Chuyên gia lý giải việc xuất hiện "đảo khủng long" ở biển Cửa Đại

Các nhà khoa học đã nghiên cứu sự hình thành của “đảo khủng long” ở biển Cửa Đại và nhận thấy nó có rất nhiều tiện ích.

chuyen-gia-ly-giai-viec-xuat-hien-dao-khung-long-o-bien-cua-dai

Đảo cát ở biển Cửa Đại nhìn từ trên cao có hình thù giống như con khủng long. Ảnh: M.H

Mới đây, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) đã giới thiệu kết quả nghiên cứu cồn cát hay còn gọi là “đảo khủng long” trên biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) của GS-TSKH Nguyễn Kim Đan và PGS-TS Huỳnh Công Hoài.

Trong nghiên cứu “Đảo khủng long – Cửa Đại hình thành từ đâu?” của 2 nhà khoa học cho hay, cơ chế hình thành “đảo khủng long” hiện nay khá giống với một cồn cát xuất hiện năm 1988. Tuy nhiên, cồn cát này xuất hiện ở gần bờ và đến năm 1991 thì dính vào bờ nên được coi như đất liền.

“Đây hiện tượng tự nhiên bình thường tại các cửa sông mà bên trong có phù sa nhiều. Sự tương tác của dòng chảy mang phù sa từ sông đổ ra biển, sự dịch chuyển của dòng chảy mang trầm tích ven bờ và chế độ sóng, thủy triều theo mùa từ bên ngoài vào tạo thành một “điểm dừng”, bồi tụ dần qua năm tháng hình thành bãi ngầm ngay trước cửa sông.

chuyen-gia-ly-giai-viec-xuat-hien-dao-khung-long-o-bien-cua-dai


Diễn biến đường bờ và hình dạng cồn cát từ ngày 21/4 đến 14/6. Ảnh Tổng cục PCTT.

Vị trí cách đất liền xa hay gần phụ thuộc vào lưu tốc các dòng chảy và trường sóng. Lâu dần bãi ngầm nhô cao, vào mùa triều kiệt nước rút xuống và gió vun cát lên thành bãi nổi. Bãi nổi này không đứng yên mà dịch chuyển về hướng Tây Bắc hoặc Tây Nam tùy vào đặc điểm động lực học cửa sông, ven biển”, trích nghiên cứu.

Đối với “đảo khủng long” hiện nay, nghiên cứu chỉ ra rằng, đảo xuất hiện từ tháng 11/2017 sau một trận lũ mạnh, cùng lúc với việc phá dỡ bãi đúc dầm cầu Cửa Đại ở phía Bắc đã làm dòng chảy dịch chuyển mạnh về phía Bắc.

Đến khoảng tháng 2/2018, cồn cát bắt đầu nhô lên trên mặt nước và phát triển lớn dần. Tốc độ bồi nhanh từ tháng 2/2019 (sau Tết Âm lịch).

Dưới ảnh hưởng của dòng chảy ven bờ vào mùa gió đông bắc, một lượng cát lớn bị đẩy ngược ra biển với nồng độ lớn, lại tập trung tại đúng vị trí “đảo khủng long” hiện nay. Mùa gió Tây-Nam cũng đẩy cát ra biển tại cùng vị trí. Lượng cát tích lũy hàng năm tại đây có thể tới 200-250 ngàn m3.

Về tác dụng của “đảo khủng long”, theo nghiên cứu của GS-TSKH Nguyễn Kim Đan và PGS-TS Huỳnh Công Hoài đảo không gây nguy hại mà ngược lại còn có rất nhiều tiện ích như: làm nhiệm vụ như một đê chắn sóng, giúp giảm thiểu năng lượng sóng vào bờ giảm xói lở; là nguồn dự trữ cát dùng cho nuôi bãi từ Cửa Đại đến An Bàng.

Hai nhà khoa học còn đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam có thể nghiên cứu cho khai thác cát tại “đảo khủng long”. Đồng thời, kiến nghị đào sông và mở rộng kênh ở phía bắc biển Cửa Đại nhằm mang nhiều cát hơn lên phía bắc và củng cố đảo, tạo nguồn dự trữ cát cho Hội An và tỉnh Quảng Nam.

Ngày 14/6, Tổng cục Phòng chống thiên tai triển khai khảo sát lần 8 tại khu vực biển Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam.

Kết quả cho thấy, cồn cát tiếp tục bồi về phía Bắc; Phía Tây ít biến đổi; Phía Đông lại hình thành các doi cát và có xu hướng dịch chuyển về phía Bắc; Phía Nam tiếp tục biến đổi phức tạp.

So với kết quả khảo sát lần 7 (ngày 31/5): Phía Tây tại vị trí các cọc số 11 và 12 ít biến đổi, riêng cọc số 2 bồi từ 60-70cm; Phía Bắc (cọc số 1, 3 và 4) tiếp tục bồi, tại vị trí cọc số 1 bồi thêm khoảng 60-100cm; Phía Đông (cọc số 5 và 6) bồi 30-80cm; Phía Nam hình dạng biến đổi, trong 2 tuần qua tại vị trí các cọc số 8, 9 và 10 đều xói từ 30-100cm.

Theo DanViet