Cát-sê sao Việt thời khó khăn: Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra

“Không phải nghệ sĩ nào cũng có thu nhập cao, ổn định. Nghệ sĩ cả nước có hàng ngàn người, sự giàu có tập trung vào vài người như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm… còn lại chỉ đủ sống là mừng” – Một ca sĩ giấu tên cho biết.

Cát-sê sao Việt thời khó khăn: Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra

Ca sĩ có cát-sê cao ngất ngưỡng showbiz Việt, Đàm Vĩnh Hưng.

Thông thường, khi một chương trình diễn ra, có một quy  tắc bất di bất dịch: Thu nhập của từng nghệ sĩ được bí mật tuyệt đối, phần ai nấy biết.  Chính vì vậy, nếu nhìn từ ngoài vào, khán giả khó biết được khoảng cách về thu nhập giữa các nghệ sĩ lớn đến mức nào.

Dĩ nhiên, với những tên tuổi lớn, thuộc hàng “bề trên” như Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm…có khả năng “níu chân” khán giả đến sân khấu, chịu bỏ tiền mua vé, họ phải được đền bù xứng đáng. Ở những ca sĩ thuộc hàng "sao" này, thì chi phí đầu tư cho tiết mục biểu diễn như trang phục, vũ công…cho xứng đẳng cấp, cũng rất tốn kém. Do đó, họ không thể nào nhận phần cát-sê bèo bọt được. Cát-sê của những ca sĩ ở mức từ vài chục triệu ở phòng trà đến ngót nghét một vài trăm triệu (hát event) là rất bình thường.

Bầu sô Quốc Hưng (từng làm bầu cho ca sĩ Việt Quang) đã từng nói: “Đàm Vĩnh Hưng đã nuôi sống rất nhiều ca sĩ khác. Trong một chương trình, tên của Hưng treo lên, khán giả mua vé vào xem, đa phần là xem Hưng hát chứ không phải xem các ca sĩ khác".

Nhưng không phải ai bước chân vào nghệ thuật, cũng dễ dàng “hốt” tiền. Nên nhớ rằng, cả nước có hàng ngàn nghệ sĩ,  hoạt động đủ các lĩnh vực: Điện ảnh, ca nhạc, kịch nói, cải lương... Thế nhưng khán giả chỉ tập trung bỏ tiền mua vé cho một vài người, số lượng đếm trên đầu ngón tay.


Thời buổi kinh tế khó khăn, khoảng cách "giàu, nghèo" giữa các nghệ sĩ càng lớn, thông qua cát-sê được trả. Có thể thấy rõ: Trong showbiz hiện nay tồn tại một điều ai cũng thấy: Người ăn không hết, kẻ mò không ra.

Cát-sê sao Việt thời khó khăn: Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra
 Nữ hoàng giải trí Việt Nam - ca sĩ Hồ Ngọc Hà là một trong những ca sĩ có cát-sê cao tại Việt Nam. Ảnh: Huy Tường

 Ở sân khấu bình dân 126 (TP.HCM), giá vé “bèo”, chỉ 100 ngàn/vé. Những ngày cuối tuần, lượng khán giả ở sân khấu có sức chứa 2000 khán giả này chỉ đạt con số vài trăm, còn những ngày còn lại có khi chỉ vài chục. Chưa kể vào mùa mưa, sân khấu này phải thường xuyên tối đèn, vắng hoe. Có khoảng 10 tiết mục cho mỗi đêm diễn, giá vé bèo bọt, khán giả lèo tèo, làm sao có thể dám mời ngôi sao hạng A? 

Ông Ngọc Quang, biên tập chương trình tại sân khấu này chia sẻ: “Có nhiều ca sĩ lúc chưa nổi tiếng đến đây năn nỉ xin hát, thậm chí hát khỏi cát-sê. Có chút tiếng tăm là bắt đầu làm mình, làm mẩy, đòi nâng giá. Khán giả thì lưa thưa, tui không có tiền trả, đành phải mời ca sĩ giá rẻ hơn. Giá rẻ nhưng họ hát nghe cũng hay lắm”. Theo ông Quang cho biết, một nhóm hài đến biểu diễn, phải trả 500 ngàn. Ca sĩ có tên tuổi tầm tầm, hát 2 bài, sẽ nhận cát-sê 300-500 ngàn.

Ông Quang cũng nói thêm: "Ngọc Sơn là sống tình nghĩa. Hát ở đây từ lúc còn chưa nổi tiếng, đến bây giờ đã thành ngôi sao nhưng chưa bao giờ cằn nhằn đòi nâng giá cát-sê, coi như hỗ trợ anh em.  Ngọc Sơn là ca sĩ chủ lực của sân khấu 126 này đó”. Theo tìm hiểu của phóng viên, trước tình hình khó khăn, thường xuyên “tối đèn”, ế ẩm của sân khấu 126, Ngọc Sơn  đã hỗ trợ, chỉ lấy cát-sê tượng trưng, chính xác là con số 5 triệu.

Trống Đồng, một sân khấu bình dân khác ở TP.HCM, tình hình cũng không sáng sủa gì hơn. Sự khó khăn ở sân khấu này thể hiện rõ ở chỗ: Bán vé đến giờ chót, nghĩa là khi chương trình chưa bắt đầu, giá vé bán 100.000 đồng. Và cứ tiếp tục bán cho đến gần kết thúc chương trình, giảm dần theo thời gian: 50 ngàn- 40 ngàn-30 ngàn…. mò mẫm "vét" từng khán giả. Những ca sĩ có tên tuổi bình thường, nhóm hài diễn tại đây cũng có mức lương không hơn gì ở sân khấu 126.

Các sân khấu kịch cũng lâm vào tình trạng ế khán giả. Ngay cả bà bầu Hồng Vân, người có kinh nghiệm chinh chiến trong kinh doanh nghệ thuật, quản lý sân khấu kịch Phú Nhuận suốt một thời gian dài, từng than vãn với phóng viên: “Hiện nay khán giả xem kịch chuyển qua xem phim Hàn Quốc hết rồi hay sao đó. Sân khấu vắng khán giả không thể tưởng tượng”.

NSND Hồng Vân đã giảm lương nghệ sĩ, cắt giảm nhân viên hậu đài, nhưng hàng đêm vẫn phải móc tiền túi bù lỗ chi phí vì không đủ sở hụi. Chính mắt phóng viên đã từng chứng kiến buổi biểu diễn tại sân khấu Phú Nhuận có chưa đầy 50 khán giả đến xem, dù gần như tất cả các vở kịch công diễn đều được NSND Hồng Vân biên tập rất công phu về nội dung, trau chuốt tỉ mỉ về diễn xuất. 

Không kể những diễn viên ngôi sao như Minh Nhí, Trịnh Kim Chi, Lan Phương…có mức cát-sê tiền triệu, còn lại các diễn viên khác đều nhận “bao thơ” có con số chưa đến 300.000 đồng. Gần đây, NSND Hồng Vân đã thẳng thắn nhìn nhận là đang chèo chống, nhưng không biết sân khấu Phú Nhuận còn “sống” được bao lâu nữa.

Cát-sê sao Việt thời khó khăn: Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra
Vào nghề trước cả Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà và Mỹ Tâm nhưng Thu Minh vẫn giữ được độ "hot" bền bỉ và là một trong số ít những nữ ca sĩ có giá cát-sê cao ngất của showbiz Việt. 

 Các phòng trà ca nhạc, nơi dành cho những khách có tiền, cũng đã qua thời hoàng kim. Trong tình hình kinh tế khó khăn chung, các đại gia liên tục tuyên bố vỡ nợ, phòng trà cũng lâm vào tình trạng lưa thưa khách trong vài năm trở lại đây. 

Cách đây vài năm, khách đến các phòng trà Không Tên, Đồng Dao, We… đông nghẹt, sẵn sàng không đắn đo móc ví ra từ 400.000- 1 triệu để xem một sao hạng A biểu diễn. Trong tình hình kinh tế khó khăn, lượng khách sang này trở nên hiếm hoi. 

Kinh doanh ế ẩm, chủ phòng trà phải cân đối thu, chi: Giá nước uống + phụ thu xem ca nhạc giảm, nhằm kéo chân khách, đồng thời giảm số lượng nhân viên.Kéo theo tình trạng "cân đối" này, dĩ nhiên là “lương” của ca sĩ hạng A cũng giảm theo, không thể nào trụ được với mức cát-sê trước kia. Con số cát-sê trăm triệu của một ngôi sao như vài năm trước, giờ chỉ là con số ảo. Tuy nhiên, các sao hạng A vẫn còn mức thu nhập khá cao, thoải mái trang trải cho một cuộc sống vương giả, xa hoa: Đi xe sang, ở biệt thự, xài đồ hiệu.

Khó khăn kinh tế đang càn quét dữ dội qua những ca sĩ hát lót ở các phòng trà, vốn có cát-sê bèo bọt, giờ càng bèo bọt hơn. Trước kia, hát hai bài ở phòng trà, có thể nhận cát-sê 300.000 đồng, giờ giảm xuống còn từ 150.000 – 200.000 đồng. Chưa kể, sô chậu bữa đực, bữa cái, lúc có lúc không.

Phong, một sinh viên vừa tốt nghiệp trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM than vãn:“Suốt cả tuần, nhóm hài 4 người của tôi chỉ nhận được một show diễn, cát-sê 400 ngàn. Chia ra, mỗi đứa được 100.000 đồng thì làm sao sống nổi. Tôi đang phải đi làm thêm ở quán ăn, kiếm thêm thu nhập”.

Theo những người am hiểu nghệ thuật thì năm nay hiếm ca sĩ nào dám bung ra làm liveshow, trước tình hình kinh tế khó khăn chung, khán giả không chịu bỏ tiền ra mua vé. Album cũng không ai dám đầu tư làm, vì khó thu hồi vốn trước tình cảnh sao, chép lậu, tràn lan trên mạng. Người thưởng thức nhạc bây giờ cũng thích lên mạng tải bài hát về, hiếm chịu bỏ tiền ra mua album. Những ngôi sao lớn chuyển hướng sang làm MV, họa hoằn lắm mới làm một album để duy trì độ nóng của tên tuổi trong thời buổi chật vật, khó khăn. 

Theo Lê Ngọc Dương Cầm (MTG)