Chuyên gia nói gì về việc người phụ nữ ở TPHCM bị thuyên tắc phổi do uống thuốc tránh thai liên tục suốt 10 năm?

Theo các bác sĩ, việc uống thuốc tránh thai hàng ngày liên tục trong suốt 10 năm là không đúng với hướng dẫn chuyên môn, nguy cơ gây hệ lụy.

Gặp họa khi uống thuốc tránh thai suốt 10 năm

Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) đã cấp cứu cho một trường hợp bị thuyên tắc phổi vì sử dụng liên tục trong suốt 10 năm.

Theo đó, bệnh nhân là bà M.T.N (46 tuổi, trú tại TP.HCM). Khoảng 1 tuần trước khi nhập viện, bà N thấy bị khó thở kèm đau ngực trái âm ỉ khi xoay trở và khi ho. Đi khám ở bệnh viện địa phương được chẩn đoán theo dõi thuyên tắc phổi, suy tim, thiếu máu cục bộ, cường kinh, viêm phế quản cấp. Dù được truyền máu, lợi tiểu nhưng tình trạng khó thở không cải thiện nên được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115.

chuyen-gia-noi-gi-ve-viec-nguoi-phu-nu-o-tphcm-bi-thuyen-tac-phoi-do-uong-thuoc-tranh-thai-lien-tuc-suot-10-nam

Hình ảnh CT scan ngực có cản quang, tràn dịch màng phổi 2 bên của người bệnh. Ảnh BVCC

Tại đây, khi khai thác tiểu sử, bà N cho biết, bản thân có uống thuốc ngừa thai hằng ngày liên tục trong 10 năm nay. Khoảng 2 năm trước, bà thấy chu kỳ kinh kéo dài 8-10 ngày, lượng máu kinh ra nhiều hơn trước nhưng chủ quan không đi khám và điều trị.

BS Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Khoa Tim mạch Tổng quát (Bệnh viện Nhân dân 115) cho biết, trường hợp của bệnh nhân N, không có tiền sử bệnh tim mạch, tuy nhiên người bệnh có sử dụng thuốc ngừa thai, uống trong 10 năm nên thuộc nguy cơ trung bình dẫn đến thuyên tắc phổi.


Do đó, phụ nữ có uống thuốc ngừa thai nếu bị khó thở thì cần chú ý đến bệnh lý này. Ngoài ra, người bệnh đã được chẩn đoán xác định bệnh thuyên tắc huyết khối nên được tư vấn chuyển sang biện pháp ngừa thai khác để giảm tái phát bệnh.

Liên quan đến vấn đề này, BS Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết, trường hợp này là hồi chuông cảnh báo cho tất cả các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trong việc sử dụng các phù hợp, đúng cách để mang lại hiệu quả tránh thai, thực hiện kế hoạch hóa gia đình cũng như tránh những tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo BS Mai Xuân Phương, trước khi sử dụng bất kỳ một biện pháp tránh thai nào, cần được sự tư vấn, chỉ dẫn của những người có chuyên môn.

Bởi lẽ, không phải ai cũng phù hợp để sử dụng mọi biện pháp tránh thai. Chẳng hạn, có người đặt được dụng cụ tử cung (vòng tránh thai) nhưng một số khác lại có cơ địa không hợp. Hoặc, người này có thể cấy que nhưng người khác lại không, phải lựa chọn biện pháp khác…

Quay lại trường hợp của người phụ nữ ở TP.HCM, BS Mai Xuân Phương nhấn mạnh: "Việc người này uống thuốc tránh thai hàng ngày liên tục trong suốt 10 năm là không đúng với hướng dẫn chuyên môn, nguy cơ gây hệ lụy. Và thực tế cho thấy, bệnh nhân đã gặp một số biến chứng của việc sử dụng sai cách này".

Cùng với đó, người phụ nữ này đã 46 tuổi, sử dụng liên tục 10 năm, nghĩa là từ khi 36 tuổi, thuộc nhóm chống chỉ định tuyệt đối sử dụng thuốc uống tránh thai (phụ nữ lớn tuổi ≥ 35 tuổi) nên cũng dễ có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe không mong muốn. 

Dùng viên uống tránh thai như thế nào cho đúng?

chuyen-gia-noi-gi-ve-viec-nguoi-phu-nu-o-tphcm-bi-thuyen-tac-phoi-do-uong-thuoc-tranh-thai-lien-tuc-suot-10-nam

Thuốc tránh thai hàng ngày nếu dùng đúng cách sẽ mang lại hiệu quả tránh thai rất cao. Ảnh minh họa

Đề cập cụ thể về loại thuốc tránh thai hàng ngày, trong tài liệu Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản do Bộ Y tế ban hành năm 2016 đã nêu rõ, viên thuốc tránh thai kết hợp là biện pháp tránh thai tạm thời có hiệu quả cao.

Thuốc chứa 2 loại nội tiết là estrogen và progestin. Việc sử dụng viên thuốc tránh thai đòi hỏi chị em phải uống thuốc đều đặn. Những trường hợp thất bại trong việc tránh thai thường liên quan đến việc sử dụng sai, đặc biệt là quên uống thuốc hàng ngày.

Mỗi ngày, chị em uống 1 viên (nên vào giờ nhất định để dễ nhớ) theo chiều mũi tên trên vỉ thuốc (vỉ thuốc nên dán ngày để tránh quên). Khi hết vỉ thuốc, phải uống viên đầu tiên của vỉ tiếp theo vào ngày hôm sau dù đang còn kinh (với vỉ 28 viên) hoặc nghỉ 7 ngày rồi dùng tiếp vỉ sau, dù đang còn kinh (với vỉ 21 viên).

Trong trường hợp quên uống viên thuốc có nội tiết (từ viên thứ nhất đến viên thứ 21), nếu quên 1 hoặc 2 viên (đối với loại thuốc có nồng độ estrogen 30-35 mcg) hoặc quên 1 viên (đối với loại thuốc có nồng độ estrogen ≤ 20 mcg) hoặc bắt đầu vỉ thuốc chậm từ 1-2 ngày, cần uống một viên ngay khi nhớ ra và tiếp tục uống mỗi ngày một viên như thường lệ.

Nếu quên từ 3 viên trở lên (đối với loại thuốc có nồng độ estrogen 30-35 mcg) hoặc quên từ 2 viên trở lên (đối với loại thuốc có nồng độ estrogen ≤ 20 mcg) hoặc bắt đầu vỉ thuốc chậm từ 3 ngày trở lên, cần uống ngay một viên ngay khi nhớ ra và tiếp tục uống mỗi ngày một viên như thường lệ. Khách hàng cần thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.

Nếu quên thuốc xảy ra ở tuần lễ thứ nhất (bắt đầu vỉ thuốc) và có giao hợp không bảo vệ trong vòng 5 ngày vừa qua, chị em cần sử dụng thêm biện pháp tránh thai khẩn cấp. Nếu xảy ra ở tuần lễ thứ ba, khách hàng cần uống tiếp những viên thuốc có nội tiết, bỏ các viên thuốc nhắc và tiếp tục ngay vào vỉ thuốc mới.

Trường hợp quên uống viên thuốc nhắc (từ viên thứ 22 đến viên thứ 28), bỏ viên thuốc quên, uống tiếp viên thuốc kế.

Khi uống thuốc tránh thai, có thể xuất hiện một số tác dụng phụ như: Buồn nôn, chóng mặt, ngực căng, nổi mụn, mất kinh, kinh nguyệt không đều… Những vấn đề này sẽ dần thuyên giảm sau đó. 

Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc, nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu của bệnh lý nội khoa như bệnh tim, gan, tăng huyết áp hoặc tắc mạch…, chị em cần ngưng uống thuốc và sử dụng các biện pháp tránh thai hỗ trợ khác trong thời gian chẩn đoán bệnh.

Cùng với đó, không nên lạm dụng uống tránh thai trong thời gian dài. Trong 3 tháng đầu uống thuốc phải đến cơ sở y tế khám, đo huyết áp, cân nặng và định kỳ khám lại theo hẹn. Trong quá trình sử dụng, nếu thấy có vấn đề bất thường, cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Những ai không được sử dụng viên uống tránh thai?

Theo Bộ Y tế, những đối tượng chống chỉ định tuyệt đối với viên uống tránh thai gồm:

- Người đang có thai hoặc nghi ngờ có thai

- Phụ nữ đang cho con bú trong vòng 6 tuần sau sinh

- Phụ nữ lớn tuổi (≥ 35 tuổi) và hút thuốc lá thường xuyên ≥ 15 điếu/ngày

- Người có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành (lớn tuổi, hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp…)

- Người thường xuyên bị tăng huyết áp

- Đã hoặc đang bị bệnh lý tim mạch và đông máu như: Bệnh lý mạch máu; thuyên tắc tĩnh mạch sâu; thuyên tắc phổi; tai biến mạch máu não…

- Người bị đau nửa đầu

- Đang bị ung thư vú

- Đái tháo đường có biến chứng (thận, thần kinh, võng mạc, mạch máu).

- Đang bị lupus ban đỏ hệ thống

- Đang bị bệnh gan nặng có suy giảm chức năng gan trầm trọng…

Theo GiaDinh