Giả thuyết mới về sự biến mất của máy bay MH370

Một tài liệu mới đây hé lộ rằng máy bay MH370 có thể đã bị không tặc chiếm quyền kiểm soát máy tính thông qua hệ thống giải trí của máy bay.

Máy bay của hàng không Malaysia MH370 mất tích hôm 8/3/2014 khi đang trong hành trình bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, chở theo 239 người trên khoang. Cho đến nay điều gì thực sự xảy ra với máy bay và số phận của phi hành đoàn vẫn đang là bí mật.

Tuy nhiên, tờ Express mới đây đã đưa ra một giải thuyết khác hoàn toàn với những kịch bản từng được đề cập trước đây. Đó là MH370 có thể đã bị không tặc và thủ phạm đã chiếm quyền kiểm soát máy tính của máy bay thông qua hệ thống giải trí.

Theo đó, kẻ không tặc có thể đã thực hiện cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống điều khiển máy bay, bằng điện thoại hoặc USB thông qua hệ thống giải trí trên máy bay.

Chuyên gia về quản lý rủi ro, tiến sĩ Sally Leivesley nêu giả thuyết rằng, kẻ khủng bố này sau đó có thể đã vô hiệu hóa hệ thống mạng của máy bay với một phần mềm độc hại có chức năng tạo ra các sự kiểm soát ảo trong buồng lái, khiến cho các phi công nhầm tưởng rằng họ đang bay đúng hướng, nhưng thực ra lại đưa họ đi chệch khỏi hành trình.

gia-thuyet-moi-ve-su-bien-mat-cua-may-bay-mh370

Lý do thực sự khiến MH370 mất tích giờ vẫn còn là bí ẩn

Bằng cách này, kẻ không tặc đã đánh lừa được cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah và cơ phó Fariq Abdul Hamid, khiến họ không nhận ra bất kì dấu hiệu bất thường nào cho đến khi tất cả đã là quá muộn.


"Cốt lõi của giả thuyết này nằm ở chỗ máy bay được kiểm soát bởi máy tính, không phải con người. Có những con chip nằm trong tổ hợp thiết bị và hệ thống điện – điện tử trên máy bay, và các con chip này có thể chứa virus".

"Các hoạt động kiểm soát trông có vẻ bình thường, nhưng thực chất có một hệ thống ngầm bên dưới đang thực sự lái chiếc máy bay", trích lời tiến sĩ Sally Leivesley.

Chuyên gia an ninh hàng không Jim Termini cũng không loại trừ khả năng chiếc máy bay đã bị tấn công điện tử từ một thành viên phi hành đoàn, một hành khác, một kẻ khủng bố hoặc từ một trạm kiểm soát mặt đất.

"Tấn công điện tử là một hình thức tấn công vô cùng phức tạp mà ở thời điểm hiện tại, khả năng là khá thấp, nhưng đó chỉ vì chúng ta chưa chứng kiến một cuộc tấn công như vậy bao giờ", Termini nói trên Channel 5.

Tuy nhiên, giả thuyết này cũng chỉ là một trong vô số giả thuyết được đặt ra sau sự biến mất của MH370. Cho đến nay, lý do thực sự khiến máy bay mất tích vẫn còn là bí ẩn.

Theo Sở hữu trí tuệ/GiaDinh