Đừng ăn theo kiểu ác miệng, ác tâm

Có sự liên quan giữa ăn uống và sự nóng giận trong tính cách con người?

Có người bạn uống rượu kể vui về nguồn gốc bệnh bò điên. Anh này bảo, con bò cái ngày nào cũng bị vắt sữa chịu không nổi nên phát điên. Chuyện cười lúc trà dư tửu hậu vậy mà ngẫm ra lại đúng.

Hôm trước tôi lên một “cơn điên” đột xuất, gây tổn thương cho nhiều người. Nóng giận một giây có khi thiêu trụi mọi thứ, kể cả là phước lành bao năm tích lũy.

dung-an-theo-kieu-ac-mieng-ac-tam

Ăn uống và tính cách có sự liên quan (Ảnh minh họa)

Sau “cơn điên”, tôi gặp một người anh để nói chuyện, để lý giải cơn nóng giận đột xuất của mình. Bao năm tôi không để ý chuyện anh ăn chay. Lần này gặp tự nhiên tôi lại quan tâm. Tôi hỏi “ăn chay là anh cố gắng ăn, hay tự nhiên, hay là anh thích ăn?”. Anh trả lời, “tự nhiên nó vậy, rồi thích ăn luôn. Ăn chay thấy thanh tịnh cho cả cơ thể lẫn tinh thần …”.

Trước khi giảng giải cho tôi, anh chắc chắn với tôi rằng, ăn uống ảnh hưởng lớn đến chuyện nóng giận, kích thích Tham – Sân – Si (3 thứ độc hại nhất của con người).

Miếng ăn ta thấy ngon, nhưng là đau khổ, uất hận của nhiều loài. Đặc biệt, những thức ăn đột biến gen, nuôi, trồng kiểu công nghiệp, nhốt như tù đày...


Ví dụ, con bò sữa, nếu vắt sữa tự nhiên thì sữa tốt. Nhưng nuôi theo kiểu công nghiệp, ép buộc, kích thích nó sản xuất sữa trái tự nhiên thì sữa đó không ngon. Con bò sau khi không còn sữa người ta xẻ thịt nó (một cách đối xử tàn nhẫn). Nó chết sau một quá trình dày vò và uất hận thì thịt nó cũng chẳng ngon.

Anh hỏi: “Em biết vì sao nuôi gà công nghiệp người ta thường cắt mỏ không?”, rồi anh giải thích: “Không cắt mỏ là nó mổ chết nhau. Nó bị đối xử tàn tệ nên gần như phát điên. Người ta nuôi gà công nghiệp, thường thắp đèn sáng trưng, ngày thì dài mà đêm chỉ vài tiếng để ép nó đẻ trứng. Nó đẻ gấp chục lần khả năng nó có. Ăn trứng đó cũng không ngon. Khi không đẻ nữa, người ta lại làm thịt nó. Ăn thịt con gà đầy đau khổ, oán hận thì cũng chẳng vui, chẳng ngon. Rồi con cá, đáng lẽ thịt mềm, người ta tác động làm cho nó đột biến gen thành thịt giòn. Ăn toàn những thứ này không ác sao được …”.

Ban đầu tôi thấy anh nói theo giáo lý Phật, nhưng ngẫm thấy rất đời, rất gần gũi. Ăn những thứ trái khoáy, trái tự nhiên, chắc chắn không tốt, cái này ai cũng biết. Bởi thế, những nhà có điều kiện, họ tự làm trang trai trồng rau, nuôi cá, nuôi thuận theo tự nhiên cho an toàn. Cái an toàn đó, nghĩ sơ sơ thì là tốt cho sức khỏe, nghĩ sâu theo lý giải của anh bạn tôi thì là an lành về tinh thần. Mấy bà đi chợ chắc cũng hiểu rõ sự lựa chọn này và phải công nhận thực phẩm tự nhiên tốt hơn công nghiệp.

Nhìn xa hơn thì thấy các nước giàu họ mua sản phẩm từ những nước khác thường yêu cầu truy xuất nguồn gốc: từ đất, giống, cách chăm bón, cho đến chuồng trại... Nếu nuôi nhốt tàn tệ, sai quy cách, dùng thức ăn kích thích họ sẽ không mua. Thụy Điển có quy định, các nhà hàng làm tôm hùm không bỏ tôm ngay vào nước đang sôi. Họ cho rằng làm như vậy tôm chết tức tưởi, thịt không ngon.

Nghĩ một cách đơn giản thì như vậy là khôn ăn, nhưng sâu xa thì họ nhân đạo với con tôm, và sâu hơn nữa là nhân đạo với chính mình (ăn những thứ đầy oán hận, như cái chết tức tưởi của con tôm hùm thì không ngon, không vui). Luật về thú nuôi một số nước cũng vậy, người ta cấm giết động vật một cách tàn nhẫn…

“Con người ăn những thứ trái tự nhiên, ăn những con vật chết đầy oán hận là kích thích nóng giận, kích thích cái ác. Nếu xót thương cho những con vật đau khổ, cách ăn cũng sẽ khác, tác động đến tâm cũng sẽ khác”, anh bạn kết luận.

Ở ta, một số người thích lùng sùng sục bắt bớ nhiều con vật lạ để chứng tỏ đẳng cấp. Cách ăn cũng phải lạ, ăn kiểu chém bay đầu con khỉ đổ gia vị vào và múc ăn. Con khỉ đau đớn tột cùng đến chết khi bị ăn hết não và con người thì chén chú, chén anh chúc tụng. Cực tàn nhẫn!

Ăn như vậy thì hiền nổi không? Không kích thích thú tính và tham – sân - si mới lạ. Bởi vậy, với bộ dang lịch thiệp, bóng loáng, người ta vẫn bắt tay nhau che đậy nhiều điều dưới vỏ bọc nồng hậu, thân tình. Sau cái bắt tay tưởng an lành ấy, có thể là những toán tính cho người này sập bẫy, người kia tan đàn xẻ nghé, sạt nghiệp... Ăn uống như thế cũng sẽ sinh ra kiểu hành xử như chỉ mâu thuẫn nhỏ cũng lao vào chém nhau đầu rơi máu đổ, rồi thản nhiên uống nước, thản nhiên vào tù như một trò đùa…

Cái ác đôi khi trỗi dậy, bộc phát một cách rất khó lý giải!

Sau buổi nói chuyện, tôi thấy anh bạn có lý và tôi bắt đầu thay đổi. Vấn đề là tu làm sao để ăn sao cho đỡ ác miệng, ác tâm. Ăn thế nào cho tâm bình an!

Anh bạn khuyên, ăn chay trường thì đợi duyên, trước mắt cứ hạn chế cái miệng, đừng ăn một cách vô thức!

Theo GiaDinhVietNam