Giám đốc PGD Agribank An Phú vay tiền tỷ rồi mất dạng, người cho vay lao đao!

Nguyên Giám đốc phòng giao dịch của Agribank đã vay số tiền 5 tỷ đồng của người dân rồi “biến” mất dạng.

Vào tháng 5/2019, ông Nguyễn Khắc Hoàng (Q.12, TP.HCM) có mối quan hệ quen biết với ông Nguyễn Bảo Nhân (SN 1975, ngụ Q. Tân Bình, TP.HCM), thời điểm này là Giám đốc Phòng giao dịch Agribank An Phú (Cộng Hòa, Tân Bình) thuộc Chi nhánh Agribank An Phú. Theo đó, nhằm huy động số tiền lớn để mua lại khối tài sản hàng trăm tỷ đồng, nên ông Nhân có đề nghị ông Hoàng cho vay với số tiền 5 tỷ đồng, kỳ hạn 1 tháng và được ông Hoàng đồng ý.

Để làm ông Hoàng tin tưởng hơn, ông Nhân còn trưng ra một giấy ủy quyền với nội dung được toàn quyền đại diện một công ty tìm kiếm đối tác, mua bán tài sản, thương lượng giá và đại diện đứng tên tài khoản thanh toán hoặc đứng tên đồng sở hữu tài khoản với đối tác tại ngân hàng. Chính vì vậy, mọi giao kết được diễn ra theo đúng trình tự, cả hai đã tiến hành ký hợp đồng vay tiền, kèm công chứng số 003583, quyển số 05 TP/CC-SCC/HĐGD tại một văn phòng công chứng trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Phú Nhuận) và làm thêm giấy tay đặt cọc mua lại căn nhà địa chỉ số 43/14/24 Cộng Hòa, P.4, Tân Bình do ông Nhân làm chủ để làm tin.

giam-doc-pgd-agribank-an-phu-vay-tien-ty-roi-mat-dang-nguoi-cho-vay-lao-dao
Phòng giao dịch Agribank An Phú, nơi ông Nhân làm giám đốc và tiến hành vay mượn tiền.

 

Sau đó, ông Hoàng mang số tiền 5 tỷ đồng đến tại phòng giám đốc Phòng giao dịch An Phú của ông Nguyễn Bảo Nhân để trao và cẩn thận ghi lại việc nhận tiền đủ mà không mảy may nghi ngờ.

Tuy nhiên, khi quá hạn phải trả số tiền 5 tỷ đồng như đã cam kết nhưng không thấy ông Nguyễn Bảo Nhân hoàn trả số tiền trên thì người cho vay liên hệ nhiều lần đến đòi lại tiền nhưng ông Nhân không trả và xin thêm thời gian. Sau đó, ông Hoàng đến Phòng giao dịch Agribank An Phú tìm gặp ông Nhân để yêu cầu giải quyết thì được thông báo rằng ông này đã xin nghỉ việc tạm thời, mọi liên hệ qua điện thoại điều không được, thậm chí ông này đã đi khỏi nơi cư trú khiến ông Hoàng này tá hỏa như ngồi trên đống lửa.

“Ông bảo tôi yên tâm cho mượn tiền vì có sếp Nam (ông Nam là Giám đốc Chi nhánh Agribank An Phú - PV) đứng sau, ông hứa với tôi 1 tháng sẽ trả theo hợp đồng công chứng vay tiền...” - trong đơn gửi Báo Người Tiêu Dùng và cơ quan chức năng, ông Hoàng cho biết.


giam-doc-pgd-agribank-an-phu-vay-tien-ty-roi-mat-dang-nguoi-cho-vay-lao-dao
Giấy thông báo của TAND Q. Tân Bình về đơn khởi kiện.

Ngày 10/3, liên quan đến phản ánh của bạn đọc, phóng viên Báo Người Tiêu Dùng đã có trao đổi với ông Nguyễn Đức Minh - Trưởng phòng kiểm tra kiểm soát nội bộ Chi nhánh Agribank An Phú, tại đây ông này cho biết Chi nhánh Agribank An Phú đã nắm được sự việc khiếu nại giữa ông Nhân và Hoàng. Còn chuyện vay mượn giữa 2 bên là mối quan hệ dân sự cá nhân, nên thời điểm vay mượn chi nhánh không hề biết.

“Ông Nhân chỉ là giám đốc của một phòng giao dịch nhỏ trực thuộc Chi nhánh Agribank An Phú. Nhưng từ nhiều tháng nay đã không bố trí làm giám đốc nữa, ông Nhân làm đơn xin nghỉ làm việc lâu dài để chữa bệnh” - ông Minh cho biết.

Cũng theo người này, ông Nhân đã hết thời gian giữ chức vụ Giám đốc Phòng giao dịch An Phú, từ tháng 9/2019 khi sắp điều chuyển làm nhiệm vụ khác thì ông Nhân xin nghỉ để chữa bệnh. Mặc dù vẫn còn trong danh sách nhân sự của chi nhánh nhưng từ 6 tháng nay, đơn vị này đã không trả lương và cũng không liên hệ được với ông Nhân.

giam-doc-pgd-agribank-an-phu-vay-tien-ty-roi-mat-dang-nguoi-cho-vay-lao-dao
Ông Nguyễn Bảo Nhân lúc nhận tiền vay từ Phòng giao dịch An Phú.

Trả lời phóng viên Báo Người Tiêu Dùng trước nghi vấn việc có hay không ông Nam việc “đứng sau” ông Nhân để mượn tiền trục lợi? Ông Minh cũng khẳng định: “Ông Nam không liên quan gì đến việc này, mà nếu giả chăng việc này là có thì người làm (ông Nhân - PV) muốn đạt được mục đích thì họ có thể nói như vậy. Hoặc, có thể người làm chuyện này không nói, thì người kia (ông Hoàng - PV) kiếm chuyện để nói. Chuyện các cá nhân tự làm với nhau thì tự chịu các vấn đề đó chứ ông Nam không có liên quan đến chuyện này”.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: “Hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lợi dụng mình làm ngân hàng tạo niềm tin cho nạn nhân để chiếm đoạt tài sản, những đối tượng này cần xử lý nghiêm”.

Hành vi của người giám đốc được xem là cố tình bỏ trốn khỏi nơi cư trú để không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với hợp đồng vay mượn nợ. Hành vi này có dấu hiệu của “tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, bằng hình thức hợp đồng vay mượn tài sản, người giám đốc đã có được tài sản một cách hợp pháp, sau khi có được tài sản, người giám đốc đã cố tình bỏ trốn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản vay mượn. Vì vậy, căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người giám đốc nói trên có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự đối với hành vi cố ý bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Đối với số tiền vay mượn là 5 tỷ đồng, căn cứ vào khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), khung hình phạt đối với tội danh này là: “Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12-20 năm”.

Ông Hoàng bức xúc: “Do ông Nhân có mác là giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng Agribank và còn nói rằng có ông Nam đứng sau để tạo uy tín nên tôi mới cho vay tiền. Chứ làm gì mà tôi dám giao số tiền lớn như vậy”. Được biết, để đòi lại quyền lợi cho chính mình ông Hoàng đã gửi đơn đến Ngân hàng Agribank, Công an TP.HCM và TAND Q. Tân Bình để nhờ can thiệp và được Tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện.

Cao Tuấn

Theo NTD