Dân châu Âu ở nhà tránh dịch vẫn được hưởng lương đầy đủ

Chính sách trả lương đầy đủ dù nghỉ dịch có thể khiến người dân châu Âu an tâm tạm thời. Song, về lâu dài, họ vẫn sẽ phải tự xoay xở với những thiệt hại từ dịch Covid-19.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên New York Times, về câu chuyện người dân tại nhiều nước châu Âu được trả lương đầy đủ dù nghỉ làm khi dịch Covid-19 lan rộng ra khắp khu vực này. Song, hơn ai hết, những người lao động hiểu họ là người phải trực tiếp xoay xở với hậu quả khi loại virus nguy hiểm giáng đòn vào nền kinh tế.

Vẫn được hưởng lương trong khi bận chăm sóc con nhỏ bị cách ly. Sử dụng quyền không phải đi làm nếu sợ lây nhiễm bệnh ở chốn công sở. Hỗ trợ các hóa đơn viện phí trong vòng 6 tháng.

Nhiều quốc gia ở châu Âu đang áp dụng các chính sách xã hội “hào phóng”, có lợi cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng diễn biến xấu đi ở lục địa già.

Theo các nhà phân tích, những chương trình hỗ trợ từ chính phủ đóng vai trò như “một loại vắc xin hữu hiệu”, chống lại một nỗi sợ hãi lớn hơn dịch bệnh. Nỗi sợ mang tên khủng hoảng, suy thoái kinh tế.

Ở nhà vẫn được hưởng lương

Các lãnh đạo và ngân hàng trung ương cam kết sẽ làm tất cả những gì cần thiết để giảm bớt tác động tiêu cực của dịch bệnh đánh vào nền kinh tế khu vực châu Âu.


Chính phủ các nước hiện hợp tác với nhau để giảm căng thẳng tài chính, đặc biệt là đối với các công ty vừa và nhỏ chiếm phần lớn hoạt động kinh tế ở châu Âu, ví dụ như giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế.

Nhờ hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt, người dân bớt đi nỗi lo lắng với những hóa đơn viện phí, tiền thuốc cao ngất, nhất là khi dịch bệnh lạ đang đe dọa tới nhiều nước.

dan-chau-au-o-nha-tranh-dich-van-duoc-huong-luong-day-du
 

Trước tình hình bệnh dịch cấp bách, chính phủ nhiều nước đưa ra các biện pháp hỗ trợ đảm bảo cuộc sống người dân.

“Nếu ở Mỹ, tôi hẳn sẽ đau đầu hơn nhiều với số tiền chữa bệnh cần trả. Tại châu Âu, điều đó vơi nhẹ đi nhiều lần”, Angel Talavera, nhà kinh tế học tại công ty Oxford Economics (Anh), đánh giá.

Hiện tại, cung cấp dịch vụ thăm khám chi phí thấp hay hỗ trợ các công ty trong giai đoạn làm ăn bết bát được coi là biện pháp ngắn hạn giúp ổn định kinh tế. Năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng ra toàn cầu, phương án tương tự cũng được thực hiện.

Điều đó giúp những người đang đi làm bớt đắn đo chọn lựa giữa một bên là chăm sóc sức khỏe cho bản thân và phần còn lại là cố gắng kiếm tiền để chi trả tiền thuê nhà mỗi tháng.

Ngày 5/3, chính phủ Italy thông qua gói hỗ trợ trị giá 7,5 tỷ euro (tương đương 8,5 tỷ USD ) để giúp đỡ các doanh nghiệp và gia đình chịu thiệt hại bởi virus corona.

Tại các nước khác, bệnh nhân mắc bệnh được chi trả tiền chữa trị khi phải đột ngột nghỉ làm. Các công ty nhỏ đang chật vật tìm cách tồn tại giữa vô số khó khăn bủa vây cũng nhận được khoản hỗ trợ cần thiết.

Hầu hết quốc gia châu Âu ra yêu cầu các công ty trả lương cho nhân viên nghỉ ốm khi dịch Covid-19 bùng phát.

dan-chau-au-o-nha-tranh-dich-van-duoc-huong-luong-day-du
 

Các nhân viên làm việc tại Bảo tàng Lourve (Pháp) đã yêu cầu được nghỉ làm do lo sợ khách tham quan mang theo virus.

Tại Đức, Pháp, Đan Mạch và Hà Lan, nhân viên vẫn được hưởng lương đầy đủ trong những ngày điều trị bệnh. Một số trường hợp có thể kéo dài 6 tuần, nếu người bệnh ốm sốt và bị yêu cầu cách ly.

Tại Đan Mạch, cha mẹ có thể nghỉ tới 52 tuần để chăm sóc cho trẻ dưới 18 tuổi mắc bệnh nặng.

Ở Pháp, nhân viên có quyền nghỉ phép nếu cảm thấy nơi làm việc không đảm bảo sức khỏe của họ mà không bị trừ lương hay nhận mức phạt nào.

Chính phủ Pháp cũng đưa ra phương án khẩn cấp cho các bậc cha mẹ không tìm được người trông con hộ. Những phụ huynh này sẽ ở nhà chăm sóc con trẻ, đối tượng chắc chắn cần được bảo vệ trước virus, mà không bị trừ một đồng tiền lương.

Các nhân viên và công đoàn của họ tại Bảo tàng Louvre ở Paris đã bỏ phiếu ngừng hoạt động vào đầu tháng 3, với lý do lo ngại virus có thể lây lan bởi số lượng du khách tham quan đông đảo mỗi ngày.

Ban lãnh đạo không đồng tình nhưng rồi cũng phải chấp thuận. Sau ba ngày, bảo tàng đông khách nhất thế giới mới mở cửa trở lại, sau khi các biện pháp an ninh y tế được tăng cường.

"Tôi cần làm việc, không phải tiền trợ cấp"

Thiệt hại kinh tế do virus corona gây ra tại châu Âu đã có thể nhìn thấy dễ dàng.

Tuần trước, Triển lãm Xe hơi Quốc tế tại Geneva (Thụy Sĩ), một trong những triển lãm hàng đầu thế giới về ngành công nghiệp ôtô, buộc phải hủy bỏ vì dịch bệnh. Hàng triệu euro bỏ ra để chuẩn bị cho sự kiện bỗng chốc hóa công cốc.

dan-chau-au-o-nha-tranh-dich-van-duoc-huong-luong-day-du
 

Vì dịch Covid-19, Triển lãm Xe hơi Quốc tế Geneva buộc phải tạm hoãn.

Tại Italy, tâm chấn của dịch Covid-19 ở châu Âu, chính phủ hứa sẽ triển khai các biện pháp cứu giúp 11 thị trấn bị cách ly quanh phía bắc, ở vùng Lombardy và Veneto, nơi nhiều doanh nghiệp đang mất 100% thu nhập.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào ở lục địa già cũng khẩn trương tìm cách kìm hãm các tác động tiêu cực lên nền kinh tế do dịch Covid-19 gây ra.

Ở Tây Ban Nha, giới chức lãnh đạo cho biết còn quá sớm để thực hiện các gói hỗ trợ tài chính, bất chấp nhiều hệ quả nhãn tiền của virus corona được nhắc tới mỗi ngày.

Olaf Scholz, Bộ trưởng Tài chính của Đức, hứa hồi tuần trước rằng chính phủ sẽ hành động nếu dịch bệnh tấn công đất nước, song không đưa ra bất kỳ đề xuất cụ thể nào.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố hệ thống thanh toán viện phí của đất nước sẽ chi trả từ ngày nằm viện đầu tiên của bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus corona, thay vì từ ngày thứ tư như các loại bệnh khác.

dan-chau-au-o-nha-tranh-dich-van-duoc-huong-luong-day-du
 

Chính phủ có thể giúp đỡ tạm thời. Sau cùng, người chịu thiệt hại nặng nhất vẫn là tầng lớp lao động.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho hay với 2 triệu công nhân có mức lương thấp, chỉ kiếm vỏn vẹn khoảng hơn 150 USD /tuần tại xứ sở sương mù, họ không đủ điều kiện để nhận trợ giúp theo kế hoạch của Thủ tướng.

Tại “vùng đỏ” Lombardy ở Italy, cửa hàng bán bánh mì donar kebab của Taylan Arslan (33 tuổi) buộc phải hoãn lịch khai trương do lệnh dừng tất cả hoạt động kinh doanh. 57 nhân viên vì thế cũng phải nghỉ làm theo.

Theo kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp của chính phủ, Arslan có thể nhận khoản trợ cấp thất nghiệp cho nhân viên của mình một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Bản thân người chủ 33 tuổi cũng sẽ nhận được hơn 570 USD /ngày hỗ trợ. Nhưng số tiền này chỉ là “muối bỏ bể” so với khoản tiền Arslan bỏ ra. Ngay cả khi được giảm thuế, anh ước tính mỗi ngày vẫn sẽ mất 13.500 USD .

“Cái tôi cần là làm việc, không phải số tiền ít ỏi đó”, Arslan nói. Hàng trăm cân thịt để trong tủ đông đang đối mặt với nguy cơ bị hỏng và bỏ đi.

“Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ trong thời gian ngắn. Sau cùng, những người chịu thiệt hại trực tiếp vẫn phải tự mình tìm cách xoay xở”, Carl Weinberg, nhà kinh tế học tại High Frequency Economics, công ty tư vấn và nghiên cứu kinh tế có trụ sở tại New York, kết luận.

Theo Zing