Hoảng với kiểu vay "bốc bát họ" lãi suất... 180%/năm

Từ ngã tư đường, cổng trường học, thậm chí là bảng tin của khu phố cũng có thể trở thành nơi quảng cáo “hỗ trợ tài chính”. Thế nhưng chỉ cần một cuộc gọi, bộ mặt tín dụng đen theo kiểu “bốc bát họ” sẽ hiện nguyên hình…

Hoảng với kiểu vay

Một “chủ họ” có địa chỉ tại đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) phổ biến luật cho người vay. Ảnh: PV

Lãi suất là 180%/năm

“Bốc bát họ” không phải là một khái niệm mới. Nó đơn giản là hình thức cho vay lãi trả dần theo ngày. “Chủ họ” thường là dân “anh chị” trong xã hội, thu gom nhiều đàn em là những đối tượng không nghề nghiệp, có tiền án, tiền sự, dám làm liều để khi cần “thu họ” sẽ nhập cuộc tham gia. Mặt khác để hợp thức hóa hoạt động cho vay theo kiểu dạng tín chấp cũng như nhằm “né” lực lượng chức năng, nhiều người còn thuê cửa hàng, mở tiệm cầm đồ có địa chỉ cố định.

Lợi thế của “bốc bát họ” là thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, không cần thế chấp giấy tờ hay tài sản nhưng đổi lại là lãi suất rất cao, “cắt phế” ngay trên số tiền vay. Theo quy định ngầm, vay một “bát họ” 20 triệu thì người vay chỉ thực nhận 16 triệu, 4 triệu tiền lãi đã được “cắt nóng”. Trong 50 ngày tiếp theo, mỗi ngày người vay phải trả đủ 400 nghìn đồng để hoàn trả đủ 20 triệu ban đầu. Trung bình, lãi suất là 180%/năm. Tỉ lệ này có thể giao động tùy thuộc mối quan hệ con nợ - chủ nợ cũng như tính cấp bách của khoản tiền vay…

Lãi suất “cắt cổ” như vậy, nhưng sở dĩ vẫn rất nhiều người tìm đến dịch vụ “bốc bát họ” bởi tính cơ động. Đây chính là “phao cứu sinh” cho rất nhiều trường hợp cần kíp: Sinh viên cần tiền đóng học, chơi game, dân chơi thiếu tiền đi “bay” thậm chí là cả những cô gái trẻ cần tiền gấp tút tát nhan sắc trước khi quyết định bước chân vào chốn “lầu son gác tía”...

Theo khảo sát của chúng tôi tại Hà Nội, từ ngã tư đường, cổng trường học, thậm chí là bảng tin của khu phố cũng có thể trở thành nơi quảng cáo cho hình thức “bốc bát họ” dưới cái mác mĩ miều: “hỗ trợ tài chính”. Nhưng chỉ cần một cuộc gọi, bộ mặt tín dụng đen theo kiểu “bốc bát họ” sẽ hiện nguyên hình.


Chúng tôi gọi ngẫu nhiên 10 số điện thoại nhận “hỗ trợ tài chính” thì có tới 7 cuộc gọi kết nối đến những “chủ họ”. Tất cả các cuộc gọi đều cùng chung một kịch bản: “Chủ họ” sẽ yêu cầu khách hàng bắt buộc phải có sổ hộ khẩu chính chủ Hà Nội và trình ra được giấy tờ tùy thân như CMND, thẻ sinh viên hoặc bằng lái xe. Sau đó sẽ là thủ tục dò la về người thân và nghề nghiệp hiện tại.

Sau khi chốt số tiền vay và lãi suất (thường lên tới 20%/tháng), chủ họ cho người về tận địa chỉ mà khách khai báo để xác minh thông tin. Chỉ khi tất cả đã chắc chắn, tiền mới được xuất và con nợ chính thức bước vào những ngày tháng oằn mình trả lãi.

“Vào hang cọp”…

Trò chuyện với chúng tôi, N.V.H (22 tuổi, sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội) cho biết, cậu từng tham gia hình thức vay tiền nóng theo kiểu “bốc bát họ” và phải nếm trải những tháng ngày sống không bằng chết, tột cùng kinh hãi do không đủ khả năng trả lãi đều đặn.

Phải mất nhiều thuyết phục, H mới đồng ý dẫn chúng tôi tìm đến những địa chỉ cho vay họ với mục đích khắc họa lại sự thật kinh hoàng bên trong những hang ổ “hỗ trợ tài chính” trá hình.

Theo H, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những cuộc thỏa thuận ngầm của giới bốc họ. Không hề đơn giản như lầm tưởng, vài chục phút trao đổi nhưng để vay tiền có khi phải mang cả nhà cửa, cha mẹ, thậm chí con cái ra làm tin.

Địa điểm đầu tiên trong hành trình “vào hang cọp” của chúng tôi nằm tại trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội), phía bên ngoài có treo tấm biển công ty hoành tráng nhưng khi vào bên trong chỉ có duy nhất một bộ ghế sofa và bàn máy tính.

Một nam nhân viên ngồi lọt thỏm giữa chiếc ghế rộng, vắt cả chân lên bàn, tay nhoay nhoáy lia chuột nhưng miệng vẫn còn ngáp ngủ. Khi biết mục đích chúng tôi tìm tới, người này xác nhận ở đây có cho vay tiền “bát họ”. Tùy theo nhu cầu, có “bát họ” giá 5 triệu đồng, có “bát” 10 triệu đồng rồi 50 triệu đồng. Người này phổ biến luật: “Cậu vay 10 triệu rồi lấy về 8 triệu. Cậu đóng trong 50 ngày, mỗi ngày 200 ngàn. Ngày nào cậu cũng phải đến đây trả hoặc chuyển khoản”.

Khi được hỏi về điều kiện, người này nói cần có sổ hộ khẩu bản gốc hoặc photo nhưng nếu không có chỉ cần CMND bản gốc là được. “Cậu cứ để CMND ở đây, sau đó tôi sẽ cho người qua nhà cậu kiểm tra xem có đúng nhà cậu ở đấy không là được”, nam nhân viên cho biết.

Tại một địa chỉ khác trên đường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), dù không có bất cứ biển hiệu quảng cáo hay thông tin nào bên ngoài, cơ sở này vẫn được coi là “địa chỉ tin cậy” để dân bốc họ tìm tới. Phía bên trong, chỉ có một bàn giao dịch đơn giản, đám thanh niên cởi trần nửa nằm nửa ngồi, kẻ rít thuốc lào, kẻ dán mắt vào điện thoại.

Khi chúng tôi đặt vấn đề vay tiền, một người trong số đó đứng ra trao đổi, hỏi luôn: “Em làm nghề gì? Thu nhập bao nhiêu? Bên anh là cho vay kiểu “bốc họ” đấy. Em vay 20 triệu đồng thì mỗi ngày phải trả 400.000 đồng”.

Khi được hỏi về giấy tờ, H lặp lại câu chuyện chỉ có CMND, người này nói: “Cứ về bảo bố mẹ cho mượn hộ khẩu photo, chứ bên anh có lấy bản gốc đâu mà sợ”. H tiếp tục kể khó, bất chợt một giọng nói nhừa nhựa cất lên từ đám đông, ra lệnh: “Kiểm tra số điện thoại là được”.

Hiểu ý, thanh niên ngồi trước mặt H gợi mở: “Giờ em viết tên tuổi và số điện thoại của bố mẹ em ra đây. Rồi bật loa ngoài, gọi điện lần lượt cho bố mẹ. Nói chuyện gì cũng được để bọn anh nghe. Nếu đúng thì bọn anh sẽ xem xét...”.

Trên đường về, H kể cho chúng tôi nghe những ký ức kinh hoàng sau một lần nhắm mắt “bốc họ” hòng phục vụ nhu cầu “cày” game online. Cầm về được 16 triệu đồng, chỉ tiêu trong thoáng chốc, chuỗi ngày dài phía sau H là những bi kịch khiếp hãi.

H liên tục bị chủ nợ gọi điện, nhắn tin thúc giục. Sau này là tăng dần theo cấp độ, từ những lời hỏi thăm, đến liên tục bị khủng bố bằng các lời dọa nạt chặt chân, chặt tay hay giết cả họ nếu không đem tiền tới trả. “Suốt mấy tháng liền em sống trong cảnh khổ sở, không dám ra đường vì sợ bị chủ họ tóm được sẽ xử mình. Dính vào món này, em thực không còn tâm trí để làm bất cứ việc gì. Mỗi ngày thức dậy, đầu em chỉ đúng 1 suy nghĩ là sẽ làm gì, vay đâu cho đủ 400.000 đồng đóng họ. Sau đó em phải quyết định cầu cứu với bố mẹ...”, H kể và tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ quay lại với trò chơi tài chính mang tên “bốc bát họ”.

Ngày 25/10 vừa qua, Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố 5 bị can để điều tra về hành vi cho vay lãi theo hình thức “bốc bát họ”. Theo đó, các đối tượng điều hành 6 tụ điểm cho vay theo hình thức bốc họ với lãi suất lên đến 30%/tháng hoặc từ 180%/năm trở lên. Trong vòng 2 tháng, nhóm trên đã thu lợi bất chính số tiền hơn 400 triệu đồng.

Công an xác định, khi người vay chậm trả tiền hoặc không có khả năng trả, nhóm đối tượng trên tính lãi và gốc theo ngày, đến tận nhà đe dọa, chửi bới, thậm chí ném chất bẩn vào nhà người vay, gây mất an ninh trật tự. Ngay tại Hà Nội từng xảy ra nhiều vụ án liên quan đến “bốc bát họ” mà xôn xao nhất là vụ dùng súng bắn chết người vì “bùng họ” ở khu vực Trung tâm thương mại Parkson quận Đống Đa.

Theo GiaDinh