Cơ quan điều tra làm việc với nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã làm việc với trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), về nội dung liên quan đến vụ án đường dây đánh bạc ngàn tỉ.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đang khẩn trương điều tra mở rộng vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền" xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành.

Vụ án được xác định có liên quan đến ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên thiếu tướng, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an). Ông Hóa đã bị khởi tố bắt giam về tội "Tổ chức đánh bạc".

Liên quan đến vụ án, sáng 15-3, theo một nguồn tin từ cơ quan cơ quan tố tụng, cơ quan điều tra tỉnh Phú Thọ đã làm việc với trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an.

co-quan-dieu-tra-lam-viec-voi-nguyen-tong-cuc-truong-tong-cuc-canh-sat-phan-van-vinh

Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng Cục Trưởng Tổng Cục cảnh sát

Nguồn tin này cho biết vụ án đang trong quá trình điều tra thì liên quan đến cá nhân nào cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác minh, lấy lời khai của cá nhân đó.

Quá trình điều tra, xác minh, cơ quan điều tra xuống trực tiếp để hỏi. "Liên quan đến trách nhiệm quản lý của anh Vĩnh trước đây thì phải hỏi. Kể cả liên quan đến ai cũng phải hỏi và làm rõ"- nguồn tin cho hay.


Ông Phan Văn Vĩnh trưởng thành từ lực lượng công an ở tỉnh Nam Định, làm Giám đốc Công an tỉnh Nam Định, được bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm từ tháng 9-2012, sau đó là Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an.

Ông Phan Văn Vĩnh thôi giữ chức Tổng cục trưởng từ tháng 4-2017 để nghỉ hưu theo chế độ. Khi đương chức, ông Vĩnh từng nổi tiếng trong chỉ đạo nhiều chuyên án lớn triệt phá tội phạm ở tỉnh Nam Định cũng như cả nước khi đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng cục trưởng rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm.

Diễn biến vụ đường dây đánh bạc ngàn tỉ

Cuối tháng 5-2017, Công an tỉnh Phú Thọ nhận được đơn trình báo của bà Võ Minh Phương (ở TP Việt Trì) về việc bị một đối tượng sử dụng tài khoản Facebook để lừa đảo, chiếm đoạt 110 thẻ cào điện thoại trị giá 55 triệu đồng.

Vào cuộc điều tra, ngày 26-7-2017, Công an tỉnh Phú Thọ đã xác định Lê Văn Huy (SN 1997, ở tỉnh Quảng Trị) là người lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà Phương và tiến hành bắt giữ.

Tại cơ quan công an, Huy khai sau khi chiếm đoạt thẻ cào điện thoại của bà Phương đã đổi thành tiền ảo của đại lý Lê Anh D. (ở TP Đà Nẵng) để đánh bài trực tuyến qua hình thức game bài Rikvip.

Mở rộng chuyên án, Công an tỉnh Phú Thọ khám xét, bắt giữ các đối tượng cầm đầu tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet tại Công ty TNHH Dịch vụ Phát triển đầu tư Nam Việt và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển An ninh Công nghệ cao (CNC, trụ sở tại Hà Nội).

Trong đó, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Văn Dương, Giám đốc CNC; Phan Sào Nam, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP VTC Truyền thông trực tuyến (VTC Online), được xác định là 2 đối tượng điều hành, cầm đầu đường dây đánh bạc qua mạng internet có quy mô hàng ngàn tỉ đồng này.

Bước đầu, Công an tỉnh Phú Thọ đã thu trên 1.000 tỉ đồng, số ngoại tệ đánh bạc chuyển ra nước ngoài ước chừng 3,6 triệu USD. Cơ quan công an làm rõ số tiền các đối tượng thu lợi bất chính từ hành vi đánh bạc là 2.777 tỉ đồng; tạm giữ, kê kiên, phong tỏa tài khoản ngân hàng 381 tỉ đồng tiền mặt và sổ tiết kiệm, 20 căn hộ trị giá gần 190 tỉ đồng và 13 ô tô các loại.

Ngày 11-3, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa - nguyên thiếu tướng, cục trưởng C50 - về hành vi tổ chức đánh bạc.

Thông tin cho biết cục trưởng Nguyễn Thanh Hoá và một số cán bộ công an đã phát hiện đường dây đánh bạc ngàn tỉ này nhưng không ngăn chặn, xử lý mà còn tiếp tay và có dấu hiệu "bảo kê".

Đến nay, cơ quan công an đã khởi tố hơn 70 đối tượng, bắt giữ 38 bị can về các hành vi tổ chức đánh bạc, đánh bạc, rửa tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ông Hóa, nhiều cán bộ công an khác liên quan đến đường dây đánh bạc ngàn tỉ này cũng đã bị đình chỉ công tác, chức vụ để làm rõ các sai phạm.

Nguyễn Hưởng

Theo Người lao động

------------------

Xem thêm:

Cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa "bảo kê" đánh bạc ngàn tỷ: "Thanh gươm" công lý bị giao nhầm người!

“Người thực thi công vụ, thực thi pháp luật phòng chống tội phạm công nghệ cao mà lại tham gia tổ chức đánh bạc trên Internet thể hiện sự coi thường pháp luật và phải xử lý nghiêm minh”, ĐBQH Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẳng thắn.

Đường dây đánh bạc sử dụng công nghệ cao có sự liên kết của doanh nghiệp công nghệ số và lực lượng chức năng của Bộ Công an mà trực tiếp là ông Nguyễn Thanh Hóa - cựu Cục trưởng C50 (Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) bị phát hiện đã thực sự gây sốc cho dư luận xã hội khi người đứng đầu cơ quan phòng chống xử lý tội phạm công nghệ cao lại bị khởi tố về tội Tổ chức đánh bạc.

Đường dây đánh bạc “ngàn tỷ” này có quy mô đặc biệt lớn, sử dụng công nghệ cao, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ĐBQH Phạm Văn Hoà - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ: “Đây là một vụ việc có tính chất cực kỳ nghiêm trọng liên quan đến tình trạng tham nhũng và thoái hóa biến chất của một số cán bộ".

cuu-cuc-truong-c50-nguyen-thanh-hoa-bao-ke-danh-bac-ngan-ty-thanh-guom-cong-ly-bi-giao-nham-nguoi

Ông Nguyễn Thanh Hóa được xác định có liên quan mật thiết với đường dây đánh bạc nghìn tỷ. Ảnh: Internet

Đại biểu Hòa bày tỏ: "Chua xót hơn vị trí của ông Nguyễn Thanh Hóa là nơi mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin cậy có thể ngăn chặn, phát hiện các loại tội phạm công nghệ cao, bảo vệ lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, chính ông ta lại tiếp tay cho loại tội phạm tung hoành, gây thiệt hại rất lớn. Điều này ít nhiều khiến dư luận hoài nghi về “thanh gươm” công lý bị giao nhầm người nắm giữ”.

Theo ĐBQH Hòa, các nhà lãnh đạo đã đặt ra việc làm sao chống tiêu cực ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Đảng, Nhà nước đã nhận diện ra nguy cơ này từ lâu.

“Việc người trong cơ quan bảo vệ pháp luật, thi hành công vụ nhưng lại tha hóa, bảo kê cho sai phạm xảy ra ở nhiều ngành, ví dụ như hải quan, quản lý thị trường, viện, tòa... vẫn có. Một bộ phận thoái hóa biến chất này khiến cho công cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tội phạm không đạt được thành quả như mong muốn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân”, ông Hòa nói.

cuu-cuc-truong-c50-nguyen-thanh-hoa-bao-ke-danh-bac-ngan-ty-thanh-guom-cong-ly-bi-giao-nham-nguoi

Đại biểu Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng khen ngợi lãnh đạo Bộ Công an trong việc quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ của ngành.

“Có xử lý như vậy thì nhân dân mới thấy được quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an và thêm tin tưởng vào đội ngũ có nhiệm vụ thi hành và bảo vệ pháp luật. Đến những sai phạm của ông Đinh La Thăng nhà chức trách còn điều tra, xử lý được thì việc bắt một người từng là tướng công an là chuyện bình thường”, ông Hòa nói.

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, ông Nguyễn Thanh Hóa không phải trường hợp duy nhất là người trong lực lượng bảo vệ pháp luật nhưng lại bị phát hiện tiếp tay, “bảo kê” cho tội phạm lũng đoạn.

Có thời kỳ chúng ta đã phát hiện ra một số trường hợp công an, cảnh sát phòng chống, ngăn chặn ma túy lại tiếp tay cho tội phạm ma túy.

cuu-cuc-truong-c50-nguyen-thanh-hoa-bao-ke-danh-bac-ngan-ty-thanh-guom-cong-ly-bi-giao-nham-nguoi

Chân dung cựu Cục trưởng Cục C50 Nguyễn Thanh Hóa vừa bị bắt. Ảnh: T.L

Theo ông Phương, thực tế cuộc sống diễn ra cho thấy đã có những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cương vị của họ để vi phạm pháp luật. Dù không muốn, nhưng các nước trên thế giới cũng có, còn ở Việt Nam đã từng xảy ra nhiều rồi, đó là thực tế không tránh khỏi.

“Nguyên tướng công an “bảo kê” cho đường dây cờ bạc nhiều năm cho thấy, việc nhận diện người trong tổ chức “nhúng chàm” đã không được phát hiện ngay, hay nói chính xác là việc kiểm soát quyền lực có lỗ hổng”, phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho hay.

Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, chúng ta đã có hiện tượng bổ nhiệm “nhầm” người vào vị trí không xứng đáng, tâm, tầm, đạo đức không ổn, không phát hiện

cuu-cuc-truong-c50-nguyen-thanh-hoa-bao-ke-danh-bac-ngan-ty-thanh-guom-cong-ly-bi-giao-nham-nguoi

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, ủy viên Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Để hạn chế những trường hợp tương tự như nguyên Cục trưởng C50, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, đầu tiên là việc bổ nhiệm chức danh cán bộ như lâu nay đã thực hiện và cần triệt để hơn, đó là phải rà soát, chọn được người có tâm, có tầm, có đạo đức.

Đấy là yếu tố cần phải làm mạnh trong thời gian tới. Thứ hai là tất cả các cương vị đảm nhiệm hiện nay từ chức cao đến thấp trong bộ máy Nhà nước, phải có cơ chế giám sát để chống được tiêu cực.

“Những chỉ đạo quyết liệt của Ban Bí thư về vụ việc này cho thấy sẽ không có chuyện xử nhẹ hay cho qua với người có chức có quyền vi phạm. Người có chức có quyền cao mà vi phạm thì càng phải xử lý nghiêm”, ông Phương chia sẻ.

Cao Tuân – Trần Tuấn

Theo GiaDinh