Cuộc sống ăn mì cầm hơi, làm việc đến chết những người Việt trẻ ở Nhật

Ít người biết rằng dưới mái chùa Nisshinkutsu có bài vị của 81 người trẻ tuổi. Họ đều đang trong độ tuổi xuân xanh 20-30 tuổi và qua đời trong khoảng từ năm 2012 cho tới cuối tháng 7 năm 2018.

Với tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Nhật Bản ngày càng khăng khít và sự phát triển vượt bậc của Nhật Bản, những năm gần đây tỉ lệ người Việt làm việc và sinh sống tại xứ sở Hoa anh đào ngày một tăng cao. 
 
Trong ngôi chùa Nisshinkutsu ở Tokyo, bài vị của 81 người trẻ tuổi được viết bằng tiếng Việt xếp thành hàng trên kệ. Đó là những người Việt qua đời từ năm 2012 đến cuối tháng 7 năm nay.
 
Cuộc sống ăn mì cầm hơi, làm việc đến chết những người Việt trẻ ở Nhật
 
Bài vị của những người Việt chết trẻ được đặt tại chùa Nisshinkutsu ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Asahi Shimbun
 
Theo ni cô Thích Tâm Trí, 40 tuổi, phần đa trong số này là những nam nữ thanh niên mới 20 - 30 tuổi. Có 4 người mới qua đời hồi tháng Bảy, trong đó 3 người là thực tập sinh và người còn lại là một sinh viên. Họ đột tử vì nhiều lý do khác nhau hoặc do tự sát.
 
Trong bối cảnh số sinh viên và thực tập sinh nước ngoài gia tăng ở Nhật Bản, nhiều người qua đời do làm việc quá giờ, do sức khỏe suy giảm hoặc áp lực trong đời sống hàng ngày. Các chuyên gia cho rằng việc cải thiện môi trường làm việc và áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ cho các thực tập sinh, sinh viên nước ngoài là rất cần thiết.
 
Trong số 3 thực tập sinh có bài vị đặt tại chùa Nisshinkutsu, có một người đang làm công việc liên quan tới hội họa, tự sát hôm 15/7. Anh để lại thư tuyệt mệnh gửi đến công ty, người em trai cũng đang ở Nhật Bản và gia đình tại Việt Nam.
 
"Cuộc sống rất đau đớn vì bạo lực và bị ức hiếp", bức thư có đoạn.
 
Anh từng gọi cho em trai nói rằng mình rất "cô đơn và đang uống bia một mình". Ngày hôm sau, anh được tìm thấy trong tư thế treo cổ bên một con sông.
 
Giấy chứng tử của một người khác 31 tuổi, qua đời hồi tháng Sáu, kết luận rằng anh bị suy tim. Một thực tập sinh khác trong độ tuổi 20 thì được tìm thấy tử vong khi một đồng nghiệp đến phòng đánh thức vào buổi sáng.
 
Ni cô Thích Tâm Trí đến Nhật Bản từ năm 2000 và làm công việc tư vấn cho người Việt Nam kể từ đó. Bà từng tìm giúp bệnh viện phụ sản cho một phụ nữ mang thai và tìm cả một người ở Việt Nam có khả năng chăm sóc cho đứa trẻ sơ sinh. Tháng này, bà vừa tổ chức tang lễ cho một sinh viên người Việt chết bên bờ biển Hokkaido.
 
"Các thực tập sinh và sinh viên bị căng thẳng về tâm lý một phần do rào cản ngôn ngữ. Họ bị suy dinh dưỡng vì thường ăn mỳ ramen để tiết kiệm tiền. Họ làm việc hùng hục và cuối cùng nhiều người bị mất cân bằng về thể chất lẫn tinh thần", ni cô cho hay.
 
Những người Việt này cũng phải tiết kiệm tiền để gửi về cho gia đình ở Việt Nam hoặc trả khoản nợ mà họ đã vay để sang Nhật Bản.
 
Junpei Yamamura, 63 tuổi, bác sĩ nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này, cho hay việc những người khỏe mạnh đột tử ở tuổi 20 -30 là rất bất thường. "Họ làm việc quá độ mà không nghỉ ngơi đầy đủ. Kết quả là căng thẳng và áp lực tinh thần bào mòn cơ thể họ", ông nói.
 
Nhật Bản không phải là thiên đường
 
Cuộc sống ăn mì cầm hơi, làm việc đến chết những người Việt trẻ ở Nhật

Miwa Sado (người trên di ảnh) - một trong những ví dụ đáng buồn về tình trạng làm việc quá sức dẫn tới tử vong tại Nhật Bản.
 
Nhật Bản có thể giàu, đẹp và văn minh, nhưng chắc chắn không phải là xứ sở thiên đường. Không thể nào, một khi vẫn còn đó khu rừng tự tử canh cánh nỗi đau của bao mảnh đời bế tắc, hay những người già cô đơn bước sang bên kia thế giới trong cảnh cô quạnh không một bóng thân nhân. Và giờ đây, đóng góp vào nỗi buồn ảm đạm ở một bờ xám xịt bên kia đảo quốc này lại chính là những người Việt chết trẻ trong hối tiếc.
 
"Cuộc sống rất đau đớn vì bạo lực và bị ức hiếp." là những dòng cuối cùng của một người Việt mới tự sát hôm 15/7. Anh để lại lá thư tuyệt mệnh gửi tới công ty và gia đình ở Việt Nam, cũng như người em trai đang cùng sống tại Nhật Bản. Một người Việt 31 tuổi khác được kết luận qua đời do suy tim, trong khi một thực tập sinh 20 tuổi khác đã tử vong từ lúc nào khi đồng nghiệp qua nhà đánh thức anh vào buổi sáng.
 
Sự bế tắc của những người Việt trẻ tại Nhật Bản có lẽ đến từ những bất đồng văn hóa và xã hội. Ở Việt Nam, chúng ta có thể chậm chạp khề khà, còn tại Nhật Bản, guồng máy công việc mang áp lực nặng nề hơn rất nhiều.
 
Trong số 81 tấm bài vị bày ở chùa Nisshinkutsu, có những người đã qua đời vì bệnh tật và lao lực, do suy kiệt sức khỏe bởi không thể theo kịp văn hóa "Karoshi" - làm việc như thiêu thân - của người Nhật.
 
Chịu làm sao được, khi chính những người Nhật gốc, sinh trưởng trong môi trường của chính họ còn đột quỵ và trụy tim với những kỷ lục đáng buồn như trường hợp của cô Miwa Sado, làm liên tục 159 tiếng rồi suy tim mà chết - Washington Post đưa tin năm 2013.
 

Theo PhuNuNews