Hành trình giành sự sống của bệnh nhân được bảo hiểm chi trả... hơn 38 tỷ

11 năm lấy bệnh viện là nhà, nhiều lúc anh Nghiêm tuyệt vọng và muốn chết. Tuy nhiên, tình yêu thương của mẹ cùng với sự quan tâm, hết lòng của các bác sĩ, điều dưỡng đã neo lại cho anh sự sống, niềm hy vọng tốt đẹp về ngày mai.

Chiều 13/4, Khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy nhộn nhịp khác thường bởi sự xuất hiện của nhiều phóng viên báo, đài, y bác sĩ đến thăm và chúc mừng bệnh nhân đặc biệt - anh Nguyễn Hữu Nghiêm, 37 tuổi (ngụ ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long). 

Hữu Nghiêm là bệnh nhân mắc bệnh chảy máu di truyền (Hemophilia), có thời gian nằm viện dài nhất (11 năm), để lại 65 hồ sơ bệnh án với 65 lần nhập viện, số lần phẫu thuật nhiều nhất (26 lần), chi phí điều trị lớn nhất (40,8 tỉ đồng) và cũng là bệnh nhân được quỹ bảo hiểm y tế chi trả với số tiền lớn nhất từ trước đến nay (38,3 tỉ đồng).

Đây là niềm vui to lớn đến mức vỡ òa không chỉ của riêng anh Nghiêm mà còn là của mẹ anh, người thân, các y bác sĩ, điều dưỡng đã từng điều trị cho bệnh nhân đặc biệt này.

Bệnh nhân nhiều lần muốn chết

Bất kỳ ai lần đầu gặp và tiếp xúc với Hữu Nghiêm đều ấn tượng. Anh có khuôn mặt sáng sủa cùng nụ cười tươi, hàm răng trắng đều. Tuy vậy, Nghiêm lại mắc căn bệnh chảy máu di truyền -  Hemophilia (thiếu yếu tố VIII trong máu) khiến cho máu của anh khó đông, nguy cơ chảy máu không cầm được.

hanh-trinh-gianh-su-song-cua-benh-nhan-duoc-bao-hiem-chi-tra-hon-38-ty

Anh Phan Hữu Nghiêm được chi trả tổng số tiền bảo hiểm y tế lên tới 38,3 tỷ đồng. Ảnh: Kim Vân


Nghiêm cho hay, từ hồi nhỏ anh đã biết mình mắc bệnh máu khó đông nhưng do gia đình ở quê lại khó khăn nên không có điều kiện chữa trị.

Hồi nhỏ, mỗi lần va chạm hay bị ngã, cơ thể anh lại bị bầm tím hoặc mỗi khi đứt tay, chảy máu đều không sao cầm nổi. Tuy nhiên, anh vẫn sống chung được với căn bệnh này.

Năm 19 tuổi, trong một lần chèo xuồng tắm sông bị lật, bụng anh Nghiêm bị đập vô xuồng, anh bị đau và chảy máu. Sau đó, anh Nghiêm thấy máu tụ lại ở bụng và ngày càng to, sưng lên, chân tay anh bị yếu đi.

Đến năm 2010 (lúc này Nghiêm 26 tuổi), thấy bụng mình bị phồng to, vết thương bị nhiễm trùng, anh Nghiêm đã từ Vĩnh Long lên Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám. Tại đây, các bác sĩ đã chỉ định Nghiêm phải nhập viện ngay. "Các bác sĩ thăm khám cho tôi đều sốc, họ bảo mổ sẽ chết, để vậy tôi sẽ sống lâu hơn", anh Nghiêm nhớ lại.

hanh-trinh-gianh-su-song-cua-benh-nhan-duoc-bao-hiem-chi-tra-hon-38-ty

Hồ sơ bệnh án của Phan Hữu Nghiêm lên tới con số 65. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nghe bác sĩ nói vậy, chàng thanh niên trẻ rất buồn nhưng lúc đó trong anh khát khao sự sống. Anh đã lựa chọn làm bạn với bệnh viện để điều trị bệnh.

"Trước khi bước chân vô Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi có nhiều dự định muốn làm lắm và nghĩ vô tư rằng "hết bệnh mình sẽ về nhà", trở về với ngày xưa, thực hiện những việc làm dang dở. Việc phải mang cục khối u, máu bầm lớn này trong người khiến tôi rất khó chịu, ngày nào tôi cũng suy nghĩ và mong mổ lấy được nó ra. Mặc dù các bác sĩ bảo mổ ra sẽ chết, khổ thêm nữa nhưng tôi vẫn cứ nuôi hy vọng tôi được mổ, bệnh của tôi sẽ lành".

Tuy nhiên, quá trình điều trị của Nghiêm trải qua rất nhiều khó khăn, khối máu tụ bên hông của Nghiêm ngày càng lớn. Lúc đó chân của Nghiêm bị liệt hoàn toàn, anh phải nằm một chỗ.

Các bác sĩ không dám phẫu thuật bởi sẽ khó lòng mà cầm máu được nên quyết định xạ trị. Sau xạ trị, khối u của Nghiêm đã nhỏ lại, các mô đã co nhưng khi về nhà bệnh nhân di chuyển nên máu tụ càng to hơn.

hanh-trinh-gianh-su-song-cua-benh-nhan-duoc-bao-hiem-chi-tra-hon-38-ty

Năm 2014, khối máu tụ bên hông của Nghiêm giống như lỗ than tổ ong. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Cuối năm 2013, đầu năm 2014, khối máu bầm tụ bên hông của Nghiêm tự nhiên xì ra mười mấy lỗ, giống như lỗ than tổ ong, có mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến các bệnh nhân cùng phòng.

Chưa kể, nhiều lần Nghiêm nằm ngủ một giấc trên băng ca dậy thì máu tuôn chảy xuống đất, phải gọi bác sĩ cấp cứu, "gọi hoài, gọi đến nhàm". Lúc đó Nghiêm kiệt sức và tuyệt vọng, không thiết tha sống, nhiều lần nói muốn chết để giải thoát.

"Nhiều lúc con tôi muốn chết, nó bảo sẽ từ bỏ điều trị và hỏi "làm sao con chết được mẹ ơi". Tôi phải bảo "bác sĩ chưa có bỏ, chưa có chạy mà sao con bỏ, chạy được. Con phải làm sao cho con chết sau mẹ. Chứ con mà chết trước mẹ thì ai lo cho mẹ", bà Trần Thị Mai (67 tuổi, mẹ của Nghiêm) mắt đỏ hoe kể lại.

hanh-trinh-gianh-su-song-cua-benh-nhan-duoc-bao-hiem-chi-tra-hon-38-ty

Nhiều lần Nghiêm than: "Con muốn chết mẹ ơi. Làm sao con chết được mẹ ơi", tôi phải bảo "Trời ơi, muốn chết đâu có dễ. Khó lắm", bà Mai - mẹ của Nghiêm kể lại. Ảnh: Kim Vân

Con trai được xuất viện, mẹ mừng đến mức không ăn nổi cơm

TS.BS Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện Chợ Rẫy là "người đã sinh ra Nghiêm lần thứ hai" (lời mẹ Nghiêm - PV), cho biết lần đầu tiên ông gặp và tiếp xúc với Nghiêm là vào năm 2014. Mặc dù thường xuyên tiếp xúc với các ca bệnh nặng, đến Nghiêm, ông vẫn sốc. Khối u của Nghiêm tụ máu như lỗ than tổ ong cộng với có mùi hôi thối nên các phẫu thuật viên bệnh viện ban đầu không dám phẫu thuật, chưa kể máu bệnh nhân chảy liên tục, không cầm được.

Tháng 5/2014, sau nhiều ngày cân nhắc bởi "mổ thì rất khó, không mổ bệnh nhân sẽ chết", các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định mổ khẩn cấp cho Nghiêm. Sau 3 giờ, các bác sĩ đã lấy ra được 2,5kg máu tụ, mô mủn nát, để lại một "hố" sâu, rộng ngay bên hông bệnh nhân.

hanh-trinh-gianh-su-song-cua-benh-nhan-duoc-bao-hiem-chi-tra-hon-38-ty

TS.BS Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy chúc mừng anh Nghiêm lành bệnh. Ảnh: Kim Vân

Từ đó đến nay, 7 năm trôi qua, Nghiêm sống hoàn toàn trong bệnh viện, anh chỉ được về nhà vào mấy ngày Tết khi mang theo thuốc để tiêm. Anh đã trải qua 26 cuộc phẫu thuật, hơn chục lần hội chẩn với sự kết hợp của 3 khoa, bao gồm Khoa Huyết học, Chấn thương Chỉnh hình và  Phỏng - Phẫu thuật tạo hình mới giữ được tính mạng. Các bác sĩ đã tìm tòi các phương pháp, liên hệ tìm các loại thuốc hiếm, thuốc khó, vận động chi phí chữa trị để giành lại sự sống cho Nghiêm.

Đến nay lỗ khuyết hổng bên hông của Hữu Nghiêm đã liền mô, sức khỏe bình phục tốt, các bác sĩ quyết định cho bệnh nhân xuất viện.

Được biết, do đã loại bỏ các phần xương viêm, hoại tử nên giờ Nghiêm không thể đi lại, chỉ nằm hoặc ngồi xe lăn và mỗi lần lên xuống giường cần phải có người hỗ trợ. Các bác sỹ điều trị cho biết bệnh Hemophilia không thể chữa dứt điểm, do đó Nghiêm phải duy trì điều trị thuốc.

Biết tin con trai được xuất viện, bà Trần Thị Mai rất vui mừng bởi sau cả quá trình nằm dài dằng dặc ở bệnh viện, Nghiêm đã được trở về nhà với ba và anh trai.

"Từ khi vào viện cùng con đến giờ, tôi chỉ được nghe câu: "Mẹ Hữu Nghiêm ơi, hôm nay hồ sơ đầy lắm rồi nhen, đổi hồ sơ nhé" (đổi hồ sơ là nhận giấy ra viện rồi lại vào khoa nhập lại - PV). Nay lần đầu tiên Nghiêm chính thức được ra viện, con lành bệnh, tôi mừng mà không ăn nổi cơm", bà Mai vừa nói vừa khóc.

hanh-trinh-gianh-su-song-cua-benh-nhan-duoc-bao-hiem-chi-tra-hon-38-ty

Bà Mai cho hay, biết tin con trai chính thức được xuất viện, bà mừng đến mức "không ăn nổi cơm". Ảnh: Kim Vân

Cũng theo bà Mai, mẹ con bà rất biết ơn các bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viên Chợ Rẫy. Bởi lẽ, họ rất thương bệnh nhân, cho mẹ con bà nằm hết năm này qua năm khác.

"Con tôi nằm đến 3 khoa, Khoa Huyết học 8 năm, bên Chấn thương Chỉnh hình 5 tháng và khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình 3 năm. Ở khoa nào, mẹ con tôi cũng được các bác sĩ và điều dưỡng thương.

Mẹ con tôi về nhà sẽ rất nhớ các điều dưỡng trong này bởi họ vô cùng nhẹ nhàng với bệnh nhân. Nhiều khi bệnh nhân muốn chết mà nhờ điều dưỡng động viên mà họ từ bỏ ý nghĩ đó".

Chung niềm vui và tâm trạng với mẹ, anh Nghiêm cười tươi cho hay: "Nay tôi chính thức được xuất viện về nhà, tâm lý tôi rất là vui. Những lần trước dù được về nhà nhưng cũng như nằm viện, cứ phải đem thuốc về chích, thời gian ở quê cùng gia đình chỉ tính bằng ngày rồi phải trở lại bệnh viện.

Lần này vết thương lành rồi. Tôi biết ơn đội ngũ y bác sỹ, điều dưỡng rất nhiều bởi họ đã điều trị cho tôi, luôn động viên tôi "ráng lên". Tôi cũng thật sự cảm kích trước tấm lòng của các nhà hảo tâm và chính sách bảo hiểm y tế tuyệt vời của nhà nước đã giúp tôi giành lại sự sống".

Kim Vân

Theo GiaDinh