Hiểm họa từ các loại gia vị không rõ nguồn gốc, sử dụng phụ gia tạo màu thường ngày

Gia vị chính là thứ không thể thiếu trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên hiện nay trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại gia vị không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tịch thu nhiều loại gia vị không rõ nguồn gốc, xuất xứ 

Thời gian qua lực lượng quản lý thị trường tại một số tỉnh đã phát hiện và thu giữ lượng lớn các loại gia vị không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.

Điển hình là vụ Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quyên Quang đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tiêu hủy 198 kg thực phẩm, gia vị không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ hợp lệ gồm: 125 kg đỗ xanh, 40 kg cốm ăn đã qua sơ chế, 21 kg bột ngọt, 10 kg váng đậu và 2 kg bột ớt tại ki ốt số 31 và ki ốt 34 thuộc chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang) do bà Lê Thị Nguyệt và bà Lê Thị Tưởng làm chủ.

Thời điểm kiểm tra chủ ki ốt không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, lực lượng chức năng đã lập biên bản tịch thu số hàng hóa trên.

hiem-hoa-tu-cac-loai-gia-vi-khong-ro-nguon-goc-su-dung-phu-gia-tao-mau-thuong-ngay

 Gia vị là sản phẩm không thể thiếu trong mâm cơm nhưng hiện nhiều loại không rõ nguồn gốc, sử dụng phụ gia thực phẩm không đảm bảo gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dùng. Ảnh minh họa


Tương tự, tại xưởng sản xuất của công ty TNHH công nghệ Sky Foods, số 181/12 Nguyễn Trường Tộ, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, đội Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu cũng đã phối hợp với công an phường kiểm tra, phát hiện tại đây đang sản xuất các loại nước chấm, tương ớt và gia vị không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, tổ công tác còn phát hiện tại cơ sở này còn sử dụng chất phụ gia tạo màu đã hết hạn sử dụng buộc phải niêm phong 17 thùng loại 200 lít và 17 thùng loại 20 lít sản phẩm ớt xay và 1 số chai phụ gia tạo màu công nghiệp đã hết hạn sử dụng để tiếp tục điều tra, xử lý.

Tác hại của các loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc

Liên quan tới các chất phụ gia thực phẩm tạo màu cho vào các loại gia vị nói riêng và các loại thực phẩm nói chung, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, thực tế cho thấy dù là loại gia vị thông dụng từ gian bếp gia đình đến quán ăn, rất nhiều người lại không ý thức về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi sử dụng các loại gia vị trôi nổi, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ đang được bày bán trên thị trường.   

Theo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, qua giám sát các vụ ngộ độc thực phẩm có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân do vi sinh vật chiếm hơn 33%, nguyên nhân do độc tố 25,2%, hóa chất 10,4% và 31% không rõ nguyên nhân.

Đáng lo ngại là việc sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép đang trở thành một vấn đề không nhỏ đặt ra trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn.

Phụ gia là chất được bổ sung vào thực phẩm trong quá trình bảo quản hoặc dùng trong chế biến thức ăn để món ăn ngon miệng, hấp dẫn hơn. Hiện có đến hàng trăm loại phụ gia thực phẩm khác nhau. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Việt Nam hiện đang cho phép sử dụng 23 nhóm phụ gia thực phẩm, bao gồm 337 chất.

Đề cập tới vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, đối với phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, trên bao bì bao giờ cũng ghi rõ tên hóa chất, thành phần hóa học, tính năng kỹ thuật và tính chất vật lý (dạng lỏng hay rắn...), liều lượng, cách dùng (vào lúc nóng hay nguội...), tính độc với con người, độc với nồng độ bao nhiêu.

Nếu sử dụng các phụ gia này đúng loại, đúng liều lượng sẽ có rất nhiều tác dụng tích cực, tạo được nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng.

Mặt khác, phụ gia cũng giúp giữ được chất lượng của thực phẩm cho tới khi sử dụng, tạo sự dễ dàng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và làm tăng giá trị thương phẩm hấp dẫn trên thị trường. Trái lại, nếu sử dụng các phụ gia này không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây những tác hại cho sức khỏe.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, trong Thông tư 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các tổ chức, cá nhân chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc sử dụng này không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người...

Các trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và các văn bản khác có liên quan, trong đó tăng nặng mức xử phạt nhằm tạo sự răn đe.

Thông tư quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế

Liên quan tới các chất phụ gia thực phẩm, trước đó vào ngày 16/9/2019, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm. Thông tư này quy định về danh mục phụ gia thực phẩm; sử dụng, quản lý phụ gia thực phẩm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó ban hành danh mục gồm 400 loại phụ gia được sử dụng trong thực phẩm và mức sử dụng tối đa đối với từng loại.

Trong đó, đồ uống từ sữa dạng lỏng có hương vị được sử dụng tối đa 105mg curcumin/kg, đối với viên súp và nước thịt thì mức tối đa là 50mg/kg; Erythrosin được sử dụng tối đa 200mg/kg quả ướp đường, mức sử dụng tối đa chất này đối với rau củ quả lên men và sản phẩm rong biển lên men là 30mg/kg,….

Việc xác định mức sử dụng tối đa phụ gia thực phẩm theo Thực hành sản xuất tốt (GMP) phải thực hiện theo các nguyên tắc: Hạn chế tối đa lượng phụ gia thực phẩm sử dụng để đạt được hiệu quả mong muốn; Lượng phụ gia sử dụng trong quá trình sản xuất không làm thay đổi bản chất của thực phẩm hoặc công nghệ sản xuất thực phẩm; Phụ gia được sử dụng phải bảo đảm chất lượng, an toàn dùng cho thực phẩm và có thể chế biến, vận chuyển như nguyên liệu thực phẩm.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm trong thực phẩm phải bảo đảm: Phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm; Không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; Hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn.

So với Thông tư cũ (Thông tư số 27/2012/TT-BYT) ban hành từ năm 2012 thì Thông tư mới cũng siết chặt quy định đối với việc san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại và phối trộn phụ gia thực phẩm.

Trong đó, Bộ Y tế quy định: chỉ được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phụ gia thực phẩm trong trường hợp đã được tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về sản phẩm đồng ý bằng văn bản; việc san chia, đóng gói lại này phải không được gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người…

Theo VietQ