Chuyện "dở khóc, dở cười" ở trung tâm hiến tạng

“Tôi muốn hiến tất cả nhưng chưa biết khi nào chết não, cán bộ cho tôi ở đây luôn nhé”...

chuyen-do-khoc-do-cuoi-o-trung-tam-hien-tang

Một góc làm việc của cán bộ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia

“Tôi muốn bán mắt, cán bộ giúp tôi, tôi biếu lại vài chục triệu”... Đó chỉ là số ít những chia sẻ của những người có nhu cầu hiến tạng khiến nhân viên ở trung tâm hiến tạng phải "dở khóc dở cười"!

“Tôi muốn bán mắt…”

Vào một buổi sớm cuối tháng 10, khi đang ngồi trực ở Văn phòng Ngân hàng Mắt (BV Mắt T.Ư), ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt giật mình ngẩng lên khi nghe tiếng lách cách mở cửa từ một người đàn ông trung tuổi, dáng người gầy gò, kham khổ. Lịch thiệp mời vị khách ngồi xuống, chưa kịp mở lời câu chuyện, vị khách đã vội lên tiếng: “Tôi muốn bán một bên mắt, cán bộ giúp tôi với”.

Khá bất ngờ về lời đề nghị “lạ” của vị khách, nhưng ông Hoàng vẫn từ tốn giải thích về việc không có chuyện mua hay bán giác mạc mà ở Ngân hàng Mắt chỉ nhận giác mạc được hiến từ người đã mất. Dường như không muốn từ bỏ “mục đích” của mình, người đàn ông vẫn tiếp tục khẩn khoản “rỉ tai”: “Cán bộ giúp tôi, nếu được tôi xin biếu lại cán bộ vài chục triệu. Chuyện này tôi không nói với ai đâu”. Lời đáp lại vẫn là cái lắc đầu dứt khoát từ ông Hoàng vì đó là điều không thể.

"Có dạo, cứ đều đặn 2h sáng, chuông đường dây nóng lại vang cắt ngang giấc ngủ. Sau khi đặt nhiều câu hỏi về hiến giác mạc cho cán bộ tư vấn, từ đầu dây bên kia nói: Thế cán bộ đến ngay nhà em, lấy giác mạc của… con trâu nhà em vừa mới chết. Rồi hết trâu chết, đến chó, mèo, gà…, vẫn người đó nhưng gọi từ số máy khác để trêu chọc. Sau đó, chúng tôi buộc phải đưa những số đó vào danh sách đen để từ chối nhận cuộc gọi”.


Ông Nguyễn Hữu Hoàng
Giám đốc Ngân hàng Mắt
(BV Mắt T.Ư)

Tuy nhiên, điều đáng nói, người khách lạ này không đến trung tâm một mình mà được “giám sát” bởi hai người trẻ khác. Chính thái độ “mờ ám” của nhóm người này khiến ông Hoàng băn khoăn: “Liệu đằng sau đề nghị muốn bán mắt của người đàn ông này có phải là câu chuyện ép nợ?”. Cũng trong buổi sáng hôm đó, câu chuyện lại được lặp lại cùng một kịch bản ở Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.

Tại Trung tâm Điều phối ghép tạng, cách đây không lâu, một người đàn ông xấp xỉ lục tuần xuất hiện với thái độ khẩn cầu. Trong câu chuyện, người đàn ông bày tỏ: “Tôi thật lòng mong muốn được hiến tất cả mô tạng trên cơ thể mình để cứu người. Nhưng tôi tìm hiểu kỹ rồi, các mô tạng cần phải lấy ngay sau khi chết não mới tốt, mà tôi thì chưa biết khi nào mình chết (!?) nên cán bộ cứ cho tôi ở lại đây. Khi nào tôi chết não thì hiến luôn”. Lời đề nghị của người đàn ông khiến các cán bộ trung tâm “dở khóc, dở cười”.

Sau lời cảm ơn về suy nghĩ tốt đẹp của vị khách, bà Nguyễn Phượng Hoàng, cán bộ trung tâm đã phải hết lời giải thích, văn phòng chỉ là nơi làm việc không phải nơi lưu trú nên không thể ở lại được.

Một cán bộ trẻ của trung tâm cũng từng “nước mắt lưng tròng” sau khi tiếp nhận cuộc điện thoại kéo dài gần tiếng đồng hồ với nhiều lời nhiếc móc từ vợ của người đàn ông đăng ký tình nguyện hiến tạng sau khi mất. Hóa ra người chồng âm thầm đăng ký hiến tạng mà giấu không cho vợ biết.

Tuy nhiên, khi tấm thẻ đăng ký hiến tạng được gửi về nhà, người vợ lại nhận được. Thế là bao lời lẽ “xấu xí” đều đổ hết lên đầu cán bộ trung tâm, kiểu như “các anh, các chị xui chồng tôi hiến tạng…”. Chị Phượng Hoàng chia sẻ: “Dù ở tình huống nào thì nhiệm vụ của chúng tôi vẫn là phải giải thích để cho họ hiểu ý nghĩa của việc hiến tặng mô tạng cứu người”.

Buồn - vui với đường dây nóng

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hữu Hoàng cho hay: “Vui có, buồn có, stress vì trực đường dây nóng cũng có. Thậm chí, cán bộ trực đường dây nóng còn trở thành anh/chị Thanh Tâm bất đắc dĩ”.

“Không ít ca gọi đến, hỏi rất cặn kẽ về thủ tục, cách thức để được hiến giác mạc. Rồi chốt lại là lời chia sẻ: “Em đang muốn chết, nhưng tự tử bằng cách nào mà vẫn giữ được tạng, được giác mạc lành lặn để hiến. Trượt chân từ tầng cao xuống, lao vào ô tô hay uống thuốc ngủ”… Lúc này, thay vì tư vấn hiến tạng, chúng tôi quay sang an ủi, chia sẻ, rồi khuyên họ chớ dại tìm đến cái chết. Và những tình huống như vậy không phải là hiếm gặp”, ông Hoàng chia sẻ.

Vẫn theo lời kể của ông Hoàng, có lần nhận được cuộc gọi rất gấp gáp thông báo “có người nhà mới mất, gia đình đồng ý hiến giác mạc, nên cán bộ Ngân hàng Mắt cần đến ngay” kèm theo đó là số nhà và số điện thoại liên hệ. Theo quy trình, trước khi khởi hành, ông Hoàng cẩn trọng kiểm tra lại thông tin từ số điện thoại được cung cấp. Tuy nhiên, từ đầu dây bên kia thông báo “nhà tôi chả có ai mới mất cả, sao lại có thông tin này?”.

Cũng như ông Hoàng, sau một thời gian cầm đường dây nóng ở Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, bà Phượng Hoàng chia sẻ: “Có những cuộc gọi đến từ khách hàng kéo dài 1-2 giờ đồng hồ, bên cạnh việc hỏi về hiến tạng là những câu chuyện chia sẻ về gia đình, bạn bè cứ kéo dài mãi… Phải từ chối thật khéo léo để không ảnh hưởng đến công việc”.

Theo Baogiaothong