Dư luận xã hội phản hồi gay gắt, người đề xuất loại bỏ “Chí Phèo” nói gì?

"Tôi không phủ nhận hoàn toàn giá trị nghệ thuật của Chí Phèo"

Theo Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Giáo dục ở Trường ĐH Newcastle (Australia), dù nhận được rất nhiều ý kiến "ném đá" quan điểm của mình song ông không quá buồn. Bởi lẽ, bản thân ông đã chuẩn bị sẵn tâm lý đón nhận những sự phản đối và thứ hai, nhiều độc giả phản đối ý kiến loại bỏ tác phẩm "Chí Phèo" do đã hiểu sai thông điệp ông muốn truyền tải.

“Tôi hoàn toàn không có ý định phủ nhận giá trị nghệ thuật của tác phẩm “Chí Phèo, tôi không phủ nhận thành công của nhà văn Nam Cao khi đã khắc họa được một nhân vật điển hình kinh điển vào lịch sử văn học Việt Nam”, thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền nhấn mạnh.

Ông Hiền khẳng định, ông không phải là một giáo viên chuyên văn hay nghiên cứu sâu về lĩnh vực này do đó khi tiếp nhận văn bản ông chỉ đứng trên góc độ của một người đọc thông thường và góc độ giáo dục.

Và khi xét ở góc độ giáo dục thì tác phẩm “Chí Phèo” rất nhiều khả năng tác động tiêu cực tới tâm lý của các em học sinh lớp 11, giai đoạn mà sự phát triển về tâm sinh lý khá phức tạp.

Ở độ tuổi này các em rất dễ nổi loạn, thích thể hiện mình, muốn khẳng định cái tôi. Vì vậy những cái xấu dễ bị tiêm nhiễm và tiêm nhiễm nhanh hơn những cái tốt.

Người đề xuất loại bỏ tác phẩm “Chí Phèo” khỏi SGK Ngữ Văn lớp 11 phân tích: “Tôi đã đọc và suy ngẫm về quan điểm của các tác giả đánh giá đề xuất của mình. Dù đa số họ không đồng tình nhưng hầu hết những quan điểm đó đến từ các nhà văn, thầy cô dạy văn hoặc người yêu văn. Nhưng có một bộ phận ý kiến quan trọng nhất mà chúng ta bỏ quên chính là các em học sinh và không phải là những học sinh chuyên văn”.


 Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền (Ảnh: NVCC).

Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền (Ảnh: NVCC).

Học sinh lớp 11 phần đông “ăn chưa no, lo chưa tới”

“Tôi rất tiếc vì không ở Việt Nam, nếu không, trước khi đưa ra đề xuất, tôi sẽ làm một cuộc thăm dò ý kiến đối với học sinh lớp 11, 12, đã và đang học tác phẩm Chí Phèo để xem tác động của tác phẩm này đối với các em như thế nào?

Các em học được gì? Cái gì đọng lại sau khi học? Giá trị giáo dục là gì? Em nghĩ gì về hành động cầm dao giết Bá Kiến của Chí Phèo? Nếu gặp hoàn cảnh tương tự khi ai đó đẩy vào đường cùng, bạn nghĩ hành động giống Chí Phèo là cần thiết không? Nên thăm dò quan điểm của các em như vậy, chúng ta sẽ có những nhận định, đánh giá chính xác hơn.

Tất nhiên có những em ngoan, giỏi, sớm có những suy nghĩ sâu sắc, nhưng các em là số ít. Số còn lại rất đông là “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Trong khi đó năng lực của đội ngũ giáo viên môn văn ở THPT của chúng ta không đồng đều. Những thầy cô có năng lực truyền tải được đầy đủ ý nghĩa nhất, trọn vẹn nhất của giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm "Chí Phèo" cho các em là không nhiều. Hơn nữa, chúng ta đâu ai dám chắc được rằng các thầy cô liệu có đủ thời gian để truyền tải hết các giá trị nhân văn của tác phẩm? Các em sẽ chỉ thấy Chí say rượu, đập phá, xin đểu, cưỡng hiếp phụ nữ, giết người, tự sát… mà vẫn đáng thương, vẫn đáng được cảm thông, thậm chí còn được ngợi ca”.

Các giáo viên dạy văn, rồi tôi, bạn, và nhiều người lớn khác hiểu các nhà phê bình văn học ngợi ca cái khát vọng lương thiện tiềm ẩn trong con người Chí, nhưng học sinh thì mấy em thực sự hiểu điều đó ngoài những em học giỏi văn? Còn phần lớn các em sẽ chỉ nhận thức một cách hời hợt về tác phẩm như tôi nói ở trên.

Chúng ta đã và đang hàng ngày chứng kiến biết bao cảnh thương tâm của bạo lực học đường, giết người cướp của, xin đểu, cưỡng hiếp mà số đông trong đó là trẻ vị thành niên. Liệu chăng giáo dục không tác động một phần vào những hành vi và nhận thức đó của các em?”, người đề xuất loại bỏ “Chí Phèo” đặt hàng loạt câu hỏi.

Giáo dục là không bao giờ đứng yên

Theo ông Hiền, giáo dục là cuộc sống, như nhà triết học, nhà tâm lý học và nhà cải cách giáo dục vĩ đại John Dewey đã từng nói. Mà cuộc sống thì có bao giờ đứng yên, nó vận động và thay đổi từng ngày từng giờ vì vậy một nền giáo dục tiến bộ là nền giáo dục cũng cần phải thay đổi và bắt kịp với những thay đổi của cuộc sống. Nếu một nền giáo dục xa rời cuộc sống không phản ánh thực tiễn cuộc sống đó là một nền giáo dục kinh viện, một nền giáo dục lạc hậu của thế kỷ trước.

Ông Hiền nhấn mạnh: “Vấn đề ở chỗ, liệu có phải tất cả những tác phẩm văn học kinh điển thì đều có thể mang vào trường phổ thông để dạy cho học sinh? Câu trả lời theo tôi là không. Việc đưa một tác phẩm nào vào nhà trường để dạy cho học sinh cũng đều cần có sự chọn lọc phù hợp với mục tiêu giáo dục, đồng thời phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

Những tác phẩm nào hay nội dung nào không còn phù hợp hay có những tác động tiêu cực chúng ta nên cân nhắc để cắt bỏ hoặc chuyển nó ở cấp học cao hơn dù tác phẩm đó có kinh điển đến như nào nữa.

Loại bỏ một tác phẩm kinh điển như Chí Phèo khỏi SGK phổ thông là cách nhìn mới và tiếp cận mới trên quan điểm giáo dục."

“Cái nhìn mới và khác với cách nhìn và nghĩ của số đông thường không dễ được chấp nhận. Nhưng tôi tin rằng, với những biến chuyển và thay đổi của cuộc sống xã hội hiện nay sẽ có những nội dung và chương trình không còn phù hợp đối với lớp trẻ nữa.

Việc xem xét và cân nhắc những chương trình và nội dung giảng dạy như vậy nên là một việc làm thường xuyên đối với các nhà quản lý giáo dục và những nhà biên soạn và thiết kế chương trình sách giáo khoa. Có như vậy mới hy vọng được một nền giáo dục tiến bộ và bắt kịp những thay đổi và đòi hỏi của cuộc sống”, ông Hiền mong mỏi.

Theo Dân Trí