Khóc cả đời không ra nước mắt sau phẫu thuật "làm mắt long lanh"

Mở góc mắt giọt lệ tạo cảm giác mắt long lanh là trào lưu đang được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, phẫu thuật mở góc mắt ở các cơ sở không đảm bảo có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có trường hợp bị cắt cả tuyến lệ và cả đời khóc không ra nước mắt.

khoc-ca-doi-khong-ra-nuoc-mat-sau-phau-thuat-lam-mat-long-lanh

BS Nguyễn Thị Hồng Vân phẫu thuật cho một bệnh nhân (ảnh bác sĩ cung cấp).

Cả đời khóc không ra nước mắt vì bị cắt cả tuyến lệ

Trước khi thực hiện phẫu thuật mở góc mắt giọt lệ, mắt của N.T.A (ở Hà Nội) đã có hai mí, tương đối rõ và cân nhau. Nhìn thấy bạn của mình có đôi mắt đẹp long lanh hơn khi đi mở góc mắt, chị A cũng muốn làm. Chị đã tìm đến một cơ sở spa khi biết nơi đây có chính sách khuyến mại giảm giá sâu.

"Sau khi phẫu thuật dù đã kiêng cữ rất cẩn thận, mắt đẹp lên không thấy đâu mà còn có một vết sẹo lớn. Không những vậy, từ ngày làm đẹp mắt chả hiểu thế nào mà dù có chuyện buồn, tôi khóc cũng không thấy ra nước mắt. Sợ bị bệnh gì, tôi đi bệnh viện kiểm tra thì mới biết mình bị cắt mất tuyến lệ. Bác sĩ bảo giờ thì chả còn cách nào khắc phục", chị A chia sẻ.

ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Vân, Trung tâm tạo hình thẩm mỹ Dr.D (Bệnh viện Đông Đô) cho biết, có rất nhiều khách hàng đến để tư vấn khi gặp phải những biến chứng vì trót dại phẫu thuật hỏng tại cơ sở không đảm bảo chất lượng. Có bệnh nhân bị cắt cả tuyến lệ và khóc cũng không ra nước mắt như trường hợp trên.

Theo BS Hồng Vân, khi thực hiện phẫu thuật mắt, người phẫu thuật viên cần phải nắm rõ cấu trúc giải phẫu và chức năng sinh lý của vùng mắt, từ da, cơ vòng mi, các dây chằng, sự phân bố của túi mỡ, sụn - cơ nâng mi…


Nếu người phẫu thuật viên không được đào tạo, không nắm được cấu trúc giải phẫu của mi mắt (gồm 7, 8 lớp rất phức tạp) thì hoàn toàn có thể gặp các biến chứng nguy hiểm. Những người mới vào nghề, không có chuyên môn sẽ không biết lớp nào với lớp nào, cái cần lại cắt bỏ đi mà cái không cần lại giữ lại. Chẳng hạn, tuyến lệ của con người chúng ta để tiết nước mắt khi khóc thì họ lại nghĩ là cục u gì cắt đi dẫn tới khóc không ra nước mắt. Có người còn để lại sẹo làm xấu mắt hơn.

Còn theo BS Cao Ngọc Duy, Khoa Phẫu thuật hàm mặt - Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang), phẫu thuật thẩm mỹ mắt bao gồm nhiều kỹ thuật như: Cắt mí mắt, cắt bớt da thừa, lấy bớt mỡ thừa, mở rộng góc mắt… Mở góc mắt là phẫu thuật nhằm làm rộng và to mắt theo chiều ngang. Đây là một xu hướng mà hiện nay nhiều bạn đang rất thích.

Khi thực hiện mở góc mắt cần phải thực hiện ở cơ sở uy tín với bác sĩ có chuyên môn tư vấn bởi không phải ai cũng nên làm. Mở góc mắt chống chỉ định với những mắt viêm, lộ sụn mi và có các bệnh lý về mắt. Ở kĩ thuật này, bác sĩ sẽ khéo léo cắt bỏ một phần da thừa để góc mắt được rộng và hoàn thiện hơn. Sau đó, khâu phục hồi lại cho đúng giải phẫu, không làm biến dạng mắt hay sụp mi. Nếu không cẩn thận rất dễ xảy ra biến chứng. Có trường hợp bị bể bờ mi và lộ sụn viền mi gây ngứa, viêm bờ mi vì sai chỉ định. Để điều chỉnh lại là điều rất khó khăn.

Những biến chứng nguy hiểm thường gặp

BS Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết, có hai loại mở góc mắt trong và mở góc mắt ngoài. Tai biến mở góc mắt giọt lệ, mở góc thường là để lại sẹo mắt rất xấu, đặc biệt trong 3 - 6 tháng đầu, sẹo gây co kéo, lồi, biến dạng góc trong góc ngoài. Biến chứng tệ hơn rất nhiều so với trước khi làm. Còn mở góc ngoài biến chứng hay gặp là ngửa mi (mi dưới).

Sinh lí bình thường, mắt của mình luôn được bôi trơn bằng nước mắt. Để đảm bảo như vậy thì mi trên và mi dưới phải úp vào, ôm trọn nhãn cầu mới không gây khô mắt. Các phẫu thuật mở góc nếu không cẩn thận sẽ làm mi ngửa ra, không còn ôm vào nhãn cầu. Mắt bị phơi ra ngoài môi trường nên dẫn tới bị khô, lâu ngày là viêm kết mạc, có thể dẫn tới mù lòa với những trường hợp khô mắt như vậy.

Nguy hiểm hơn là khi cắt quá mức, việc sửa lại sẽ rất khó vì phải lấy da, lấy tổ chức ở nơi khác như ở sau tai, đùi, bẹn ghép lên. Lúc này, ảnh hưởng thẩm mỹ nặng nề vì da nơi khác không giống da ở mắt. Da vùng mắt có đặc trưng mềm mại, mỏng và giàu mạch máu nuôi nhất trên cơ thể mà không có vùng da nào có được. Dù cho có lấy da ghép từ mi trên xuống mi dưới cũng không thể nào giống được. Chưa kể khi ghép lên da không sống được sẽ dẫn tới tình trạng khô, tổn thương nhãn cầu. Ngoài ra, các tai biến khác có thể kể đến là làm thủng toàn bộ chiều dày của mi, nhìn thấy cả nhãn cầu, không cẩn thận có thể gây mù lòa.

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người và các kĩ thuật như mở góc mắt, nhấn mí hay cắt mí… đều giúp cải thiện sắc đẹp tốt nếu như làm đúng chỉ định và được bác sĩ có tay nghề thực hiện.

Để tránh những biến chứng không đáng có, các chuyên gia khuyến cáo rằng, làm đẹp trước hết phải an toàn. Mọi người cần chọn những cơ sở thẩm mỹ hoặc bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép với một phòng mổ đạt chuẩn, điều kiện vệ sinh và vô trùng tốt, cũng như đủ điều kiện cấp cứu trong các tình huống có thể xảy ra trước, trong và sau phẫu thuật.

Mọi người cần tìm hiểu nơi mình định làm, đừng chỉ nhìn vào những hình ảnh long lanh họ đăng tải ở trên các trang fanpage mà hãy đến tận nơi tư vấn, gặp những người đã làm để xem trực tiếp, hỏi rồi hãy quyết định. Và người làm phẫu thuật buộc phải là bác sĩ được đào tạo chuyên môn, có kinh nghiệm.

Theo GiaDinh