Ly kỳ vụ "cướp" con dấu tại Tập đoàn Trung Nguyên

Sau khi bị chiếm đoạt con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Tập đoàn Trung Nguyên gặp nhiều khó khăn nên đã khởi kiện.

Ngày 21-3, Tòa Kinh tế TAND TP HCM đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện dân sự giữa nguyên đơn là Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (TNH) do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị và bị đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ cũ ông Vũ).

Dẫn người vào chiếm đoạt con dấu

Ông Vũ đứng đơn khởi kiện yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi chiếm giữ trái phép các con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của TNH cùng các công ty con thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.

Yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền của TNH; chấm dứt hành vi nhân danh TNH để thực hiện các công việc không thuộc thẩm quyền.

Ly kỳ vụ cướp con dấu tại Tập đoàn Trung Nguyên - Ảnh 1.

Luật sư Trương Thị Hòa bảo vệ cho nguyên đơn của vụ kiện

Đặc biệt, ông Vũ còn yêu cầu bà Thảo trả ngay cho TNH con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà bà Thảo đã chiếm đoạt vào ngày 16-10-2015.


Người đại diện của nguyên đơn trình bày trước tòa, bà Thảo là cổ đông của TNH với tỉ lệ cổ phần chiếm 30% vốn điều lệ của TNH.

Sáng 16-10-2015, bà Thảo đã dẫn theo một số người đến trụ sở của TNH khống chế bà Lê Thị Bích Hạnh (thư ký Ban Tổng giám đốc) để cưỡng đoạt bất hợp pháp hàng loạt con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của TNH, các công ty con và chi nhánh của các công ty trong hệ thống Tập đoàn Trung Nguyên.

Theo đó, hành vi cưỡng đoạt trái phép này của bà Thảo đã được Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Tân lập vi bằng.

Tự bổ nhiệm mình làm tổng giám đốc?

Sau khi bị chiếm đoạt con dấu, TNH và các công ty con trong Tập đoàn Trung Nguyên đã và đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, một số công ty không thể giao dịch với ngân hàng, với các đối tác, khách hàng và cơ quan thuế…do không có con dấu.

Một số công ty khác dù đã làm lại con dấu nhưng việc tồn tại song song 2 con dấu đang tạo ra nhiều bất cập, rối loạn trong hoạt động quản lý điều hành của tập đoàn.

Trước những khó khăn này, Tập đoàn Trung Nguyên đã phát hành nhiều văn bản yêu cầu bà Thảo trao trả toàn bộ con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà bà đang giữ bất hợp pháp. Tuy nhiên, bà Thảo vẫn không thực hiện việc hoàn trả.

Sau khi có các con dấu của TNH và các công ty con, bà Thảo đã sử dụng để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.

Cụ thể, ngày 23-10-2015, bà Thảo đã gửi đến toàn bộ nhân viên và quản lý cấp cao của Tập đoàn Trung Nguyên Quyết định số 23.10/QĐBN-HĐQT tự mạo danh HĐQT để tự bổ nhiệm chính mình giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên (TNG), sử dụng con dấu TNG mà bà chiếm đoạt để đóng lên quyết định này.

Ngày 30-5-2017, bà Thảo tự ý nhân danh TNH phát hành các văn bản có đóng dấu của TNH đến các nhà phân phối của Tập đoàn Trung Nguyên để yêu cầu đối tác "dừng việc phân phối hay bán sản phẩm Trung Nguyên, G7 tại thị trường Mỹ".

TNH khẳng định kể từ ngày 31-12-2014, bà Thảo không còn được ủy quyền để thực hiện bất kỳ công việc liên quan đến hoạt động của TNH. Việc bà Thảo sử dụng con dấu của TNH phát hành đến nhà phân phối là hành vi mạo danh, gây mất hình ảnh và uy tín của Trung Nguyên đối với đối tác.

Tòa tuyên "đại gia" Đặng Lê Nguyên Vũ thắng kiện

Hội đồng xét xử TAND TP HCM đã chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên, tuyên buộc bà Thảo phải trả lại con dấu đã chiếm giữ trái phép cũng như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của TNH.

Tòa nhận định căn cứ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu (12-12-2009) và giấy thay đổi lần 3 ngày 12-4-2016 thì TNH có người đại diện theo pháp luật là ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, việc quản lý sử dụng con dấu phải thực hiện theo điều lệ công ty.

Điều lệ công ty quy định con dấu phải được lưu giữ tại công ty, thuộc người có thẩm quyền đảm bảo việc giữ con dấu theo quy định của phap luật. Chính vì bà Thảo không phải người dại diện theo pháp luật nên không có quyền chiếm giữ con dấu.

Như vậy, việc bà Thảo chiếm giữ con dấu và giấy chứng nhận đăng ký là trái quy định của pháp luật nên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận.

Về yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi đóng dấu lên các chữ ký của người không có thẩm quyền của công ty, tòa nhận định bà Thảo không được phép làm chuyện này vì pháp luật quy định nghiêm cấm hành vi đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền do thời hạn ủy quyền cho bà Thảo được sử dụng con dấu chỉ có hiệu lực đến ngày 31-12-2014. Từ ngày 1-1-2015, bà Thảo sử dụng con dấu để đóng lên các văn bản là trái luật.

Do bà Thảo không phải người có thẩm quyền của TNH, mà chỉ là thành viên của HĐQT và cổ đông góp vốn nên phải tuân thủ quy định của điều lệ doanh nghiệp và cổ đông công ty, chỉ thực hiện các công việc theo thẩm quyền của cổ đông góp vốn. Vì vậy, yêu cầu của công ty buộc bà Thảo dừng các công việc của người không có thẩm quyền là chính đáng.

Từ những nhận định này, TAND TP HCM đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên do ông Đặng Lê Nguyên Vũ đứng đơn khởi kiện.

 

Bài và ảnh: Phạm Dũng

Theo NLD

-----------------

Xem thêm:

Trở thành người đại diện pháp luật, vợ Đăng Lê Nguyên Vũ có quyền lực gì tại Trung Nguyên?

Người đại diện theo pháp luật của công ty là cá nhân được HĐQT công ty chỉ định, giao quyền hạn và nhiệm vụ chứ không phải là người nắm thực quyền quyết định. Trên thực tế, nếu HĐQT muốn, người đại diện theo pháp luật của Trung Nguyên có thể thay hàng ngày.

Trở thành người đại diện pháp luật, vợ Đăng Lê Nguyên Vũ có quyền lực gì tại Trung Nguyên?

Thông tin Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương ngày 13/7 quyết định hủy bỏ quyền đại diện pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên và khôi phục lại giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 7 của công ty này với người đại diện pháp luật là bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã khiến dư luận cho rằng ông Vũ đã bị bà Thảo “tước quyền ”.

Tuy nhiên, trên thực tế, vai trò của “người đại diện pháp luật” không đồng nghĩa với việc “cầm trịch” tại một công ty.

Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty Luật BASICO cho biết, pháp luật không quy định riêng chức năng, nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật riêng biệt, mà nó luôn được gắn liền với các chức danh khác như chủ tịch hay giám đốc. Điều này được quy định trong điều 13, Luật Doanh nghiệp hiện hành.

“Người đại diện pháp luật là cá nhân đại diện cho công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp. Cá nhân này đại diện cho doanh nghiệp giao tiếp với bên ngoài và quyết định các vấn đề quan trọng như việc tổ chức và điều hành hoạt động kinh doanh, tổ chức nhân sự, quản lý, sử dụng tài khoản, con dấu của doanh nghiệp... Chức danh người đại diện pháp luật có thể là Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp.”

Với định nghĩa trên, người đại diện pháp luật chỉ là một ví trí đại diện cho công ty có tư cách để ký, giao dịch và đối ngoại. Cũng theo Luật Doanh nghiệp, nhiệm vụ, quyền hạn của người đại diện theo pháp luật được quy định trong điều lệ của công ty, và nếu theo luật hiện hành, một công ty có thể có nhiều người đại diện pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, HĐQT công ty có thể quy định nhiều nội dung ràng buộc quyền hạn của người đại diện theo pháp luật.

Do đó, việc thay đổi người đại diện pháp luật sẽ không ảnh hưởng quyết định đến hoạt động của công ty, chỉ có HĐQT mới là người có thực quyền, vì HĐQT có quyền bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm người đại diện pháp luật của công ty (chủ tịch hay giám đốc). Thậm chí “có thể thay hàng ngày cũng được” – luật sư Đức phân tích.

HĐQT Cà phê hòa tan Trung Nguyên hiện có 3 thành viên gồm bà Thảo, ông Vũ và đại diện CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group) với tỉ lệ nắm giữ vốn lần lượt là 5% - 10% và 85%.

Do người đại diện của Trung Nguyên Group vẫn chưa được làm rõ nên đây vẫn là một vấn đề vướng mắc lớn trong vụ việc. Theo luật sư Trương Thanh Đức, nắm giữ 85% vốn góp tại CTCP cà phê hòa tan Trung Nguyên, nếu đúng ra thì Trung Nguyên Group có quyền quyết định toàn bộ mọi thứ vì có quyền bầu ra 85% thành viên HĐQT và từ đó quyết định ai giữ chức danh Chủ tịch HĐQT và TGĐ.

Vì thế, thông tin bác bỏ người đại diện theo pháp luật là bác bỏ vai trò quyết định đối với công ty như mọi người đang nói chỉ có giá trị tại một thời điểm ngắn, chứ bản chất không làm thay đổi tình hình. Ai chi phối vốn thì người đấy có quyền quyết định.

ĐHCĐ hoàn toàn có thể bầu ra HĐQT mới và HĐQT mới cũng hoàn toàn có thêr ngồi bầu ra ai là chủ tịch HĐQT, TGĐ, đồng thời là người đại diện theo pháp luật. Như vậy, bản chất vụ việc trên theo luật sư Trương Thanh Đức chỉ là vấn đề thủ tục, chứ nó không đồng nghĩa với việc nhóm người nào bị tước quyền lực, quyền điều hành.

Tuy nhiên, ông Đức cũng bổ sung, với lượng thông tin còn rất hạn chế được công bố, thì những phân tích được đưa ra vì thế đều dựa trên những giả thiết có thể xảy đến. Vì vậy, vẫn cần thêm nhiều thông tin cần thiết để xác định chính xác.

Theo TTT / cafebiz