kẽ thận, làm giảm chức năng tái hấp thu của cơ quan này. Biến chứng ứ mủ bể thận nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm vì đây là cấp cứu nội khoa nặng, có thể hủy hoại nhanh nhu mô thận. Ngoài ra, sỏi thận cũng là nguyên nhân gây vỡ thận.


Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân bị sỏi thận cần đi khám, không tự uống thuốc hay điều trị tại nhà. Sỏi thận có thể điều trị bằng nội khoa hoặc ngoại khoa. Trường hợp sỏi nhỏ, bác sĩ chỉ định dùng các loại thuốc phù hợp làm giãn cơ niệu quản, đẩy sỏi ra. Nếu sỏi không tự đào thải ra ngoài bằng đường tiểu, các bác sĩ có thể chỉ định can thiệp ngoại khoa bằng cách tán sỏi. Để thận hoạt động tốt, cần có chế độ ăn bảo vệ bộ phận này, gồm: tránh những thức ăn có tồn dư chất hóa học, chất bảo quản không được cho phép và tránh ăn quá nhiều thịt; nên uống đủ khoảng hai lít nước mỗi ngày. Với người lớn tuổi bị rối loạn tiểu tiện, cần phải uống nước và đi tiểu đúng giờ. Người trẻ cần uống theo thể trạng cơ thể, khi tập thể thao nên bổ sung thêm các chất điện giải. Những người đi khám phát hiện sỏi nhỏ nên tăng cường tập luyện thể dục thể thao.

Theo VietQ