Hôn mê, nguy kịch vì nhậu nhẹt tất niên

Càng gần Tết Nguyên đán, số ca nhập viện vì ngộ độc rượu càng tăng dù đã có nhiều cảnh báo.

Đáng lưu ý, không ít bệnh nhân trẻ tuổi cũng hôn mê, nguy kịch chỉ vì nguyên nhân này.

Nhập viện sau liên hoan cuối năm

hon-me-nguy-kich-vi-nhau-nhet-tat-nien

Một ca ngộ độc rượu đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Chỉ trong 2 tuần gần đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng chục trường hợp cấp cứu do ngộc độc rượu. Đa số đều để lại di chứng nặng nề, nhiều trường hợp tiên lượng xấu.

Bệnh nhân N.T.H. (25 tuổi, trú Tuyên Quang) được chuyển từ tuyến dưới lên cấp cứu khi đã hôn mê sâu, với chỉ số đường huyết giảm rất sâu, chỉ còn 0,7mmol/l, trong khi với người bình thường, chỉ số này phải trên 4mmol/l.

Bệnh nhân được chẩn đoán hôn mê do ngộ độc rượu và hiện vẫn đang phải thở máy. Theo gia đình bệnh nhân, trước đó, H. tham gia liên hoan với bạn bè và trở về nhà vào đêm khuya.


Cũng tại đây, ông P.T.K. (trú Hà Nội) hôn mê và đang phải thở máy vì nguyên nhân ngộ độc rượu. Năm nay 62 tuổi nhưng có đến 40 năm ông K. ngày nào cũng “mềm môi” với rượu. Hệ lụy từ rượu còn khiến ông K. gánh nhiều bệnh lý khác như xơ gan, tiểu đường, gout…

Còn tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh nhân L.P.G. (59 tuổi, TP.HCM) vừa nhập viện do ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) với nồng độ methanol trong máu cao gấp 20 lần ngưỡng gây ngộ độc.

Ông G. nhập viện trong tình trạng rối loạn tri giác, suy hô hấp phải thở máy. Các bác sĩ tiến hành lọc máu liên tục, chạy thận, điều trị nội khoa tích cực theo phác đồ.

Dù đã qua cơn nguy kịch nhưng di chứng hiện hữu khi mắt ông G. không nhìn được với nguy cơ cao mù lòa. Trước đó, ông G. đã uống một chai rượu trắng không rõ nguồn gốc.

Theo BS. Nguyễn Mạnh Chiến, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng ngộ độc vì sử dụng rượu có chứa cồn công nghiệp ngày càng nhiều.

Triệu chứng ngộ độc rượu thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, mà hầu hết bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch sau đó. Nếu không được nhập viện điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Có những trường hợp nặng, dù may mắn được cứu sống nhưng có thể đối mặt với di chứng về thần kinh, thị giác và chi phí điều trị rất tốn kém.

Không chỉ ngộ độc rượu có chứa cồn công nghiệp, BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, ngay cả rượu truyền thống ethanol, nếu như lạm dụng vẫn gây ra ngộ độc, tử vong.

Bởi, thành phần ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp sẽ gây tổn thương lan tỏa ở cả 2 bên não. Nếu tình trạng này không được xử lý kịp thời, tổn thương não sẽ lan rộng hơn gây co giật, hôn mê, tử vong.

Viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa cũng vì rượu

BS. Nguyễn Trung Nguyên cho hay, thời gian gần đây, ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận cấp cứu các ca liên quan tới rượu. Không chỉ riêng trung tâm mà các khoa của Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân gặp các bệnh lý liên quan tới rượu như xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, hoại tử chỏm xương đùi, viêm tụy cấp…

Điển hình là trường hợp anh N.V.T. (37 tuổi, trú Hà Nam), nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng bụng trên, bên trái. Anh T. cho biết, có thói quen ngày nào cũng uống vài li rượu. Cách lúc nhập viện 3 ngày, sau một cuộc nhậu tất niên, anh T. đau bụng nhiều, kèm nôn ói, bụng chướng dần. Tại bệnh viện, kết quả chẩn đoán hình ảnh gợi ý có viêm tụy hoại tử nặng, các xét nghiệm cho thấy có tổn thương thận cấp và nhiễm khuẩn máu kết hợp.

Sau nhập viện, tình trạng bệnh không cải thiện, chức năng thận xấu dần, máu vẫn cô đặc, người bệnh đau vật vã. Các bác sĩ quyết định lọc máu liên tục cho anh T., đồng thời theo dõi lượng dịch ổ bụng trên siêu âm và hội chẩn bác sĩ phẫu thuật để dẫn lưu ổ tụ dịch hoại tử. Sau 4 ngày được điều trị, người bệnh thoát khỏi cơn nguy kịch và tập ăn uống lại với nước đường, cháo loãng.

Theo bác sĩ điều trị, trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây viêm tụy là do sỏi đường mật hoặc do uống bượu bia. Đặc biệt, lạm dụng rượu bia được xác định là nguyên nhân của 70% trường hợp viêm tụy mạn tính. Với viêm tụy cấp do rượu gây tử vong nhanh chóng nếu diễn tiến nặng. Cách phòng bệnh duy nhất là hạn chế sử dụng rượu bia quá mức.

Theo thống kê của Bộ Y tế , năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó 18 người tử vong. Dịp lễ, Tết cuối năm là thời điểm sử dụng bia, rượu tăng cao, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, với rượu, bia không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai, lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).

Theo GiaDinh