Đức Long Gia Lai nợ nghìn tỷ, giá cổ phiếu thấp kỷ lục

Đức Long Gia Lai tiếp tục có tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 chỉ 1,2 tỷ đồng, nợ đọng hàng nghìn tỷ đồng.

Mới đây, dự án bất động sản lớn tại TP.HCM là Đức Long Golden Land bị UBND TP.HCM yêu cầu thanh tra toàn diện.

Một số sai phạm bị tố của dự án này là chủ đầu tư chưa bồi thường và giải phóng mặt bằng vẫn được cấp phép quy hoạch; năng lực tài chính của chủ đầu tư; phần "đất công" trong dự án đã biến mất, dự án chuyển nhượng gây thiệt hại cho nhà nước; dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh nhưng đã và đang bán ra thị trường…

Theo tìm hiểu của PV, Đức Long Golden Land có tên đầy đủ là "Khu thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp Đức Long Golden Land", nằm trên đường Nguyễn Tất Thành nối dài, phường Tân Thuận Tây, quận 7, chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư - xây dựng Vạn Gia Long - thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG).

duc-long-gia-lai-no-nghin-ty-co-phieu-chua-bang-coc-tra-da

 Đức Long Golden Land bị đề nghị thanh tra toàn diện.

DLG là một doanh nghiệp có tiếng tại phố núi Gia Lai, cùng với Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức và Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Loan.


Chủ tịch HĐQT của DLG là ông Bùi Pháp – người đang giữ vị trí thứ 38 top người giàu nhất sàn chứng khoán Việt, với khối tài sản 1.662 tỷ đồng.

Theo giới thiệu của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, thì tập đoàn này hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con với hơn 30 công ty thành viên, 4 công ty liên kết hoạt động ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau.

Ngoài những ngành nghề truyền thống như sản xuất và chế biến gỗ, đá Granite, kinh doanh bến xe và bãi đỗ, dịch vụ khách sạn, resort, khai thác và chế biến khoáng sản, dịch vụ bảo vệ - vệ sĩ… trong giai đoạn 2015-2020, Đức Long Gia Lai tập trung chủ lực vào 5 lĩnh vực trọng tâm là bất động sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng, sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử và nông nghiệp.

Tuy nhiên, có vẻ như 2018 không phải là năm may mắn của DLG, khi con số lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm tập đoàn này khá ít ỏi.

Theo báo cáo tài chính (BCTC) soát xét 6 tháng đầu năm 2018, DLG báo lãi ròng vỏn vẹn chỉ 1,2 tỷ đồng, trong khi đó cùng kì năm ngoái con số lãi là 36,3 tỷ đồng.

Trong khi đó, DLG cũng đang gặp vấn đề về nợ. Tính đến 30/6/2018, khoản nợ phải trả của DLG là hơn 2.273 tỷ đồng, trong đó 1.453 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và 819,8 tỷ đồng nợ dài hạn. Con số nợ này chiếm tới 42,6% tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu của DLG là hơn 3.051 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, giá cổ phiếu DLG hiện ở mức “rẻ chưa từng thấy”. Tại thời điểm 19/9, DLG chỉ được giao dịch quanh mốc 2.700 đồng/cp và được ví "chưa bằng một cốc trà đá", một khoảng cách khá xa so với mức “đỉnh” 25.000 đồng/cp hồi năm 2011.

Giới chuyên gia tài chính nhận định, việc vay nợ gia tăng đã khiến chi phí tài chính ăn mòn gần hết lợi nhuận trong những năm này của DLG.

Trong quá trình kinh doanh của mình, DLG từng chịu nhiều “đòn đau” – khởi điểm cho những vận đen nối tiếp vận đen của tập đoàn này.

Đỉnh điểm vào thời điểm 2013, DLG đầu tư hơn 150 tỷ đồng để xây dựng bến xe phía Nam (Đà Nẵng), nhưng sau 9 năm hoạt động, bến xe này vẫn rơi vào cảnh đìu hiu, tiêu điều, khiến hàng trăm tỷ đồng đầu tư không gỡ ra được.

Cũng trong khoảng thời gian đó, hàng loạt dự án lớn của Tập đoàn này như thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, thủy điện Sông Sen, thủy điện Mỹ Lý (Nghệ An), Krongpa, Dakspay (Gia Lai)... đều bị hủy hoặc đang tạm dừng với lý do là ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái.

Tháng 12/2015 trên thị trường chứng khoán xuất hiện thông tin “lãnh đạo DLG bị thanh tra” khiến cổ phiếu DLG lao dốc, sụt giảm nhiều phiên liên tiếp.

Trước tin đồn này, ông Bùi Pháp đã phải lên tiếng giải thích đây là thông tin thất thiệt, ác ý, cố tình dìm giá cổ phiếu DLG.

Theo VietQ