Dẹp loạn quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật

Thời gian qua, từ công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên Internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát hiện nhiều website đang quảng cáo sản phẩm này có nội dung không phù hợp với nội dung đã được Cục xác nhận, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

dep-loan-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-sai-su-that

Thông báo của Cục An toàn thực phẩm về cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên khớp Đại Việt trên một số website (ảnh chụp màn hình).

Liên tiếp phát hiện sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo như thuốc chữa bệnh

Mới nhất, ngày 19/5, Cục An toàn thực phẩm đã ra thông báo về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Linh Tự Đan đang được quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên trang chuavosinhhiemmuon.vn đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Linh Tự Đan có nội dung không phù hợp với nội dung đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty Cổ phần Kinh doanh dịch vụ và Thương mại Nam Phương (địa chỉ: Tầng 8, tòa nhà số 173 Chùa Láng, phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo tại Cục An toàn thực phẩm.

Quá trình hậu kiểm, Công ty Cổ phần Kinh doanh dịch vụ và Thương mại Nam Phương không thừa nhận website nêu trên của Công ty Cổ phần Kinh doanh dịch vụ và Thương mại Nam Phương, Công ty không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Linh Tự Đan trên trang mạng nêu trên.


Cục An toàn thực phẩm khẳng định nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Linh Tự Đan đang được quảng cáo vi phạm trên website nêu trên không đúng với nội dung đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận.

Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, trong thời gian Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Linh Tự Đan quảng cáo trên trang website/ Internet nêu trên.

Cùng ngày, Cục An toàn thực phẩm cũng phát đi thông báo cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên khớp Đại Việt trên một số website.

Theo đó, Cục dẫn ra một số trang web có nội dung quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên khớp Đại Việt không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Sản phẩm này do Công ty TNHH Thương mại IAC (địa chỉ: Số nhà 31, ngõ 186, đường Khương Trung, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn.

Trước đó, ngày 13 - 14/5, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên một loạt trang mạng đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Rizin, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cốm Su bạc, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vương Đường Khang… vi phạm, quảng cáo không phù hợp với nội dung đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Chung tay "dẹp loạn"

Trong Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5), với chủ đề "Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm", cơ quan chức năng đã tăng cường "dẹp loạn" việc quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật.

Từ cuối tháng 4/2020 đến ngày ngày 19/5, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện và xử lý vi phạm hơn 10 sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng.

Những sản phẩm này được quảng cáo trên các trang web, mạng xã hội như "thần dược" điều trị khỏi một số bệnh: Đái tháo đường, tim mạch, xương khớp, thậm chí tiêu diệt được cả SARS-CoV-2, tăng sức đề kháng của cơ thể…

Thời gian qua, nhất là trong đợt dịch COVID-19, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Bộ TT&TT làm việc với Facebook xử lý các chủ tài khoản bán sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật.

Nhưng thực tế, tình trạng vi phạm quảng cáo vẫn rất phức tạp. Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết, việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng chữa khỏi hẳn bệnh là hoàn toàn sai.

Trước khi mua sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần tìm hiểu thông tin về sản phẩm, như: Thành phần, công dụng, cảnh báo… trên trang web: www.vfa. gov.vn của Cục An toàn thực phẩm.

Ngoài ra, khi có nghi ngờ lừa dối về sản phẩm, người tiêu dùng cần phản ánh kịp thời đến Cục An toàn thực phẩm hoặc liên hệ qua số điện thoại đường dây nóng: 0243.2321556, 0911811556 hoặc qua địa chỉ mail: [email protected] để cơ quan chức năng xác minh, kịp thời xử lý vi phạm.

Mục tiêu Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020

- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu.

Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm.

- Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Theo GiaDinh