Du lịch trả sau, tưởng dễ hóa khó

Một số công ty du lịch đã cùng với ngân hàng, công ty tài chính hợp tác thực hiện hình thức “đi tour trước, trả tiền sau” hay còn gọi là du lịch trả góp để thu hút thêm khách hàng, nhưng khi triển khai thì chưa được như kỳ vọng.

Khách hàng không mặn mà

du-lich-tra-sau-tuong-de-hoa-kho

Khách hàng tham khảo, lựa chọn tour du lịch. Thời gian qua, một số công ty du lịch đã kết hợp với ngân hàng hay công ty tài chính để triển khai hình thức du lịch trả góp.

Hai năm trước, trong một lần trò chuyện với Sài Gòn Tiếp Thị, tổng giám đốc một công ty du lịch ở TPHCM cho biết ông cùng một số đối tác ngân hàng, công ty tài chính đang làm việc để đưa ra dịch vụ “du lịch trả góp”. Với dịch vụ này, khách hàng chỉ phải trả cho công ty du lịch một phần trong tổng giá tour, phần còn lại sẽ trả dần hàng tháng cho ngân hàng hoặc công ty tài chính.

Doanh nhân này kỳ vọng rằng hình thức bán hàng mới sẽ giúp việc mua tour du lịch và những dịch vụ có liên quan đến du lịch trở nên dễ dàng hơn cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng trẻ chưa có nguồn tài chính dồi dào, và những công ty có số lượng công nhân lớn, cần tổ chức các tour thường xuyên cho nhân viên. “Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều và đã thực hiện dịch vụ này được một thời gian, nhưng chưa thấy sự tăng trưởng nào đáng kể nên đang tính có cần tiếp tục làm nữa hay không”, ông nói.

Thông tin từ một số công ty du lịch khác cũng cho thấy tình hình tương tự. Doanh nghiệp cho rằng, tuy ngân hàng và đặc biệt là một số công ty tài chính rất tích cực với hình thức này nhưng khách hàng chưa mặn mà lắm.


Trong số các công ty tài chính, DH Saison được nhiều doanh nghiệp du lịch đánh giá là rất năng động trong việc thực hiện dịch vụ “đi tour trước trả tiền sau”. Công ty này đã hợp tác với nhiều công ty du lịch, khách sạn như Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, Fiditour, Furama Resort Đà Nẵng, Viettourist, GoodTime Travel, VietCharm, TopTen Travel, Du lịch Thanh Niên (VYC)… để cho vay không cần chứng minh thu nhập khoản vay dưới 40 triệu đồng. Tổng số tiền mà khách hàng cá nhân có thể vay để đi du lịch lên đến 100 triệu đồng.

Theo quy trình cho vay của công ty tài chính, khách hàng muốn mua một tour du lịch nào đó với hình thức trả góp có thể liên hệ với công ty du lịch hoặc công ty tài chính để được cung cấp hồ sơ vay. Sau khi công ty tài chính thẩm định và đồng ý cho vay thì sẽ báo với công ty du lịch. Phía công ty du lịch sẽ bán tour và nhận 30% trong tổng giá trị tour từ khách hàng, số còn lại công ty tài chính sẽ trả cho công ty du lịch, thường là một vài ngày trước khi tour khởi hành; với tour đi vào ngày lễ hay những tour phải làm thị thực thì thời gian trả tiền sớm hơn. Từ lúc này, chỉ có công ty tài chính và khách hàng liên hệ với nhau để khách trả 70% tiền tour còn lại cùng với tiền lãi, theo thời gian mà hai bên thỏa thuận.

“Tôi thấy bên tài chính thẩm định hồ sơ rất nhanh, chỉ cần 1-2 ngày là khách hàng có thể mua tour. Nhưng hiện vẫn có ít người sử dụng dịch vụ”, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Fiditour nói.

Fiditour đã hợp tác với HD Saison thực hiện dịch vụ này được khoảng nửa năm, sau khi hợp tác với hai ngân hàng khác để vừa thực hiện các dịch vụ ưu đãi cho khách hàng, vừa làm chương trình bán tour trả góp. Khách hàng có thể vay từ 3 triệu đồng cho đến mức 100 triệu đồng để mua tour. “Chúng tôi nghĩ dịch vụ này sẽ góp phần kích cầu vì với những gói cho vay dài, khách sẽ thoải mái hơn khi bỏ tiền chi trả cho chuyến đi. Nhưng hiện tại, đa số khách hàng vẫn chọn cách trả tiền tour trọn gói”, bà Thu nói.

Chê lãi cao

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một số doanh nghiệp cho rằng có thể dịch vụ trên còn ít khách bởi nhiều nguyên nhân từ thói quen tiêu dùng, đối tượng khách hàng mà các công ty nhắm đến, thủ tục vay và vấn đề quan trọng là lãi suất vay còn khá cao so với mặt bằng lãi suất hiện tại.

Về thói quen tiêu dùng, theo các doanh nghiệp, khách hàng mua sản phẩm du lịch có thói quen “có tiền mới đi chơi” nên thường trả tiền một lần, không thích vay mượn để thụ hưởng một dịch vụ được xem là chưa cấp thiết lắm nếu điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Về đối tượng khách hàng, nhiều công ty nhắm đến đối tượng khách trẻ, thích đi du lịch nhưng có ít tiền. Tuy nhiên, thực tế thì những người trẻ lại không dám chi số tiền lên đến vài chục triệu đồng để mua tour đi du lịch xa; còn với tour rẻ, chừng vài triệu đồng, thì khách lại không cần mua tour mà có thể tự đi.

Thêm vào đó, với những tour có giá cao, đòi hỏi những khoản vay trên 40 triệu đồng, khách hàng cũng phải chứng minh thu nhập gồm các giấy tờ liên quan đến hợp đồng lao động, bảng lương, bảng sao kê tài khoản ngân hàng… nên nhiều người thấy phiền, không muốn vay.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị và truyền Thông của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết một hạn chế nữa là hiện các ngân hàng đã tiếp cận rất gần với khách hàng, đã cung cấp nhiều loại hình ghi nợ cho khách hàng sử dụng. Vì thế, khách có thể sử dụng tiện ích này để mua dịch vụ thay vì phải mua thông qua công ty du lịch. Saigontourist đang hợp tác với HD Saison và Vietcombank để thực hiện dịch vụ “đi tour trước trả tiền sau” trong khoảng một năm nay nhưng lượng khách hàng tham gia vẫn còn ít.

Tuy nhiên, cũng theo nhiều doanh nghiệp, những lý do trên chỉ là những lý do phụ còn nguyên nhân lớn nhất là lãi suất của các khoản vay du lịch trả trước vẫn còn cao so với mặt bằng lãi suất, thậm chí còn cao hơn lãi suất vay tiêu dùng ngắn hạn của các ngân hàng.
Một công ty du lịch cho Sài Gòn Tiếp Thị biết, lãi suất mà khách hàng của công ty phải trả cho công ty tài chính là từ 1,41% đến 1,83%/tháng tùy vào thời gian vay. Thời gian vay có thể kéo dài từ 6 đến 24 tháng, càng vay dài thì khách hàng càng phải trả lãi cao. Với lãi suất này thì mức lãi thấp nhất mà khách hàng phải trả lên đến 16,92%/năm. Số tiền phải chi thêm quá cao đã khiến khách hàng chưa mặn mà với dịch vụ.

Theo Minh Duy (SGTT)