Hà Nội: Nhiều tranh luận về ý tưởng thu phí ô-tô khi cố đi vào chỗ... tắc đường

Trong khi phía Sở GTVT Hà Nội cho rằng việc thu phí ô tô lưu thông qua điểm nóng ùn tắc sẽ hạn chế phương tiện không cần thiết đi vào khu vực trung tâm giờ cao điểm thì giới chuyên gia cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế.

Hà Nội: Nhiều tranh luận về ý tưởng thu phí ô-tô khi cố đi vào chỗ... tắc đường
Hà Nội đang lên phương án thu phí ô tô ở những điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Ảnh: PV

Sẽ thu phí khi ô tô vào một số khu vực nội đô?

Sau khi UBND TP Hà Hội chính thức phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030”, giới chuyên gia tiếp tục có những cuộc tranh luận về vấn đề này.

Cụ thể, Hà Nội sẽ yêu cầu lắp đặt thiết bị trả phí tự động trên tất cả các ô tô, mỗi chủ phương tiện phải mở tài khoản để phục vụ công tác thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay, bất cứ đô thị nào trên thế giới cũng phải có những chính sách để quản lý phương tiện giao thông cho phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng.

Hiện nay, tốc độ tăng phương tiện giao thông tại Hà Nội là rất lớn (khoảng 10%/năm), trong khi kết cấu hạ tầng đường bộ chỉ tăng 3-4%/năm, quỹ đất dành cho giao thông chưa đến 1% mỗi năm nên không tương xứng với sự phát triển phương tiện. Điều này khiến ùn tắc giao thông ngày càng tăng. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng báo động với khí thải của phương tiện giao thông chiếm đến 70%.


Từ nay tới thời điểm đó (2030), với việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải giao thông công cộng khối lượng lớn như: 8 tuyến đường sắt đô thị, các tuyến đường BRT… Hà Nội sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực nội thành.

“Theo quy hoạch, đến năm 2030 vận tải công cộng sẽ đáp ứng được 50 - 55%, đặc biệt tại khu vực nội thành mạng lưới xe buýt sẽ bao phủ, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân để tương ứng với việc giảm phương tiện giao thông cá nhân. Lúc đó TP có thể hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tổ chức dừng hoạt động của xe máy lưu thông vào nội đô”, vị lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội chia sẻ.

Được biết, thành phố sẽ không quản lý phương tiện bằng biện pháp hành chính mà chủ yếu bằng biện pháp kinh tế thông qua việc thu phí các phương tiện tham gia giao thông vào một số khu vực. Theo tính toán, việc thu phí sẽ hạn chế phương tiện không cần thiết đi vào khu vực trung tâm trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày để giảm ùn tắc giao thông, giúp cho việc vận hành ngày càng tốt hơn.

Nguy cơ thu phí tràn lan

PGS TS. Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm khoa Cầu đường, Đại học GTVT Hà Nội.

Quan tâm đến chủ trương thu phí chống ùn tắc của TP Hà Nội tại một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, PGS TS. Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm khoa Cầu đường, Đại học GTVT Hà Nội cho biết, việc thu phí xe ô tô vào nội đô trong giờ cao điểm đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

“Xe ô tô ngoại tỉnh đi vào Hà Nội hầu hết không phải là đi ngang qua nội đô, mà người ta phải vào nội đô. Nếu người ta đi ngang qua nội đô mà bị thu phí thì người ta có thể vòng đường khác, (ví dụ như đi trên đường vành đai) để không qua nội đô. Thế nhưng bây giờ thực tế là họ phải vào nội đô, vậy thu phí thì người ta đi bằng gì, người ta đi đâu? Điều này, đặt ra vấn đề là phải cho người ta một cái giải pháp thay thế”, vị này nêu.

“Những giải pháp được đưa ra trong các cuộc hội thảo về vấn đề này không có giải pháp nào là không hợp lý. Thế nhưng muốn thực hiện được những giải pháp này thì hoặc là đòi hỏi cơ sở hạ tầng, hoặc là đòi hỏi phân bố lại dân cư, hoặc là hạn chế các phương tiện.

Hai vấn đề về cơ sở hạ tầng GTVT, và phân bố lại dân cư thì không thể giải quyết trong 5 năm, 10 năm, chứ không nói 1 - 2 năm trước mắt. Dù rằng có tiền đi chăng nữa cũng không thể một lúc hình thành cả một mạng lưới giao thông hợp lý, thậm chí mỗi một tuyến metro, muốn hoạt động được cũng phải mất 10 năm. Thế thì phải có thời gian chứ không phải chỉ có tiền là đủ”, ông Toản thẳng thắn.

“Bây giờ tóm lại là cũng chỉ có những giải pháp tình thế, chứ không thể có giải pháp bài bản. Những giải pháp bài bản chúng ta nói trong hội thảo, lý thuyết nọ lý thuyết kia. Đúng, tất cả đều đúng thế nhưng đến lúc làm thì không thể làm được vì điều kiện không cho phép”, ông Toản nêu quan điểm.

Một chuyên gia khác, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT (Bộ GTVT) thì chỉ ra rằng: Để hạn chế ô tô đi vào giờ cao điểm bằng cách đánh phí chống ùn tắc cũng là một giải pháp tốt.

Nếu xe không thuộc cơ quan ở trong trung tâm mà đi vào giờ cao điểm thì phải chịu một mức phí nhất định, chẳng hạn từ 30.000 - 50.000 đồng. Như thế, nếu xe nào đi chơi, mua sắm, thăm nom... mà mục tiêu không cần thiết lắm thì cơ quan quản lý thu phí để họ thấy bất tiện, tự thay đổi giờ lưu thông, khi ấy ùn tắc sẽ giảm.

Vị này cũng lưu ý rằng, thu phí phải đúng đối tượng, không thu tràn lan. Nếu xe nào có cơ quan ở trung tâm thì không được đánh phí. Trước băn khoăn làm sao để phân biệt được xe vào trung tâm đi làm, xe nào đi chơi, mua sắm..., TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng điều này không khó, giao thông thông minh sẽ giải quyết được hết.

“Có một tỷ lệ rất cao những người có mục tiêu không cần thiết lắm nhưng vẫn đi vào giờ cao điểm. Nếu đánh phí chống ùn tắc đối với những người này thì họ sẽ thay đổi giờ lưu thông. Đó là cách làm khoa học, hợp lý và người dân nên ủng hộ. Với đối tượng có cơ quan ở trong trung tâm, họ sẽ phải đăng ký với thành phố và tất cả những thông tin cần thiết để chứng minh người đó không phải đóng phí sẽ đều có trong chiếc thẻ từ mà họ giữ”, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT nói.

Ông Thủy cho rằng, Singapore có thể áp dụng thành công phí chống ùn tắc là vì các phương tiện giao thông công cộng của họ rất thuận lợi, các tuyến đường đều có tàu điện ngầm. Trong khi đó, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng bị lạc hậu hàng chục năm về phương tiện công cộng.

“Khi giải quyết được yêu cầu về phương tiện công cộng, đảm bảo hạ tầng thì Hà Nội hãy tính đến chuyện thu phí chống ùn tắc, không thể thu tràn lan, phí chồng phí để người dân khổ. Mục tiêu cuối cùng của các giải pháp này là phục vụ người dân, lấy người dân làm trung tâm chứ không phải chống ùn tắc. Nếu chống ùn tắc bằng mọi giá thì người dân sẽ khốn đốn. Anh chống ùn tắc nhưng dòng giao thông vẫn phải hoạt động, còn nếu để chống ùn tắc mà cấm hết các phương tiện thì cấm làm gì?”, TS Thủy thẳng thắn.

Cần thu phí thí điểm

Chuyên gia kinh tế La Văn Thái chia sẻ: “Hà Nội cần phải tính toán thật kỹ, nếu thu phí thì khi phương tiện lưu thông qua chắc chắn phải cân nhắc, tính toán sao cho hợp lý, hạn chế được phần nào việc đi lại không cần thiết.

Trước khi thực hiện việc thu phí này, cần phải thí điểm thu phí ở một số điểm để khảo sát xem tính khả thi hiệu quả như thế nào mới có thể áp dụng rộng rãi ra các điểm khác được.

Việc thu phí ô tô sẽ gặp rất nhiều phản ứng từ phía người dân, vì vậy Hà Nội cần phải công khai rộng rãi phương án thu phí như thế nào? Thu phí tự động qua điện thoại, hay theo vé tháng... để người dân nắm bắt được”.

Theo giadinh