Hoả tốc: Tạm dừng xuất khẩu 37 thuốc phòng COVID-19

Danh sách các thuốc phải tạm dừng xuất khẩu gồm 37 loại, trong đó có những thuốc như andrenalin, morphin, Ivermectin (3mg,6mg - thuốc trị giun), paracetamol (thuốc giảm đau, hạ sốt)...
 
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản hỏa tốc, gửi các đơn vị sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc về việc tạm dừng xuất khẩu thuốc phòng, chống COVID-19.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 trong đó yêu cầu:

"Các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế và các phương án phòng, chống dịch bệnh, kể cả việc huy động cơ sở vật chất của các tổ chức, doanh nghiệp, đảm bảo sẵn sàng ứng phó dịch bệnh trên diện rộng" và Văn bản số 153/TB-VPCP ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực chính phủ về phòng, chống COVID-19 trong đó giao Bộ Y tế:"Trước mắt, tạm dừng xuất khẩu các loại thuốc sử dụng trong điều trị COVID-19".

hoa-toc-tam-dung-xuat-khau-37-thuoc-phong-covid-19

Ảnh minh hoạ

Để đảm bảo nguồn cung, có dự trữ thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân, Cục Quản lý Dược yêu cầu các đơn vị sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc tạm dừng việc xuất khuẩ thuốc theo Danh mục thuốc sử dụng trong điều trị COVID-19 từ ngày 16/4/2020 đến khi có thông báo mới của Cục Quản lý Dược.

Danh sách này gồm có 37 loại, trong đó có những thuốc như andrenalin, morphin, Ivermectin (3mg,6mg - thuốc trị giun), paracetamol (thuốc giảm đau, hạ sốt)...

Danh mục thuốc sử dụng trong điều trị COVID-19 được xây dựng trên cơ sở Quyết định số 941/QĐ-BYT ngày 17/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Danh mục trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu của 01 khu vực điều trị cách ly người bệnh COVID-19 và Quyết định số 1344/QQĐ-BYT ngày 25/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19).

T.Nguyên


Theo GiaDinh

--------

Xem thêm:

Bộ Y tế khuyến cáo không dự trữ thuốc giun Ivermectin phòng COVID-19

Thuốc trị giun Ivermectin đang trong quá trình thử nghiệm điều trị COVID-19 và chưa được Bộ Y tế hướng dẫn chính thức, người dân không nên tự ý sử dụng.

Ngoài thuốc giun này, Bộ Y tế cho biết, một số thuốc như thuốc ARV (điều trị HIV), Cloroquin/Hydrocloroquin (điều trị sốt rét) cũng đang trong quá trình thử nghiệm, chưa có hướng dẫn chính thức.

Khuyến cáo được Cục quản lý dược, Bộ Y tế phát đi hôm qua sau khi ghi nhận thời gian qua có hiện tượng người dân tự ý tìm mua các thuốc này để tích trữ, tự sử dụng điều trị dự phòng COVID-19.

Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết việc này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân do tác dụng không mong muốn của thuốc và gây xáo trộn tình hình cung ứng thuốc trong nước.

Thuốc trị giun Ivermectin đang trong quá trình thử nghiệm điều trị COVID-19, chưa được Bộ Y tế hướng dẫn chính thức. Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, còn có hiện tượng lợi dụng dịch COVID-19 để tăng giá một số thuốc điều trị tăng huyết áp, tiểu đường, hạ sốt, giảm đau... tại các cơ sở bán lẻ thuốc.

Để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong phòng chống dịch, ổn định thị trường thuốc trong nước, Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ sở bán lẻ thuốc hiện bán và tư vấn sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc tại đơn thuốc hoặc theo chỉ định đã được Bộ Y tế phê duyệt tại Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo. Không được bán thuốc theo chỉ định chưa được Bộ Y tế phê duyệt.

Người dân không nên tự ý mua thuốc để dự trữ, tự điều trị tại nhà theo các thông tin chưa có hướng dẫn chính thức từ Bộ Y tế. Khi có các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở... phải khai báo y tế điện tử và liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn.

Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp. Các quốc gia trên thế giới và Việt Nam đang đẩy nhanh việc nghiên cứu để tìm ra thuốc mới và các phương pháp điều trị đặc hiệu với bệnh này.

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, COVID-19 chưa có thuốc đặc trị, trên thế giới cũng chưa có phác đồ điều trị chuẩn. Hiện có nhiều nước áp dụng các phác đồ khác nhau, được chấp thuận điều trị bệnh này nhưng tỷ lệ tử vong của các nước chưa có chiều hướng giảm xuống, bệnh nhân nặng vẫn còn.

V.Thu

Theo Gia đình

----

Xem thêm:

+TIN VUI: Hai bệnh nhân tỉnh Quảng Ninh mắc COVID-19 đã 3 lần âm tính trở lại

+Vì sao vaccine phòng lao được đưa vào thử nghiệm chống Covid-19?

+Tỉnh đầu tiên cho học sinh trở lại trường sau cách ly xã hội

-----