Chuyên gia mách chiêu "trị" chồng lười làm việc nhà

Những ông chồng lười thường “trốn” không về nhà sau giờ làm mà nếu có về cũng ngồi xem tivi, điện thoại… trong khi các bà vợ thì tất bật đi chợ, đón con, nấu nướng... Lấy phải những ông chồng lười việc nhà, làm sao người vợ có thể kéo chồng cùng tham gia? Bạn có thể tham khảo một vài gợi ý dưới đây của chuyên gia.

chuyen-gia-mach-chieu-tri-chong-luoi-lam-viec-nha

Ảnh minh họa

Trước tiên cần thay đổi sai lầm từ chính người vợ

Dù ở thời đại nào thì phần lớn đàn ông cũng giữ quan điểm cố hữu là làm việc lớn còn phụ nữ làm việc nhỏ. Với họ, việc nhà và chăm sóc con cái không thuộc nghĩa vụ của họ và coi việc đó là của người phụ nữ. Ngay ở các nước phát triển như Nhật Bản, khảo sát cũng cho thấy, thời gian đàn ông làm việc nhà chỉ bằng 1/4 phụ nữ. Nhiều người còn muốn vợ thôi việc ở nhà nội trợ để họ đi làm nuôi gia đình, nên ngày càng nhiều phụ nữ Nhật quyết định sống độc thân.

Thực tế thì bản chất của đa số đàn ông không phải lười nhưng lại không thích làm việc nhà. Trường hợp của anh Hoàng Văn Mạnh (ở Hà Đông, Hà Nội) là một ví dụ. Bản chất của anh không phải là người không chăm chỉ. Bằng chứng là anh là nhân viên rất gương mẫu ở cơ quan, nhưng với anh việc nhà lại rất sợ.

Anh tâm sự: “Một trong những điều sợ nhất khiến anh tránh về nhà sớm là sợ vợ bắt phụ việc nhà. Mỗi khi nghe vợ nói “anh ơi phơi giúp em quần áo đã giặt, anh ơi nhặt cho em mớ rau… là rất căng thẳng. Bởi khi làm xong, vợ không thuận mắt lại mắng xơi xơi. Đến phơi quần áo cũng nói có phơi bộ quần áo cũng không xong, anh phải phơi đồ to ở bên trong, đồ nhỏ ở bên ngoài...”. Dần dần anh né luôn cả những buổi sáng cuối tuần Chủ nhật cùng làm việc nhà với vợ mà hai người quy ước với nhau. Nhiều lúc nghĩ anh cũng thấy bất công cho vợ vì chuyện nhà cứ do vợ đảm trách mà mình không làm nhưng từ “tránh vợ” thành cái lười.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới điều này phần do bản tính, phần nhiều cũng từ chính người vợ làm họ lười việc nhà. Không phải đàn ông ai cũng lười làm việc nhà. Trong thực tế có người đàn ông lười biếng nhiều, có người lười ít và cũng có người chăm chỉ giúp vợ việc nhà.


Có những ông chồng muốn giúp vợ nhưng vốn không quen việc nên làm lóng ngóng, người vợ thấy vậy lại càu nhàu, chê bai. Như thổi cơm chê không nuốt nổi, rửa bát chê bẩn, quét dọn thì chê không kỹ… làm việc gì cũng “trông ngứa mắt”. Đàn ông lại không thích bị nói nhiều, dần dần chẳng muốn làm. Mà nhiều người vợ gạt đi cho rằng, thà làm rốn một lúc còn hơn để chồng “làm bừa” xong lại phải đi dọn đằng sau. Chính sự chê bai ấy làm cho họ ngại việc và lâu dần thành người lười.

“Một người phụ nữ khôn ngoan khi thấy người chồng bắt đầu nhúc nhắc việc nhà, hãy để người chồng thoải mái mỗi khi làm. Đừng cằn nhằn chê bai mà cần khích lệ, chấp nhận kết quả. Tuyệt đối tránh việc chồng vừa làm xong lại đi dọn đằng sau như rửa bát vợ cũng rửa lại, treo cái tranh, cái ảnh không ưng đòi tháo xuống… Điều đó chẳng khác nào bảo anh ta từ lần sau đừng làm nữa”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa khuyên.

Đôi khi phải “lấy độc trị độc”

Theo các chuyên gia tâm lý, để “đào tạo” chồng từ gã đàn ông lười thành người chồng biết vun vén, cùng vợ chia sẻ công việc gia đình là cả một quá trình. Nhất là với những người chồng từ những chàng trai được mẹ và chị hay em gái chiều chuộng, ít khi mó tay vào việc gì.

Nhiều bà vợ tiêu cực phân chia công việc trong mỗi gia đình gò ép nhau một cách căng thẳng. Đó chưa hẳn là cách hay. Muốn chồng chia sẻ việc nhà với mình, phụ nữ đừng chỉ kêu ca, chì chiết mà chủ yếu “đào tạo” họ thành những ông chồng chăm chỉ, coi việc cùng vợ làm mọi việc trong nhà là một niềm vui, là hạnh phúc. Thường đàn ông vẫn vụng về trong việc nhà nên nếu họ đã tham gia vào thì hướng dẫn nhưng phải nhớ càng ngắn gọn càng tốt vì đàn ông không thích nói dài.

Người vợ nên cho chồng thấy rằng có những việc mà cần phải có chồng giúp. Không cần giục anh phải làm thứ này thứ kia mà để anh tự thấy điều đó bằng cách thi thoảng lờ đi việc nhà vì quá bận. Ví dụ như, chén bẩn hết không còn cái nào sạch để dùng, nhà bám đầy bụi không ai lau vì bạn còn bận bịu việc khác. Hãy để chồng thấy mình không phải cái máy lo hết được mọi việc nếu không có chồng hỗ trợ một tay.

Lười nhác thường đi đôi với thói ở bẩn. Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cũng cho rằng, “cải tạo chồng lười” đôi khi cũng cần phải lấy “độc trị độc”. Đó là thi gan cùng nhau. Nếu như người chồng có tính bừa bộn, bừa đâu vứt đấy như quần áo lót hay tất thay xong vứt bừa ra sàn nhà, ăn xong không dọn… cũng nhất quyết không nên dọn dẹp luôn. Thay vì mang quần áo của chồng vào máy giặt, bạn cứ để nguyên đấy cho đến khi tự anh ấy làm. Có thể khi làm anh còn hậm hực nhưng cũng đã chịu động tay động chân, xắn tay dọn dẹp cùng vợ. Thậm chí, có những bà vợ còn cứng rắn vứt luôn đồ vào thùng rác.

Bên cạnh đó, cần là thường xuyên khích lệ, động viên và khen thưởng chồng mỗi khi người chồng có chuyển biến. Ai cũng thích được khen, vì vậy những lời nhận xét tốt đẹp của vợ sẽ mang đến cho chồng động lực lớn để tiếp tục cố gắng.

Theo GiaDinh