Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Lựa chọn bài điểm cao để chấm kiếm tra

Bộ GD&ĐT cho biết, nhằm phát hiện sai sót, gian lận thi cử, sẽ tổ chức chấm kiểm tra 5% bài thi, trong đó có các bài thi điểm cao được lựa chọn để chấm thẩm định.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 có tổng cộng 887.173 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có hơn 650.000 thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ. Như vậy, có hơn 230.000 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà không đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Trong số các thí sinh dự thi, có 468.000 thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) chiếm tỉ lệ gần 53% tổng số thí sinh. Khoảng hơn 300.000 thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) chiếm hơn 34% tổng số thí sinh. Hơn 27.000 thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp.

ky-thi-thpt-quoc-gia-2019-lua-chon-bai-diem-cao-de-cham-kiem-tra

Nhiều giải pháp chống gian lận thi cử được áp dụng tại Kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT cho biết, để phòng ngừa gian lận thi cử, Bộ điều động các trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. Kỳ thi cũng quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, các thí sinh tự do, thí sinh là học viên GDTX phải thi chung Điểm thi với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT (tỷ lệ ít nhất 60% trong tổng số thí sinh của Điểm thi);

Khu vực lưu trữ đề thi, bài thi phải có camera an ninh giám sát 24/24 giờ, có lực lượng công an trực an ninh 24/24 giờ; quy định cách thức niêm phong và mở niêm phong phòng, tủ đựng bài thi, đề thi...

Bộ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi.


Đối với việc chấm bài thi tự luận, Sở GD&ĐT chủ trì, Bộ GD&ĐT quy định chặt chẽ việc cách ly trong khi làm phách, bảo mật số phách; thực hiện nghiêm túc việc chấm 2 vòng độc lập; thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra. Căn cứ kết quả phân tích dữ liệu thống kê kết quả thi của các địa phương, trong trường hợp cần thiết sẽ chấm thẩm định các bài thi.

Bộ GD&ĐT cũng đã nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm Quản lý thi, phần mềm Chấm thi trắc nghiệm theo hướng liên thông, đảm bảo chính xác, an toàn, an ninh và bảo mật dữ liệu; đồng thời hỗ trợ việc ngăn ngừa, phát hiện các gian lận, sai sót trong quá trình vận hành các phần mềm.

Về đề thi, theo Bộ GD&ĐT, nội dung đề thi năm 2019 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi theo hướng đánh giá năng lực người học, có các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đáp ứng mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi có tác dụng phân hóa để phục vụ công tác tuyển sinh giáo dục ĐH, CĐ. Các câu hỏi được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 24/6 đến ngày 27/6/2019.

Theo GiaDinh