Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp có gây bất bình đẳng?

PGS Nguyễn Thị Hoài Phương lo lắng về sự an toàn và bình đẳng của học sinh khi cho phép các em sử dụng điện thoại trong giờ học.

Tại tọa đàm " Học sinh được sử dụng điện thoại - Nên hay không?" do báo Tiền Phong tổ chức ngày 25/9, gần 100% học sinh THPT, THCS có mặt cho biết mình từng sử dụng điện thoại thông minh cho mục đích học tập và giải trí.

Các chuyên gia, giáo viên thừa nhận đây là xu thế tất yếu nhưng vẫn có nhiều băn khoăn về mặt lợi và hại của việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.

cho-hoc-sinh-dung-dien-thoai-trong-lop-co-gay-bat-binh-dang

Học sinh tham dự tọa đàm ngày 25/9 cho biết sử dụng điện thoại cho nhiều mục đích khác nhau. Ảnh: BTC.

Nhiều nước cấm

PGS Nguyễn Thị Hoài Phương, Trưởng bộ môn Luật - Luật Kinh tế, ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), cho rằng về nguyên tắc, Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng trao quyền cho giáo viên quyết định việc học sinh được sử dụng phù hợp yêu cầu chuyên môn.

Theo bà Phương, với thông tư này, Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà bà đã khảo sát, cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.

Nữ giảng viên ĐH Quốc tế Hồng Bàng thông tin trên thế giới, việc học sinh sử dụng điện thoại có nhiều phương diện, cấp độ khác nhau. Một số nước cho phép các em được mang điện thoại đến trường nhưng không được sử dụng trong giờ học. Bà lấy trường hợp Nhật Bản, học sinh được mang điện thoại đến trường, đề phòng thảm họa thiên nhiên, các em có thể tiện liên hệ với gia đình.


Trong 18 quốc gia chúng tôi khảo sát, 2 nước cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là Trung Quốc và Mỹ.

PGS Nguyễn Thị Hoài Phương

“Trong 18 quốc gia chúng tôi khảo sát, 2 nước cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, một số bang ở Mỹ và một số tỉnh ở Trung Quốc cũng cấm học sinh sử dụng”, PGS Hoài Phương dẫn chứng.

Tương tự, ông Trương Tiến Sĩ, giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Du học ASEP, cho biết phần lớn nước trên thế giới đều cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Thậm chí, một số nước còn cấm học sinh mang điện thoại đến trường.

"Ở châu Âu, Pháp, Anh cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Thậm chí, Pháp còn vận động để việc này được áp dụng trên toàn bộ châu Âu", ông Sĩ cho hay.

Ông dẫn ví dụ trường học của con gái mình tại bang California (Mỹ) cấm học sinh mang điện thoại đến trường. Để ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, trường cấp cho mỗi học sinh một chiếc máy tính bảng chỉ cài các chương trình, tài liệu liên quan học tập.

"Các nước kiểm soát rất chặt chẽ việc sử dụng phương tiện kỹ thuật số trong giờ học. Vì rõ ràng, cái lợi không biết được bao nhiêu nhưng cái hại thì thấy trước mắt", giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM nêu quan điểm.

Cho học sinh sử dụng đúng quy định

Không phủ nhận lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, nhưng bà Phương lưu ý giáo viên và nhà trường cho phép sinh sử dụng điện thoại trong tiết học phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng và an toàn, theo các quy định của pháp luật.

"Tôi cảm nhận được xã hội đang lo lắng vì yếu tố an toàn cho học sinh. Bởi vì, quy định này nhắm đến nhóm đối tượng được luật pháp quốc tế và Việt Nam bảo vệ, chính là trẻ em.

Không ai có thể phủ nhận sức mạnh, ưu thế vượt trội của công nghệ thông tin nhưng nó luôn tiềm ẩn mặt không an toàn. Trong khi đó, học sinh (dưới 16 tuổi) chưa thể chịu trách nhiệm cho những hậu quả mà các em gây ra", bà Phương nói.

cho-hoc-sinh-dung-dien-thoai-trong-lop-co-gay-bat-binh-dang
 

PGS Nguyễn Thị Hoài Phương, Trưởng bộ môn Luật - Luật Kinh tế, ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh: BTC.

Hơn nữa, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để trang bị chiếc điện thoại thông minh cho con em mình. Học sinh chắc chắn không có đủ tiền để tự mua điện thoại.Theo bà, đội ngũ giáo viên có tinh thông đến mấy cũng có những tình huống không thể lường trước, khó khống chế.

"Nếu giáo viên đưa ra những hoạt động giảng dạy bắt buộc học sinh phải có điện thoại, những em không có sẽ mất cơ hội tiếp cận tiết học mộc cách tốt nhất. Như thế là không bình đẳng cho các em", PGS Phương nói.

Theo nữ giảng viên, các trường có thể áp dụng theo lộ trình, thí điểm trước, không thể ngay lập tức áp dụng đại trà.

Thầy, cô và các trường cần hiểu đúng rằng bộ trao quyền cho giáo viên quyết định việc học sinh sử dụng điện thoại hay không chứ không bắt buộc giáo viên phải cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, vì mục đích học tập.

"Các trường cần triển khai cho đúng quy định vì nếu cho học sinh sử dụng nhưng không đảm bảo an toàn cho các em, nếu có thiệt hại, trách nhiệm đó, theo Luật Dân sự, thuộc về nhà trường. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là tốt nhưng không nhất thiết phải có công nghệ thông tin mới là hay, giỏi", nữ PGS nhấn mạnh.

Theo Tri thức trực tuyến