Lạm dụng thuốc giảm đau, nguy cơ hỏng nội tạng

Theo các bác sĩ, việc lạm dụng các loại thuốc giảm đau có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc cho các cơ quan nội tạng.

Nhiều người coi các loại thuốc giảm đau như "thần dược" trị bách bệnh

Thấy thuốc giảm đau có tác dụng nhanh, nhiều người coi chúng như "thần dược" để điều trị bách bệnh như: đau đầu, đau răng, đau bụng, sốt...

Thừa nhận mình có thói quen sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên, chị H.T.H. (30 tuổi, Hà Nội) cho biết do thường xuyên đau đầu nên mỗi lần đau đều uống paracetamol.

Theo chị H kể, thuốc rất dễ mua ở các tiệm thuốc, chỉ cần nói tên thuốc là họ bán, có vài chục ngàn không cần kê đơn. Có ngày chị phải uống đến 3-4 viên, sáng, trưa, chiều, tối. Lúc đầu mỗi ngày chỉ cần uống hai lần thì đỡ đau nhưng sau này hai lần không đủ nên tự tăng liều.

Tương tự, chị Đ.T. (37 tuổi, TP.HCM) cho hay trong túi lúc nào cũng thủ sẵn một vỉ paracetamol để dùng ngay khi cần. Theo chị T., khi công việc áp lực hay khi thay đổi thời tiết sẽ rất đau đầu, thậm chí trường hợp đau răng, khi đó chị sẽ uống 1-2 viên paracetamol để giảm đau.

lam-dung-thuoc-giam-dau-nguy-co-hong-noi-tang


 Bệnh nhi bị ngộ độc do lạm dụng thuốc giảm đau. Ảnh: Tuổi Trẻ

Chị T nói, khối lượng công việc nhiều lại không có thời gian đến bệnh viện thăm khám, nếu không sử dụng thuốc giảm đau chắc không thể làm được việc gì. Phải thừa nhận đôi lúc mình quá lạm dụng thuốc, nhưng vì nó có tác dụng nhanh lại dễ mua nên đành tận dụng chúng.

Thời gian qua, thông tin từ các bệnh viện cho biết số trường hợp bị ngộ độc paracetamol là không hề ít, nhiều người bị suy gan cấp do dùng paracetamol chữa đau nhức trong thời gian dài.

Một dược sĩ bán thuốc tại TP Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, hiện rất nhiều người dân coi các loại thuốc giảm đau như "thần dược" trị bách bệnh. Nhiều trường hợp bị đau răng, va đập, đau bụng, đau đầu, vấp ngã... cũng đến hỏi mua các loại thuốc giảm đau.

Thường nhiều tiệm thuốc sẽ tư vấn cho người mua cách sử dụng hoặc đi thăm khám. Tuy nhiên, do việc mua các thuốc này dễ dàng nên nhiều người cứ bán nhưng không tư vấn cho người mua cách sử dụng, hướng dẫn thăm khám ra sao rất nguy hiểm.

Nguy cơ từ việc lạm dụng thuốc giảm đau

Liên quan tới tình trạng trên, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) - cho hay, tình trạng lạm dụng paracetamol để giảm đau đầu khá phổ biến hiện nay. Đặc biệt là nữ giới, nhân viên văn phòng, có những người dùng một ngày 4 viên paracetamol 500mg và sử dụng kéo dài trong nhiều ngày, thậm chí ngày nào cũng phải dùng đến thuốc giảm đau.

Đối với những người đau đầu kinh niên, paracetamol được coi là lựa chọn "tối ưu" để giảm đau nhanh chóng. Vì vậy nhiều người bị lệ thuộc vào chúng. Tuy nhiên, việc sử dụng paracetamol để giảm đau chỉ có tác dụng hiệu quả trong thời gian đầu, sau đó người bệnh phải tăng liều mới có tác dụng như mong muốn.

"Ban đầu chỉ là thuốc có thành phần paracetamol, sau đó sẽ chuyển sang sử dụng những loại thuốc có thêm các thành phần như cafein, codein... mới có tác dụng giảm đau. Khi sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài, người bệnh phụ thuộc vào thuốc và phải dùng tăng liều, tăng hàm lượng giảm đau. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc giảm đau chỉ có thể điều trị triệu chứng, làm giảm cơn đau ngay lúc đó chứ không điều trị triệt để. Điều cần thiết là tìm ra căn nguyên gây đau để điều trị. Nếu sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài có thể gây ra tác dụng phụ, gây ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, dạ dày", bác sĩ Hoàng nói.

PGS Nguyễn Hữu Đức - Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, do có tác dụng nhanh nên nhiều người thường lạm dụng các loại thuốc giảm đau dẫn đến bị lệ thuộc. Thuốc giảm đau có tác dụng phụ, khi dùng quá liều các loại thuốc giảm đau dẫn đến nhiều hệ lụy như paracetamol rất hại gan, aspirin hại cho dạ dày... do đó phải dùng rất cẩn thận.

"Khi người dân sử dụng các thuốc giảm đau như paracetamol hoặc nhóm giảm đau khác chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn. Nếu thấy bệnh tình càng nặng hơn, bệnh cứ tái đi tái lại nhiều lần cần phải đến các bác sĩ thăm khám để bác sĩ quyết định việc dùng thuốc. Những thuốc mua không cần kê đơn chỉ sử dụng trong thời gian ngắn", bác sĩ Đức nói.

Bác sĩ Đức cho biết thêm, hiện nay nhiều nhà thuốc tư nhân khi bệnh nhân mua thuốc giảm đau không tư vấn cho bệnh nhân cách sử dụng, liều lượng ra sao. Bệnh nhân nên hỏi rõ người bán thuốc về cách sử dụng, bệnh nặng nên đi đến bác sĩ thăm khám.

Bác sĩ Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cũng khuyến cáo, việc lạm dụng thuốc giảm đau khi đau có thể làm mờ đi các triệu chứng nặng, khiến người bệnh chủ quan không đi thăm khám. Ví dụ, đau đầu nặng với các triệu chứng điển hình như cơn đau đến nhanh, buồn nôn, gặp khó khăn trong việc chọn từ để nói, đau đầu kèm cảm giác tê mỏi chân tay, cử động khó, đau tăng khi ho hay tập luyện... có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ hoặc bệnh u não, viêm màng não... Nếu người bệnh lạm dụng thuốc giảm đau, các triệu chứng nguy hiểm sẽ không được thể hiện rõ, gây khó khăn cho việc thăm khám.

Thuốc giảm đau chỉ giúp chữa hoặc giảm triệu chứng chứ không chữa được nguyên nhân gây bệnh. Muốn điều trị đau triệt để, cần xác định chính xác nguyên nhân. Do đó, khi cơn đau thường xuyên diễn ra, người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị, tuyệt đối không tùy tiện sử dụng thuốc. Việc lạm dụng thuốc giảm đau có thể dẫn tới các biến chứng, nếu người bệnh tiêm ở những cơ sở y tế không đảm bảo yêu cầu và kỹ thuật tốt có thể gây biến chứng rất nặng.

Người dân chỉ dùng thuốc theo đúng đơn bác sĩ, cần đi khám lại khi có cơn đau, không tự dùng lại đơn thuốc cũ. Khi bác sĩ kê đơn liên quan tới thuốc giảm đau, người bệnh cần chú ý khai báo tiền sử bệnh tật, cơ địa dị ứng, tình trạng đường ruột, dạ dày để các bác sĩ chọn thuốc phù hợp, tư vấn thời điểm uống thuốc thích hợp. Khi uống thuốc giảm đau, nếu thấy ngứa, nổi mề đay, khó thở, lên cơn hen suyễn hoặc đau bụng dữ dội, nôn ói... thì cần nhanh chóng đến bệnh viện để được cấp cứu.

Theo VietQ