Chồng cấm cản vợ về ngoại ăn Tết, có thể sẽ bị phạt tiền?

Khi xuân về tết đến, việc các nàng dâu bị chồng hoặc gia đình nhà chồng ngăn cản, cấm đoán về thăm bố mẹ đẻ không phải chuyện hiếm gặp. Thế nhưng, rất ít người biết rằng chồng cấm cản vợ về ngoại ăn Tết, có thể sẽ bị phạt tiền.

chong-cam-can-vo-ve-ngoai-an-tet-co-the-se-bi-phat-tien

Nếu được hỏi, phụ nữ lấy chồng sợ nhất ngày nào trong năm. Chắc nhiều người chẳng ngại trả lời, đó là ngày Tết. Dù rằng, Tết nhất đông vui, Tết đến gia đình sum vầy nhưng với phụ nữ Việt Nam, có chắc Tết là đông vui, có chắc Tết là được về với gia đình mình hay Tết là ngày họ cô đơn vật lộn với hàng dài công việc, là ngày đoàn viên mà về nhà ngoại cũng khó khăn vô cùng?

chong-cam-can-vo-ve-ngoai-an-tet-co-the-se-bi-phat-tien

Cận kề ngày Tết, câu chuyện về ăn Tết, chúc Tết gia đình nhà ngoại lại được nhắc đến. Nhiều nàng dâu than thở cả năm đã sống xa nhà, chỉ được vài ngày Tết về thăm bố mẹ nhưng lại không được chồng tạo điều kiện, thậm chí còn ngăn cản, cấm đoán. Dẫu biết "mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh" nhưng đa phần các chị em đều phải về nhà chồng, lo chu toàn công việc từ trước Tết đến khoảng mồng 4, mồng 5 mới được về nhà mình. 

Lý do các ông chồng đưa ra để người vợ không về ăn Tết nhà ngoại như đường xá xa xôi, con còn nhỏ, gia đình nhà nội bận rộn... Chuyện về nội hay ngoại ăn Tết đôi khi lại là ngòi châm bùng nổ cãi vã vợ chồng. Người nào may mắn thì được chồng hiểu mà về ngoại được một hai ngày đầu năm còn gia đình nào nhiều lễ phép, ràng buộc hơn thì việc về ngoại ăn Tết với phụ nữ là cả một nỗi niềm không phải ai cũng thấu.

Cứ vin vào phong tục "xuất giá tòng phu", những người vợ thường im lặng chiều ý chồng cho ngày Tết tránh mâu thuẫn, cãi cọ tuy nhiên trong lòng không tránh khỏi tủi thân, buồn bực.

chong-cam-can-vo-ve-ngoai-an-tet-co-the-se-bi-phat-tien

Chẳng ai hiểu phụ nữ cũng có gia đình, cũng muốn có niềm vui đoàn tụ. Họ đã bằng lòng theo chồng về một gia đình khác, sao đến việc về thăm nhà ăn Tết vui vẻ cũng khó khăn?


Bởi thế mới nói, đàn ông hãy thương vợ hơn khi Tết đến xuân về. Trong lòng người phụ nữ các anh có Tết thì hạnh phúc trong nhà mới nở hoa. Mỗi người vợ đều đáng được yêu thương hơn mỗi ngày, và đặc biệt là khi Tết đến xuân về.

chong-cam-can-vo-ve-ngoai-an-tet-co-the-se-bi-phat-tien

Về vấn đề Tết nội, Tết ngoại, đa phần vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Có người nhất nhất phải về nội ăn Tết vì theo quan điểm "xuất giá tòng phu", "việc ăn tết nội hay tết ngoại không phải là việc các chị em muốn hay không muốn mà được. “Con gái là con người ta” – đã gả bán đi rồi thì phải ăn tết, lo tết ở nhà chồng. Đó là quy tắc bất di bất dịch. Cánh đàn ông cần phải cứng rắn, quyết đoán và phải có cái uy, chứ không các cô vợ sẽ nổi loạn, đòi quyền bình đẳng thì … mệt".

Nhưng có anh lại cho rằng: "2 vợ chồng thường thu xếp để nghỉ phép sớm một, hai ngày gộp chung với lịch nghỉ Tết để chia đôi thời gian ăn Tết với 2 bên nội ngoại", "Không phải cứ ưu tiên là Tết nào cũng về quê nội. Theo tôi thì cứ hai năm ăn Tết nội lại một năm ăn Tết ngoại. Bạn mong muốn làm tròn chữ Hiếu với bố mẹ ruột của mình thì vợ bạn cũng thế. Cô ấy là con một, hẳn rất đau lòng mỗi dịp xuân về phải xa cha mẹ".

Tuy nhiên, liên quan đến câu chuyện gia đình kể trên, ít người biết rằng hành vi của người chồng ngăn cấm vợ về nhà ngoại ăn Tết đã vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình. Thông tin từ báo Lao Động, theo quy định tại mục 1 Chương III Luật Hôn nhân và gia đình, vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân.

Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Hiện nay, các quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hôn nhân và gia đình được áp dụng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Điểm a khoản 1 Điều 52 của Nghị định này chỉ rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng đối với hành vi cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó.

Theo đó, nếu người chồng có hành vi cấm đoán, ngăn cản vợ về thăm bố mẹ đẻ, kể cả trong dịp Tết nhằm gây áp lực tâm lý thường xuyên đối với người vợ sẽ chịu mức phạt nêu trên. Ngược lại, nếu vợ cấm đoán chồng gặp gỡ người thân, bạn bè cũng với mục đích gây áp lực tâm lý đến người chồng thì cũng sẽ chịu mức phạt tương tự.

Đối với điểm a khoản 1 Điều 52, luật sư Lê Văn Kiên - Văn phòng LS Ánh sáng công lý (Đoàn LS Hà Nội) còn chia sẻ thêm trên Dân Việt rằng: “Trường hợp này, nếu người chồng có hành vi cấm đoán, ngăn cản vợ về thăm bố mẹ đẻ, kể cả trong dịp Tết nhằm gây áp lực tâm lý thường xuyên đối với người vợ sẽ chịu mức phạt nêu trên. Tuy nhiên người vợ phải chứng minh được việc cấm đoán đó bằng các hình thức như có thể ghi âm, quay phim, nhờ người làm chứng hoặc khi người chồng thừa nhận hành vi. Ngược lại, nếu vợ cấm đoán chồng gặp gỡ người thân, bạn bè cũng với mục đích gây áp lực tâm lý đến người chồng thì cũng sẽ chịu mức phạt tương tự”.

Từ xưa ông bà ta vẫn có câu, "thuyền theo lái, gái theo chồng" để nói về việc phụ nữ đã lấy chồng thì phải theo chồng. Mặc dù ngày nay, những quan niệm hay lề thói đó cũng không còn nặng nề nữa nhưng thực tế thì có không ít nàng dâu phải chịu cảnh nhiều năm không được về nhà ăn Tết vì phải ở nhà chồng. Còn bạn, bạn có quan điểm như thế nào về vấn đề này, cùng chia sẻ với chúng tôi nhé!

Theo Bestie