Không chỉ ô tô, các loại thịt giá rẻ cũng ồ ạt vào Việt Nam

Giới chuyên gia nhận định rằng, ngành nuôi gà công nghiệp trong nước thời gian qua đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thịt nhập khẩu giá rẻ, dự báo ngành nuôi lợn và nuôi bò cũng gặp cảnh tương tự trong thời gian tới.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, từ ngày 1.1 đến ngày 15.3.2017, cả nước nhập khẩu gần 41.000 tấn thịt các loại.

Trong đó lớn nhất là thịt gà với 20,6 nghìn tấn, chiếm tỷ trọng hơn một nửa tổng lượng thịt các loại nhập khẩu về Việt Nam, trị giá gần 19 triệu USD; đứng thứ 2 là thịt trâu bò các loại với 11,8 nghìn tấn, chiếm tỷ trọng 29%, trị giá 35 triệu USD.

Không chỉ ô tô, các loại thịt giá rẻ cũng ồ ạt vào Việt Nam

Cơ cấu lượng thịt nhập khẩu trong năm 2016 và từ ngày 1.1 đến ngày 15.3.2017

Cũng trong thời gian này, lượng thịt lợn các loại nhập về Việt Nam đạt gần 7,8 nghìn tấn, trị giá hơn 9,4 triệu USD, tăng 15,8% về lượng và 21,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường cung cấp thịt lớn nhất cho Việt Nam hiện nay là Mỹ với 14,7 nghìn tấn, trị giá 20,5 triệu USD. Trong đó, lượng thịt gà là 12,3 nghìn tấn, chiếm 83,7% lượng thịt nhập từ Mỹ; thịt trâu, bò Mỹ được nhập về khoảng 2.000 tấn, chiếm 16,6%. 


Ấn Độ đứng thứ hai với 7,1 nghìn tấn, trị giá 15,2 triệu USD mà chủ yếu là thịt trâu bò. Tiếp theo là Úc với 2,2 nghìn tấn, trị giá 8,5 triệu USD, trong đó 1,7 nghìn tấn là thịt trâu bò.

Không chỉ ô tô, các loại thịt giá rẻ cũng ồ ạt vào Việt Nam

Cơ cấu thịt các loại nhập khẩu theo xuất xứ

Nhìn lại năm 2016, lượng thịt lợn các loại nhập khẩu về Việt Nam đạt 39,4 nghìn tấn, trị giá 44 triệu USD. Trong đó, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh là hơn 12.000 tấn, trị giá gần 19 triệu USD; phụ phẩm sau giết mổ của lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh là hơn 27.000 tấn, trị giá gần 25 triệu USD. 

Thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ, muối, ngâm nước muối, làm khô hoặc hun khói; bột mịn và bột thô ăn được làm từ thịt hoặc phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ là 81 tấn, trị giá 516.000 USD.

Thịt đông lạnh nhập khẩu hiện không còn là của hiếm trên thị trường. Người tiêu dùng có thể vào bất kỳ siêu thị nào tại các thành phố lớn cũng có thể mua được các loại thịt đông lạnh ngoại như bò Úc, bò Mỹ, gà Hàn Quốc, gà Mỹ… Đáng chú ý là gà đông lạnh nhập khẩu thường nhập riêng từng bộ phận như chân, cánh, đùi nên người mua rất dễ lựa chọn. Cũng bởi vậy, lượng thịt gà đông lạnh nhập khẩu bán ra thậm chí còn cao hơn lượng gà trong nước. 

Trước bối cảnh trên, giới chuyên gia nhận định ngành nuôi gà công nghiệp trong nước thời gian qua đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thịt nhập khẩu giá rẻ, dự báo ngành nuôi lợn và nuôi bò cũng gặp cảnh tương tự trong thời gian tới.

Nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp Mỹ, Úc, Ấn Độ... muốn đưa các loại thịt bò, lợn... vào khai thác phân khúc cao cấp tại Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi càng tỏ ra lo ngại.

Xét trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, con giống có chất lượng kém và công nghệ chăn nuôi còn hạn chế, giá thành chăn nuôi rất khó cạnh tranh với thịt nhập ngoại. Một khi thuế nhập khẩu và các rào cản thương mại giảm xuống, thịt ngoại tràn vào nhiều hơn, ngành chăn nuôi trong nước càng khó khăn hơn.

Tình hình thịt các loại nhập về Việt Nam với giá thấp, đặc biệt là thịt gà có giá chưa đến 1 USD/kg, đã thực sự đặt ra nhiều nghi vấn về chất lượng.

Kẽ hở về hàng rào kỹ thuật yếu kém như hiện nay đang được nhiều đối tượng lợi dụng để tuồn những lô hàng thực phẩm bẩn về nước tiêu thụ. Bằng chứng là lực lượng chức năng đã bắt được nhiều lô chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc chuẩn bị đem bán ra thị trường.

Theo MTG