Đau xót những cái chết của rừng thông:Hạ độc, khoan lỗ để cây tự đổ

Dùng những chiếc cưa điện không phát ra tiếng ồn, cưa 2/3 thân cây và để cây tự đổ khi gió to; hoặc đơn giản hơn là khoan lỗ chi chít trên thân cây và bơm hóa chất cho cây chết từ từ… Thủ đoạn phá rừng thầm lặng, diễn ra vào ban đêm đang biến những rừng thông hàng chục năm tuổi ở các huyện Lâm Hà, Đam Rông (Lâm Đồng) thành đất nông nghiệp.

Rừng thông liên tiếp bị đầu độc

Có mặt tại tiểu khu 274 (thôn 6, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà) do Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Ban quản lý, phóng viên Báo NTNN ghi nhận có hàng trăm gốc thông bị khoan lỗ chi chít trên thân cây. Những cây thông 3 lá này có đường kính từ 20 – 30cm, toàn bộ lá đã chuyển màu đỏ. Tại đây có một chai nhựa đựng thuốc diệt cỏ nghi là dùng để đổ vào các lỗ khoan trên những cây thông. Vạt thông bị đầu độc này nằm sát ngay các vườn cà phê và dâu tằm của người dân địa phương.

Ông Lê Khắc Phúc – Phó Chủ tịch UBND xã Gia Lâm cho biết, tổng số cây thông bị đầu độc là 674 cây với diện tích 16.800m2. “Địa phương cùng BQL rừng phòng hộ và Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà phát hiện vụ việc từ tháng 9.2018, sắp tới sẽ tiến hành khảo sát lại để đánh giá mức độ thiệt hại” - ông Phúc nói.

dau-xot-nhung-cai-chet-cua-rung-thong-ha-doc-khoan-lo-de-cay-tu-do

Lực lượng kiểm lâm khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 270,  thị trấn Nam Ban (Lâm Hà, Lâm Đồng).  ảnh: Văn Long

Còn ông Hồ Cảnh Minh – Trưởng BQL rừng phòng hộ Nam Ban cho biết, ngay sau khi phát hiện 674 cây thông bị


Theo báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng, 9 tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản xử lý 660 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 147 vụ so cùng kỳ; diện tích thiệt hại hơn 45ha, lâm sản thiệt hại hơn 2.552m3. Cơ quan chức năng đã xử lý 562 vụ, tịch thu 863,8m3 gỗ, thu nộp ngân sách gần 4 tỷ đồng.

đầu độc ở xã Gia Lâm, đơn vị đã lập tức bơm nhớt vào các lỗ khoan trên thân cây, nhờ đó khoảng 65% số cây thông bị khoan lỗ, đổ hóa chất đã phục hồi sự sống. Vụ việc đã được đơn vị báo cáo cơ quan chức năng, hiện Hạt Kiểm lâm và Công an huyện Lâm Hà điều tra, làm rõ.

Trước đó, cũng trong tháng 9 xảy ra vụ cắt hạ 45 cây thông khoảng 20 năm tuổi ở tiểu khu 270 (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà), cũng do BQL rừng phòng hộ Nam Ban quản lý. Tại hiện trường, những cây thông có đường kính 20 - 50cm bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Nhiều cây khác bị cưa từ hai bên gần đứt lìa, chỉ chờ gió to sẽ tự đổ.

Theo ông Nguyễn Thái Phúc – Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban, vụ phá rừng này khả năng có sự tiếp tay của các đối tượng “xã hội đen” hoạt động có tổ chức. Các đối tượng này được thuê từ nơi khác đến, dùng cưa điện để cắt cây với mục đích chiếm đất.

Vì sao khó ngăn chặn?

Tại xã Phi Liêng (huyện Đam Rông) từng xảy ra vụ phá rừng tại khoảnh 6, tiểu khu 216 (do BQL rừng phòng hộ Phi Liêng quản lý) vào tháng 7.2018. Tại đây có 459 cây thông 3 lá đường kính thân từ 20 - 60cm bị cưa hạ, 556 cây khác bị đổ hóa chất đang chết khô, phần lớn là cây rừng trồng từ năm 1997.

Tổng diện tích rừng bị phá hơn 39.800m2, trong đó 24.500m2 đã được các đối tượng phá rừng trồng những cây dổi, lát hoa, một số trồng cây vông, cà phê. Điều đáng nói là vụ việc diễn ra cách trụ sở UBND xã Phi Liêng, BQL rừng phòng hộ Phi Liêng chỉ hơn 1km.

Trước tình trạng rừng thông liên tiếp bị phá hoại, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu UBND huyện Lâm Hà tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân sống gần khu vực có rừng không phá rừng, không lấn chiếm đất lâm nghiệp hoặc bao che, tiếp tay cho các đối tượng phá rừng. UBND huyện Lâm Hà chỉ đạo chủ rừng phối hợp với UBND thị trấn Nam Ban và các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm các vụ phá rừng, ken cây, san ủi đất trái quy định tại địa phương. Tuy nhiên, nạn tận diệt rừng thông để chiếm đất vẫn không hạ nhiệt.

Liên quan đến các vụ phá rừng trong lâm phần quản lý, ông Hồ Cảnh Minh – Trưởng BQL rừng phòng hộ Nam Banphân trần: “Đơn vị thường xuyên kết hợp với chính quyền địa phương tuần tra, bảo vệ rừng. Nhưng các đối tượng phá rừng thường lợi dụng ban đêm, mưa gió, sử dụng các loại máy khoan giảm âm nên rất khó phát hiện”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao sau nhiều vụ việc, với nhiều biện pháp được tăng cường mà rừng vẫn bị mất thì ông Minh cho rằng, những đối tượng phá rừng thường chủ động và có người cảnh báo khi thực hiện, vì vậy lực lượng bảo vệ rừng rất khó phát hiện và bắt giữ.

Còn ông Đào Văn Hinh – Chủ tịch UBND xã Gia Lâm cho biết, để tránh tình trạng tái chiếm, chủ rừng đã trồng bổ sung thông non vào những điểm rừng bị phá. Địa phương cũng đã thành lập tổ tuần tra, bảo vệ rừng 24/24 giờ với 3 thành viên mỗi ngày nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng phá rừng lấn chiếm đất.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở NNPTNT Lâm Đồng cho biết đang chỉ đạo lực lượng chức năng xác minh, làm rõ vụ phá rừng ở xã Gia Lâm. Cũng theo ông Sơn, tình trạng phá rừng tại huyện Lâm Hà đang diễn biến phức tạp do các đối tượng phá rừng lợi dụng địa bàn rộng, lực lượng bảo vệ rừng mỏng để lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Theo DanViet