Con nói lắp, bố mẹ càng sửa càng nặng

Chuẩn bị đưa con đi học, thấy cậu con trai 3 tuổi tên Bo lắp bắp “Bố… bố… bố… lấy… lấy… già…già…”, anh Hoàng hiểu bé muốn lấy đôi giày trên giá cao, nhưng anh nghiêm mặt: “Một từ bố thôi. Nếu con nói đúng, bố giúp con”. Bé Bo càng cố nói, càng lặp. Cuối cùng, bé oà khóc, không chịu đi học nữa.

con-noi-lap-bo-me-cang-sua-cang-nang

Trị tật nói lắp cho trẻ, bố mẹ luôn là những người bạn đồng hành quan trọng, gần gũi đối với con. Ảnh minh họa

Vừa thương, vừa cáu vì con nói mãi không thành câu

Cả nhà anh Hoàng (Hà Nội) không ai nói lắp. Chị gái bé Bo chỉ nói ngọng, đến 5 tuổi là hết hoàn toàn. Rút kinh nghiệm từ con gái lớn, anh chị không nói nựng con trai. Ấy vậy mà bé Bo từ khi biết nói sõi lại vừa lắp vừa ngọng. Sốt ruột, quyết tâm sửa cho con, vợ chồng anh Hoàng rất nghiêm khắc, để ý từng từ của con, cùng với ông bà và cô giáo giúp con sửa từng chút một nhưng càng sửa, bé càng lắp.

"Con nói lắp, đi học con cũng bị các bạn, các anh chị trêu ghẹo. Ở nhà bị sửa nhiều quá, có những lúc bé không muốn nói gì nữa. Cứ thế này cháu tự kỷ mất thôi. Không biết tật này có sửa được không hay lại theo cháu cả đời", anh Hoàng than vãn.

Những lúc thấy con nói mãi không "tròn vành rõ tiếng", không diễn đạt được ý muốn nói rồi lại oà lên khóc nức nở, vợ chồng anh Hoàng thương con thắt ruột.

Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa nói lắp (Stuttering) là hiện tượng em bé nói lặp đi lặp lại hoặc kéo dài nhiều âm thanh, từ ngữ hay trọng âm, tỏ ra thực sự khó khăn khi muốn diễn đạt bình thường và trôi chảy ý của mình thành một câu hoàn chỉnh. Trẻ khi nói lắp có thể có biểu hiện căng thẳng, nháy mắt liên tục hoặc run môi.


Chưa có nghiên cứu thống kê cụ thể về tật nói lắp tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở Mỹ, theo thông tin được cập nhật vào tháng 6/2017 trên website chính thức của Viện Nghiên cứu Quốc gia về khiếm thính và các chứng rối loạn giao tiếp khác (NIDCD), có khoảng 3 triệu người Mỹ mắc phải tật này. Đặc biệt, số lượng lại tập trung chủ yếu vào các em bé từ 2 đến 6 tuổi, xuất hiện ở các bé trai nhiều gấp 2 - 3 lần các bé gái.

Việc nói lắp ở các em bé, đặc biệt là trong khoảng từ 2 - 6 tuổi, khi các con đang "bập bẹ tập nói", các bác sĩ khẳng định không phải là điều quá đáng sợ. Có đến 75% trong số đó đều tự hết nói lắp khi trưởng thành. Bởi ở khoảng tuổi này, bé đang trong giai đoạn phát triển ngôn ngữ, tập nói những câu dài trong khi vốn từ lại chưa nhiều, thành ra một vài bé trở nên "ấp úng" khi chưa thể bật ra ngay ý mình muốn nói. TS Nguyễn Duy Dương, Khoa Thính - thanh học, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, khoảng 80% trẻ nói lắp tự khỏi trong 2 năm, 20% còn lại sẽ khỏi khi đi học và khoảng 5% trẻ tiếp tục nói lắp đến khi thành người lớn.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng, một em bé bình thường vẫn có thể có những đợt nói lắp ngắn, khoảng từ một đến vài tuần, nhưng sau lại tự hết luôn. Hay là, bé thường dễ nói lắp khi đang cảm thấy hào hứng, hoặc tức giận, hoặc vội vàng khiến nói quá nhanh. Nhưng khi đọc sách, ca hát hay xướng âm, các bé lại có thể không bị lắp.

Cha mẹ nên làm gì khi có con nói lắp?

Cơ chế chính xác gây nói lắp hiện nay vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu. Nhưng theo NIDCD, nói lắp thường được chia thành 2 loại: Nói lắp liên quan đến quá trình phát triển và nói lắp do vấn đề về thần kinh. Trong đó, nói lắp liên quan đến quá trình phát triển tức là bé có thể bị nói lắp trong quá trình đang tập nói và phát triển ngôn ngữ. Đây là hình thức nói lắp phổ biến nhất và cũng dễ chữa nhất. Bên cạnh đó, nói lắp cũng giống như có thể "lây lan" nữa. Giả sử bé sống trong một gia đình có người nói lắp, hoặc đi học bắt chước bạn bè, thầy cô thì bé cũng có thể nói y như vậy.

Mặt khác, những nghiên cứu về hình ảnh não bộ gần đây cũng cho thấy có sự khác biệt đôi chút giữa những em bé nói lắp và em bé bình thường. Không chỉ thế, nói lắp còn có thể xuất hiện ở trẻ khi trong bộ gene di truyền có một vài gene bị đột biến.

Đối với nguyên nhân nói lắp do vấn đề về thần kinh, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM cho rằng trong não của con người có một vùng "chịu trách nhiệm" về ngôn ngữ, được gọi là vùng Broca. Phần não này nằm ở dưới thùy trán bên trái. Nếu bé đã từng bị va đập rất mạnh vào vùng đầu, đặc biệt là phần trán, phía trên lông mày bên trái một chút, tương ứng với vùng Broca bên trong cấu tạo não, thì đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến bé bị nói lắp, dẫn đến các vấn đề trong việc tạo ra lời nói rõ ràng, trôi chảy. Ngoài ra, còn một dạng nữa là nói lắp do vấn đề về tâm lý, xuất hiện sau một biến cố hoặc sang chấn tâm lý mà trước đó trẻ chưa bao giờ mắc phải tật này. Nhưng trên thực tế, dạng nói lắp này là cực kỳ hiếm gặp.

Việc điều trị tật nói lắp ở trẻ chưa có phương pháp cụ thể, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra, lứa tuổi và một số yếu tố khác nữa ở trẻ. Tuy nhiên, dù là phương pháp nào thì bố mẹ chắc chắn vẫn sẽ là những người bạn đồng hành quan trọng, gần gũi đối với con.

Để đảm bảo quá trình điều trị vừa hiệu quả nhưng vẫn nhẹ nhàng và vui vẻ với bé, bố mẹ hãy ghi nhớ, hãy giữ bản thân bình tĩnh lắng nghe bằng trái tim, vì chỉ khi bình tĩnh, tin tưởng, luôn trong tâm thế lắng nghe, động viên và khuyến khích con thì bố mẹ mới có thể thực sự giúp con được thôi. Cùng đó, bố mẹ hãy tạo cơ hội cho con được nói, đặc biệt là khi con hào hứng và muốn nói nhiều điều.

Một điều được các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo là, bố mẹ hãy chăm chú và kiên nhẫn lắng nghe con, đừng điều chỉnh con và cũng đừng ngắt lời con. Vì điều đó sẽ khiến bé con không thoải mái, con sẽ càng muốn nói gấp gáp hơn để diễn đạt hết ý mình, vô hình chung lại càng dễ lắp hơn.

Bố mẹ hãy tâm sự, thủ thỉ hay thể hiện thái độ bình thường, thoải mái, thậm chí hãy ôm con vào lòng vỗ về khi con òa khóc vì không nói được hết ý, để con cảm nhận rằng, nói lắp cũng không sao cả, bố mẹ và mọi người vẫn hiểu con và yêu thương con. Đừng để trẻ tủi thân hoặc xấu hổ vì điều chúng không thể điều khiển được và không có lỗi.
 

Theo GiaDinh