Gia đình quyền lực, giàu có bậc nhất giới ngân hàng Việt: Cú chuyển bất ngờ

Trong những ngày cuối năm Mậu Tuất, gia đình Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB bất ngờ công bố kế hoạch chuyển nhượng cổ phần với quy mô lớn, lên đến 51 triệu cổ phiếu.

gia-dinh-quyen-luc-giau-co-bac-nhat-gioi-ngan-hang-viet-cu-chuyen-bat-ngo

Gia đình nhà sáng lập Trần Mộng Hùng giữ vai trò lãnh đạo và nắm giữ lượng cổ phần lớn tại ACB.

Cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu vừa kết thúc năm Mậu Tuất một cách thuận lợi với 3 phiên tăng giá liên tục, kết phiên 1/2/2019 ở mức giá 29.400 đồng.

Giá cổ phiếu ngân hàng này diễn biến ổn định bất chấp thông tin sẽ có các giao dịch chuyển nhượng cực lớn cổ phiếu của cổ đông trong gia đình Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy.

Cụ thể, ông Trần Mộng Hùng (bố đẻ ông Huy và cũng là nhà sáng lập ACB) đăng ký chuyển quyền sở hữu toàn bộ 22.992.941 cổ phiếu ACB đang nắm giữ, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 1,84% vốn ngân hàng.

Chị ruột ông Huy là bà Trần Đặng Thu Thảo đăng ký chuyển nhượng 12.711.293 cổ phần trong tổng số 14.711.293 cổ phần đang nắm giữ và em ruột ông Huy là Trần Minh Hoàng đăng ký chuyển nhượng toàn bộ 16.007.648 cổ phần ACB đang nắm giữ.


Tổng số cổ phần chuyển nhượng của ba cá nhân này lên đến hơn 51 triệu đơn vị. Cả 3 giao dịch có chung mục đích góp vốn và dự kiến sẽ được thực hiện từ 14/2 đến 14/3/2019. Do các giao dịch sử dụng hệ thống chuyển quyền sở hữu của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và thực hiện nội bộ trong nhóm cổ đông này nên giá cổ phiếu trên sàn không bị ảnh hưởng.

Phát biểu trên báo chí, ông Trần Hùng Huy cũng khẳng định, gia đình ông không bán ra thị trường bất kỳ cổ phiếu nào mà đây chỉ là việc cơ cấu lại sở hữu và hình thức trong nội bộ gia đình.

Bản thân ông Trần Hùng Huy trong đợt này cũng đăng ký mua vào thêm 4 triệu cổ phiếu ACB cùng trong thời gian nói trên nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân, dự kiến sẽ nâng sở hữu tại ngân hàng này lên 44 triệu đơn vị.

Thị trường đã khép lại phiên giao dịch cuối cùng của năm Mậu Tuất với diễn biến trái chiều của hai chỉ số. Trong khi VN-Index mất 1,98 điểm tương ứng 0,22% còn 908,67 điểm thì HNX-Index lại đạt được mức tăng nhẹ 0,46 điểm tương ứng 0,44% lên 103,34 điểm.

Đáng nói là số mã tăng trên toàn thị trường đã tăng vọt lên 355 mã và có tới 64 mã tăng trần, lấn át hoàn toàn so với số lượng mã giảm giá (187 mã giảm, 26 mã giảm sàn).

Thanh khoản dẫu vậy vẫn thấp, cho thấy nhà đầu tư vẫn đang ưu tiên nắm giữ tiền mặt qua Tết hơn là đổ tiền vào đầu tư cho cổ phiếu. Trên sàn HSX chỉ có 140,79 triệu cổ phiếu được giao dịch tương ứng giá trị giao dịch đạt 3.890,7 tỷ đồng; con số này trên HNX là 15,25 triệu cổ phiếu tương ứng 168,92 tỷ đồng. Vẫn có tới 866 mã không hề có giao dịch nào diễn ra.

Với việc EIB và BHN tăng trần, hai mã này có đóng góp khá tích cực cho chỉ số chính VN-Index phiên cuối tuần. Bên cạnh đó, chỉ số cũng nhận được sự hỗ trợ từ BVH, TCB, CTG. Tuy nhiên, chỉ riêng việc “ông lớn” VIC giảm giá mạnh đã lấy đi của chỉ số chính tới 4,95 điểm bên cạnh tình trạng giảm giá còn diễn ra tại VCB, HPG, PLX, VRE, FPT, VPB.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán BVSC, thị trường được dự báo sẽ tăng điểm trong phiên giao dịch đầu phiên sau kỳ nghỉ lễ.

Dù vậy, diễn biến của chỉ số sẽ chịu ảnh hưởng khá nhiều từ biến động của thị trường thế giới. Do vậy, BVSC cho rằng, việc nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao qua kỳ nghỉ Tết dài ngày sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tỷ trọng danh mục giai đoạn này được khuyến nghị khống chế tối đa ở mức 20-25% cổ phiếu. Các hoạt động mua bán có thể được xem xét nếu thị trường có tín hiệu rõ ràng hơn về mặt xu hướng sau kỳ nghỉ lễ.

Theo Dân trí