Chính thức tăng khung giá bán lẻ điện bình quân

Khung giá bán lẻ điện bình quân là cơ sở để Chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 02/2023 về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, từ ngày 3-2, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh và tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. Quyết định này được ban hành sẽ thay thế cho Quyết định 34/2017 của Thủ tướng về khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020.

Giá bán lẻ điện bình quân tối đa tăng 538 đồng/kWh

Trong Quyết định 34/2017, khung giá bán lẻ điện bình quân có mức tối thiểu là 1.606,19 đồng/kWh và mức tối đa là 1.906,42 đồng/kWh. Như vậy, so với Quyết định 34/2017 thì giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu tăng 220 đồng, tối đa tăng 538 đồng/kWh.

chinh-thuc-tang-khung-gia-ban-le-dien-binh-quan

So với Quyết định 34/2017 thì giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu tăng 220 đồng,tối đa tăng 538 đồng/kWh. Ảnh minh họa: ĐÀO TRANG

Quyết định cũng nêu rõ khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất, kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chi phí sản xuất, kinh doanh điện và cần phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.


Việc ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân chưa làm thay đổi giá bán lẻ điện sản xuất và sinh hoạt. Khung giá bán lẻ điện bình quân là cơ sở để Chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân. Sau khi có kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2022, Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng trong năm 2023. Giá bán lẻ điện bình quân sẽ là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân đang ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm VAT), vốn được áp dụng kể từ lần điều chỉnh vào tháng 3-2019.

Tăng giá là điều bất khả kháng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều ý kiến đánh giá trong bối cảnh hiện nay, việc khung giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng là điều bất khả kháng. Bởi do nhiều yếu tố, giá các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất điện đã tăng lên rất cao, từ giá dầu mỏ, than đá…

Từ ngày 3-2, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh và giá tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.

Tuy nhiên, đánh giá về mức tăng trong khung giá này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng mức tăng này dao động trong phạm vi rất hẹp, do đó về cơ bản giá điện không tăng, ngành điện sẽ tiếp tục lỗ.

“Khung giá điện mà Chính phủ mới ban hành không đủ để bù đắp chi phí đầu vào của ngành điện nên ngành điện sẽ tiếp tục lỗ. Nếu ngành điện tiếp tục lỗ thì rất có thể xảy ra nguy cơ thiếu điện, trong khi đó Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt, rất nhiều dự án trong tổng sơ đồ điện VII cũng chưa được hoàn thành” - ông Ngãi nhấn mạnh.

TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thì đánh giá với mức tăng như vậy, chắc chắn Chính phủ đã có sự tính toán, cân nhắc rất kỹ.

“Việc tăng giá điện chắc chắn sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm, làm giảm năng lực cạnh tranh về giá. Điều này đòi hỏi tất cả chúng ta, từ người dân đến doanh nghiệp đều phải rất tiết kiệm điện để có thể vượt qua thử thách rất khó khăn này” - TS Doanh chia sẻ.

Tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh giá điện của nước ta không thể giống các nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tránh điều hành “giật cục”, cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.

Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất tăng giá điện trong bối cảnh doanh nghiệp này ước tính lỗ hơn 30.000 tỉ đồng năm 2022 do giá nhiên liệu tăng cao. EVN dự tính năm 2023 nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành thì số lỗ dự kiến lên đến 64.941 tỉ đồng. Trong đó sáu tháng đầu năm sẽ lỗ 44.099 tỉ đồng và sáu tháng cuối năm sẽ lỗ 20.842 tỉ đồng. Như vậy, tổng lỗ sản xuất, kinh doanh của EVN lũy kế hai năm 2022 và 2023 là 93.817 tỉ đồng. Với số lỗ dự kiến trên, EVN nhận định nếu năm 2023 không được tăng giá điện ở mức phù hợp, EVN sẽ bị mất cân đối dòng tiền hoạt động.•

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, khung giá của mức giá bán lẻ điện là cơ sở để EVN xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện. Nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên và trong khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.

Trên cơ sở mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh trong khung giá, căn cứ cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện tại Quyết định 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương sẽ ban hành quyết định quy định giá bán điện cho các khách hàng sử dụng điện, trong đó có các bậc giá nhóm khách hàng sinh hoạt.

Theo GiaDinh