Đại biểu Quốc hội được phép có hai quốc tịch không?

Đây là một trong số những thắc mắc của bạn đọc gửi đến tòa soạn gần đây. Tuổi Trẻ Online dẫn một số quy định và ý kiến chuyên gia về vấn đề này.

dai-bieu-quoc-hoi-duoc-phep-co-hai-quoc-tich-khong

Hộ chiếu là một trong những loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của công dân - Ảnh: T.L.

Công dân Việt Nam vẫn có thêm quốc tịch khác

Hiến pháp quy định công dân nước CHXHCN Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Nguyên tắc quốc tịch (được quy định tại điều 4 Luật quốc tịch Việt Nam) công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp luật này có quy định khác.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật quốc tịch (ngày 24-6-2014) cho phép công dân được mang 2 quốc tịch trong những trường hợp sau: được Chủ tịch nước cho phép; xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam…

Tuy nhiên luật sư Bùi Quang Nghiêm, phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng trên thực tế rất nhiều công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch khác. Nguyên nhân của tình trạng này rơi vào các trường hợp sau:


Trẻ em có cha/mẹ là công dân Việt Nam, sinh ra và được khai sinh ở Việt Nam. Tuy nhiên, trẻ em đó đồng thời được cha/mẹ là người quốc tịch khác nhập tịch theo quốc gia cha/ mẹ. Như vậy, trẻ em đó là công dân có 2 quốc tịch.

Công dân Việt Nam được vợ/chồng là người quốc tịch khác bảo lãnh, đáp ứng một số điều kiện nhập tịch của quốc gia vợ/chồng thì sau đó có thêm quốc tịch của quốc gia đó.

Một số quốc gia thực hiện chính sách thu hút đầu tư cho phép, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) nhập quốc tịch nếu đáp ứng một số điều kiện về quy mô đầu tư, ngành nghề đầu tư.

Công dân Việt Nam có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học, giảng dạy, âm nhạc... được nước sở tại tạo điều kiện nhập tịch.

Như vậy, trên thực tế có rất nhiều trường hợp công dân Việt Nam có đồng thời quốc tịch của quốc gia khác mà quốc gia đó không bắt buộc công dân này phải thôi quốc tịch Việt Nam.

Tiêu chuẩn về quốc tịch của đại biểu Quốc hội

Theo quy định Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015, đại biểu Quốc hội phải là công dân Việt Nam, đủ 21 tuổi trở lên, có quyền ứng cử, được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua hiệp thương nhân dân đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, có đủ số phiếu cần thiết để trở thành đại biểu Quốc hội và được Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội xác định đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội.

Luật tổ chức Quốc hội hiện hành quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội (điều 22) gồm 5 tiêu chuẩn như: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm…

Còn theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội (từ ngày 1-1-2021 mới có hiệu lực) bổ sung vào một tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội là "Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam" (khoản 1a, điều 22).

Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa luật Đại học Kinh tế - luật, Đại học quốc gia TP.HCM, cho rằng nếu chiếu theo quy định pháp luật hiện hành thì đại biểu Quốc hội có đồng thời một quốc tịch khác là không vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, việc này là không được, cần phải điều chỉnh. Lý do đơn giản nhất nếu xét theo tiêu chuẩn thì đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, quyền lợi của nhân dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc.

Nếu đại biểu Quốc hội cũng đồng thời là công dân quốc gia khác thì e rằng không đáp ứng được tiêu chuẩn trung thành, chỉ đấu tranh cho quyền lợi của người dân Việt Nam.

Vì vậy, sau một số vụ việc đại biểu Quốc hội có hai quốc tịch trước đây thì Quốc hội đã xem xét bổ sung thêm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội là "Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam".

"Đồng thời Luật quy định cho Quốc hội và cử tri có quyền bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội nếu thấy đại biểu đó không còn xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân" - thạc sĩ Lưu Đức Quang nói.

Thái An

Theo Tuổi trẻ