Giáo hội Phật giáo lên tiếng về việc "dâng sao giải hạn"

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức lên tiếng yêu cầu tăng ni, nhất là lãnh đạo giáo hội gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu Xuân. Việc tổ chức nghi lễ phải trang nghiêm, đúng mực, tiết kiệm, không vụ lợi, không mê tín dị đoan.

giao-hoi-phat-giao-len-tieng-ve-viec-dang-sao-giai-han

Những ngày này các cửa chùa luôn trong cảnh kín khách thập phương đến cầu an. Ảnh: TL

Tăng ni, phật tử phải thực hiện gương mẫu lễ cầu an

Theo đó, các tăng ni, nhất là lãnh đạo giáo hội cần gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu Xuân tại các chùa bằng các pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an. Việc tổ chức phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ, trục lợi.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Công văn số 033/CV-HĐTS của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố về việc tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an cho các Phật tử và nhân dân tại các chùa dịp đầu Xuân.

Công văn nêu rõ, nguyện cầu bình an, mong muốn sức khỏe, hạnh phúc, an lạc là nhu cầu của con người. Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn của nhân loại, chỗ dựa tinh thần tâm linh cho con người. Việc các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an, mong muốn đem lại bình an cho người dân là việc làm có ý nghĩa đem lại sự lạc quan trong cuộc sống.

Tuy nhiên, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng thừa nhận, trong những năm gần đây, tại một số chùa, cách tổ chức nghi lễ cầu an có sự sai lệch. Việc dâng sao giải hạn cũng được tổ chức tại nhiều ngôi chùa.


“Nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên. Phật giáo tôn trọng và đã dùng phương pháp tiện để tập hợp mọi người mà giảng về giáo lý nhân quả, hoằng dương Chính pháp,” công văn do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký nhấn mạnh.

Những ngày đầu xuân Kỷ Hợi, nhiều di tích, điểm thờ tự… liên tục ở trong tình trạng quá tải do lượng người đến làm lễ dâng sao giải hạn quá lớn. Ví dụ như, tối 12/2 (tức mùng 8 tháng Giêng), hàng ngàn người đã đổ về chùa Phúc Khánh (Hà Nội) dự lễ cúng giải hạn sao, xếp hàng dài từ sân chùa ra khu vực quanh cầu vượt Ngã Tư Sở, gây mất an toàn giao thông…

Để khắc phục những biến tướng trong việc thực hành những nghi lễ, tập tục truyền thống, lợi dụng niềm tin của người dân để trục lợi, bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho rằng, các cơ quan quản lý, nhà văn hóa… cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa thực sự, tránh sự lệch lạc khi thực hành.

Cầu an và dâng sao giải hạn hoàn toàn khác nhau

giao-hoi-phat-giao-len-tieng-ve-viec-dang-sao-giai-han

Văn bản Giáo hội Phật giáo gửi Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố.

Trên thực tế, cầu an và dâng sao giải hạn là hai hình thức có tính chất hoàn toàn khác nhau. Theo Đại đức Thích Tuệ Nhật, Phó Thư ký kiêm Phó Văn phòng, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dâng sao giải hạn là người làm lễ đọc tên tuổi, địa chỉ trên sớ và tụng kinh là tai qua nạn khỏi.

Cũng giống với dâng sao giải hạn, người làm lễ cầu an cũng đọc tên tuổi, địa chỉ trên sớ và tụng kinh trước ban Phật. Thậm chí, một số chùa còn tạo điều kiện cho người dân yên tâm bằng cách đọc sớ to và rõ ràng để người đến làm lễ nghe rõ hơn. Bên cạnh đó, các sư thầy thực hiện lễ cầu an còn khuyến khích người dân phải biết tu nhân tích đức, bỏ điều ác, làm điều lành, biết trau dồi trí tuệ, phát huy công việc của mình, sống hoà hợp với mọi người...

Từ vài năm trước, Phật giáo có mở đàn Dược Sư. Dược Sư là tên của một vị Phật, cho thuốc để nhân dân chữa bệnh. Đàn Dược Sư được mở ra với mục đích cầu một năm sức khoẻ, bình an, chữa lành bệnh tật cho mọi người qua các phương pháp của Phật Dược sư về mặt tâm linh. Đàn Dược Sư có ý nghĩa là tạo công đức, chuyển hoá tâm thức con người, sự phấn đấu nỗ lực, bỏ điều ác, làm thiện, phát triển trí tuệ công việc và sự nghiệp thì mới gặt hái được thành công. Nói dễ hiểu là có trồng nhân thì mời gặt quả.

Theo Đại đức Thích Tuệ Nhật, có những điều mà Phật giáo ảnh hưởng đến dân gian, nhưng cũng có những điều dân gian ảnh hưởng ngược trở lại Phật giáo. Trong quá trình du nhập từ Ấn Độ vào Việt Nam, Phật giáo hoà nhập với bản sắc văn hoá, tín ngưỡng, phong tục của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tâm tư nguyện vọng của người Việt Nam. Theo Phật giáo gốc, dâng sao giải hạn hoàn toàn không xuất hiện.

Ở một số chùa, đầu tiên người dân đến viết sớ cầu an và dâng sao giải hạn chung một tờ sớ. Sớ đó sẽ cầu an và vẫn có dâng sao giải hạn. Sau này, khi mọi người đã quen và hiểu, các thầy sẽ tiết chế lại trở thành lễ cầu an. Bởi lễ cầu an là nghi lễ thuộc về Phật giáo. Lễ cầu an sẽ đem lại năng lực an lành của chư Phật, của Bồ Tát, của quý thầy tu tập, của từng người để dâng lên đức Phật mong Phật bảo vệ, che chở. Khi thực hiện lễ cầu an, đồng nghĩa với việc hướng đến điều an lành, sống theo lời Phật dạy.

Theo GiaDinh