Hà Nội: Nhiều học sinh tiểu học nhập viện vì nghịch thuốc lá điện tử

8 học sinh lớp 3 trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải tới bệnh viện để kiểm tra, theo dõi do nghịch thuốc lá điện tử.

Trao đổi với VOV, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, 1 số học sinh lớp 3 của trường đã phải vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe vì có liên quan tới thuốc lá điện tử. 

Theo đó, sáng ngày 5/12, có 1 học sinh lớp 3 của trường nhặt được 1 điếu thuốc lá điện tử ở bên ngoài trường. Sau đó em này mang về nhà rửa sạch rồi mang đến lớp. Đến trưa khi ngủ bán trú, học sinh này đã mang ra để nghịch và hút thử, sau đó một số học sinh xung quanh cũng tò mò nghịch theo.

Kết quả, có 5 em có biểu hiện buồn nôn nên nhà trường đã đưa cả 8 học sinh có liên quan tới thuốc lá điện tử vào bệnh viện kiểm tra. Sau khi kiểm tra, học sinh ở lại bệnh viện để theo dõi, đến nay sức khỏe đã ổn định và trở lại học bình thường.

Sau sự việc này, nhà trường đã rút kinh nghiệm, tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử tới học sinh. Đồng thời, trường tiếp tục phối hợp với phụ huynh tuyên truyền, hướng dẫn và làm gương không cho con nghịch và mang thuốc lá điện tử hay các vật, chất không an toàn tới trường.

ha-noi-nhieu-hoc-sinh-tieu-hoc-nhap-vien-vi-nghich-thuoc-la-dien-tu

Trường Tiểu học Hoàng Liệt. (Ảnh: VietNamNet)

Chia sẻ với VietNamNet, TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục tiểu học cho hay, hiện các trường và gia đình thường chủ quan rằng thuốc lá điện tử là khái niệm hoàn toàn xa lạ với trẻ nhỏ. Vì thế, khi xảy ra các sự việc, ngay cả giáo viên cũng không chắc về triệu chứng và cách xử lý cho phù hợp.


"Thực tế, bản thân tôi biết về thực trạng này từ khá lâu và cũng đã lên tiếng cảnh báo liên tục đến các phụ huynh, học sinh và xã hội thời gian qua. Tuy nhiên, điều đáng ngại là mọi người khá thờ ơ. Điều tôi lo ngại nhất là sự lan truyền thuốc lá điện tử và các loại ma túy xuất hiện trong thuốc lá điện tử nhanh hơn quá nhiều so với khả năng phòng chống và ứng phó của xã hội.

Khi chúng ta còn thờ ơ, coi là việc của người khác thuốc lá điện tử đã tàn phá giới trẻ khá nghiêm trọng rồi. Ở cấp THCS, THPT, tỉ lệ trẻ sử dụng thuốc lá điện tử tăng nhanh đã là vấn đề, nhưng giờ đây, đã manh nha lan xuống cấp tiểu học. Đừng để khi các trào lưu xấu lan đến từng gia đình thì chúng ta mới giật mình và phản ứng".

Bà Hương lưu ý, ngoài "học chữ", việc giáo dục đạo đức, nhân cách của trẻ ở nhiều gia đình bị coi nhẹ quá mức, thậm chí không để ý. "Không được sử dụng đồ của người khác là một trong những phần kiến thức mà cha mẹ cần giáo dục con, nhưng đã không được coi trọng. 

 

Vì thế, cảnh trẻ nhặt và sử dụng đồ nguy hiểm không phải hiếm gặp. Kỹ năng sống và bảo vệ an toàn cho chính bản thân của trẻ cũng không được coi trọng giáo dục. Trẻ không có kỹ năng ứng phó với những trường hợp bị rủ rê làm việc nguy hiểm. Vì thế, từ một cháu mang thuốc lá điện tử đến trường, một loạt các cháu khác thử hút và phả khói vào mặt bạn dẫn đến ngộ độc".

Được biết, thời gian qua, tại các cơ sở y tế liên tục ghi nhận các ca ngộ độc do liên quan đến thuốc lá điện tử. Đặc biệt, các nạn nhân hầu hết là người trẻ, đa phần là học sinh. Gần đây nhất, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cũng đã điều trị cho một bệnh nhi 5 tuổi bị ngộ độc ma túy tổng hợp mới sau khi tình cờ nhặt và uống khoảng 5ml dung dịch màu vàng trong lọ thủy tinh của thuốc lá điện tử. Hiện tại, trẻ đã qua cơn nguy kịch và đang được tiếp tục theo dõi các biến chứng lâu dài.

Theo ThS.BS Trần Đăng Xoay - Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, thành phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine, là một chất gây nghiện. Chất này có thể tác động xấu đến phát triển não bộ của trẻ em, ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và sự phát triển của thai nhi.

Trẻ em không may nuốt, uống, hoặc hấp phụ lượng lớn nicotine có thể bị ngộ độc với các biểu hiện nôn ói, nhịp tim nhanh, tăng tiết nước bọt, đau bụng, da tái nhợt, vã mồ hôi, tăng huyết áp, thở nhanh, mất kiểm soát cơ thể, mất cân bằng không thể đi lại, run tay, co giật. Trường hợp nặng có thể gây nhịp tim chậm, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong.

Ngoài ra, trong thuốc lá điện tử còn chứa các chất hóa học phụ gia như methyl salicylate, glycerin, hay propylence glycol. Đây là các hóa chất có thể gây ung thư hoặc tổn thương phổi.

Trong một số tình huống ít gặp hơn, pin của thuốc lá điện tử có thể cháy nổ và gây bỏng cho người sử dụng.

Theo GiaDinh