Cao Bằng: Gần 20 em học sinh tự nhiên ngất, khóc và co cứng chân tay

Mới đây, tại điểm Trường Nà Rại thuộc Trường Tiểu học Cốc Pàng, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng xảy ra sự vụ 18 em học sinh có biểu hiện lạ như: tự nhiên ngất, khóc, co cứng chân tay, sợ hãi, kích động… môi cơn 3 – 5 phút và tăng dần lên 10 – 30 phút.

Theo Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, khoảng 21h ngày 24/11/2022, đơn vị nhận được thông tin tại điểm Trường Nà Rại, thuộc Trường Tiểu học Cốc Pàng, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lâm có một số em học sinh có những biểu hiện lạ như: tự nhiên ngất, khóc thét, co cứng chân tay, sợ hãi, gọi hỏi không trả lời, kích động, đánh người... thời gian mỗi cơn là khoảng 3-5 phút sau đó tăng dần lên 10-30 phút. Sau cơn từ biểu hiện lạ, các em học sinh ngủ lịm khoảng 10 - 20 phút thì tỉnh lại và tiếp xúc bình thường.

Theo Sở Y tế, tính từ thời điểm hiện tại có 18 trẻ có biểu hiện như trên, bao gồm: 02 nam, 16 nữ.

Trước sự việc trên, ngày 25/11, Sở Y tế cùng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng đã đến kiểm tra, đánh giá các vấn đề về tâm lý, sức khỏe của các em học sinh tại điểm Trường Nà Rại thuộc Trường Tiểu học Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc.

Qua khai thác, thu thập thông tin từ các thầy, cô giáo tại Điểm trường Nà Rại và phụ huynh của những em học sinh bị các vấn đề về tâm lý, sức khỏe nêu trên. Đoàn công tác phát hiện thêm một số triệu chứng như: các học sinh chỉ có các biểu hiện bất thường khi ở nơi đông người, không xuất hiện lúc ở 1 mình. Chủ yếu xuất hiện các cơn bất thường tại trường học, không xuất hiện tại nhà. Các cơn bất thường có tính chất lây lan, khởi phát bắt đầu từ 1 học sinh sau đó lan truyền sang các em học sinh khác, càng tập trung nhiều người chú ý, chăm sóc lại càng có nhiều em học sinh phát bệnh.

Ngoài các cơn nói trên, tất cả các trẻ tỉnh táo, tiếp xúc tốt, da niêm mạc hồng, tim nhịp đều, rõ; phổi thông khí đều 2 bên, không ran; bụng mềm, không chướng, không có điểm đau khu trú; gan, lách không to. Ngoài ra, không phát hiện bệnh lý, thực thể bất thường. Khám tâm thần sau cơn, các trẻ biểu hiện lo lắng, sợ hãi, không trả lời khi được hỏi bệnh. Sau khi được điều trị tại chỗ bằng một số nghiệm pháp tâm lý cơ bản thì hầu hết các cháu hồi phục hoàn toàn, có thể trở về lớp học bình thường.

cao-bang-gan-20-em-hoc-sinh-tu-nhien-ngat-khoc-va-co-cung-chan-tay

Đoàn công tác của Sở Y tế Cao Bằng thăm khám cho học sinh tại điểm Trường Nà Rại thuộc Trường Tiểu học Cốc Pàng.


Qua đó, đoàn công tác nhận định tất cả các em học sinh có biểu hiện bất thường như mô tả trên, mắc chứng rối loạn phân li tập thể. Đây là một nhóm các bệnh tâm thần thường gặp, là hiện tượng mất 1 phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữa trí nhớ và quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động. Chứng bệnh này thường gặp chủ yếu ở trẻ em gái.

Đặc trưng của phân li là những triệu chứng gợi ý bệnh lý của một cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể, nhưng không tìm được nguyên nhân bằng các phương pháp thăm khám lâm sàng và xét nghiệm. Rối loạn phân li tập thể là khi xảy ra đồng loạt, các trường hợp rối loạn phân li trong một nhóm tập thể, như trường học hoặc đám đông. Nếu không được xử trí kịp thời và triệt để sẽ dẫn đến nét tính cách phân li khó điều trị, gây ra hậu quả lan truyền giữa các môi trường đông người, nhất là môi trường trường học. Chứng rối loạn phân li tập thể điều trị chủ yếu bằng phương pháp liệu pháp tâm lý và giáo dục.

Qua thăm khám, đoàn công tác đã hướng dẫn cho các giáo viên xử lý khi xảy ra ca bệnh, nhanh chóng đưa học sinh bị bệnh ra ngoài phòng riêng, yên tĩnh để theo dõi. Thông báo cho gia đình học sinh biết và phối hợp theo dõi, chăm sóc trẻ. Đối với các trường hợp học sinh có biểu hiện lên cơn tái lại nhiều lần trong ngày, thời gian kéo dài nhiều ngày. Đoàn công tác đề nghị nhà trường báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình học sinh thực hiện biện pháp chăm sóc và theo dõi tại nhà từ 5 đến 7 ngày, nếu tình trạng học sinh ổn định, tiếp tục học tập bình thường.

Đồng thời, đoàn cũng đề nghị chính quyền địa phương tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu, tự tham gia vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Theo dõi tình hình sức khỏe các em học sinh, thông tin kịp thời cho ngành Y tế để tiếp tục có các biện pháp can thiệp phù hợp. Tăng cường các hoạt động ngoại khóa như: ca, múa, nhạc, tập thể dục, chơi các môn thể thao và lao động tập thể,… đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý cho học sinh.

Theo GiaDinh