Ma trận đồng hồ fake: Giá tiền chính hãng, chất lượng như...đồ mĩ ký!

Tại Việt Nam, tình trạng buôn bán đồng hồ rởm phổ biến đến mức, cứ hai chiếc đang sử dụng thì có một là thật, và chiếc còn lại là đồ nhái bằng công nghệ tinh vi.

Đồng hồ rởm cộp mác chính hãng

Thị trường đồng hồ chính hãng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM hiện đang bị lũng đoạn bởi những chiếc đồng hồ fake. Có một thực tế là trong những năm qua, hàng loạt cửa hàng, công ty mang tên phân phối đồng hồ chính hãng đua nhau nở rộ, nhưng chất lượng sản phẩm thì không phải nơi nào cũng giống nơi nào.

ma-tran-dong-ho-fake-gia-tien-chinh-hang-chat-luong-nhu-do-mi-ky

Độ nhái của những chiếc đồng hồ hàng hiệu cực kỳ tinh vi gây khó nhận cho sự nhận biết của người mua. 

Điểm chung của những đại lý, chuỗi cửa hàng này là cam kết sản phẩm bán ra đều là hàng chính hãng 100%, là đại lí phân phối độc quyền, ủy quyền của các hãng đồng hồ nổi tiếng thế giới của các quốc gia như Thụy Sĩ, Nhật Bản…, với đủ thương hiệu từ bình dân đến cao cấp. Nhà phân phối nào cũng cam kết rằng đồng hồ của mình chính hãng, có ủy quyền từ các nhãn hàng danh tiếng. Vậy kết quả thì sao?

Mới đây chuyên trang thẩm định đồng hồ thật giả có uy tín công bố những số liệu gây kinh ngạc: 20.000 chiếc đồng hồ được thẩm định thì có đến 8.600 chiếc được phát hiện là giả, tương đương tới 43%. Trong khi đó, ông Hồ Quang Thái - Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia về chống hàng giả hàng nhái, phản ánh thực trạng tại thị trường Việt Nam có: “80 - 90% đồng hồ tại Việt Nam là hàng giả”.


Vô tình hay cố ý, người tiêu dùng Việt Nam đang hàng ngày tiêu thụ lượng lớn đồng hồ nhái, giả. Nhiều sản phẩm nhái tinh vi đến mức có thể qua mặt cả những chuyên gia lâu năm trong nghề chứ đừng nói người tiêu dùng thông thường. Cách đây không lâu, cơ quan chức năng kiểm tra hơn 20 gian hàng ở chợ Bến Thành (TPHCM) phát hiện và thu giữ hàng nghìn đồng hồ giả các thương hiệu nổi tiếng như Rolex, Longines, Patek Philippe, Piaget, Montblanc, Franck Muller...

ma-tran-dong-ho-fake-gia-tien-chinh-hang-chat-luong-nhu-do-mi-ky

Nhiều người coi đồng hồ fake như một sự có mặt hiển nhiên trên thị trường mà không nhận ra những mối nguy hại tiềm ẩn.

Người tiêu dùng lĩnh đủ

Thực ra, không phải tự nhiên đồng hồ rởm tại Việt Nam lại có đất sống. Nó bắt nguồn từ tâm lý và thói quen của người tiêu dùng. Đầu tiên, đó là nhu cầu ngày càng tăng cao. Đồng hồ ngày nay không chỉ làm nhiệm vụ báo giờ mà còn là món phụ kiện thể hiện phong cách, cá tính không thể thiếu cho cả nam và nữ ở mọi lứa tuổi. Chiếc đồng hồ một phần nào đó thể hiện sự thành công và vị trí xã hội của người đeo.

Nhưng mới đây, dư luận một phen sững sờ khi hay tin một vị khách hàng khi mang chiếc đồng hồ “xách tay Thụy Sỹ” có giá tới 12.000 USD - tương đương gần 300 triệu đồng, cuối cùng lại chỉ là hàng “super fake”. Chiếc Rolex nhái được làm giả một cách vô cùng tinh vi, ngay cả với thợ chuyên nghiệp lâu năm trong nghề cũng suýt chút nữa không nhận ra. Dĩ nhiên, người chịu thiệt là khách hàng, bởi giá trị thực của chiếc đồng hồ nhái kém hàng chục lần giá đồng hồ chính hãng, do nhà sản xuất niêm yết.

Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng chủ động chọn mua đồng hồ giả bởi tâm lý trọng hình thức nhưng ham của rẻ, muốn sở hữu đồng hồ có tiếng nhưng không đủ tiền. Nhu cầu có nhưng tài chính không đủ, nhiều người mua đồng hồ giả các thương hiệu Thụy Sĩ như Rolex, Omega, Longines, Tissot... để thỏa mãn nhu cầu bản thân.

Trường hợp của anh Nguyễn Đình Thái (Thanh Xuân, Hà Nội) là một ví dụ. Anh Thái là một “dân chơi đồng hồ”, ngỡ ngàng khi kể lại câu chuyện bị lừa của mình: “Mình mua một chiếc Omega Seamaster James Bond 007, với giá 4.000 USD. Bình thường giá niêm yết của hãng là hơn 8.000 USD - gần 180 triệu đồng nhưng vì mua của người quen nên được “giảm giá”. Đem đến thẩm định thì nhận ngay tin sét đánh đây là đồng hồ nhái”.

ma-tran-dong-ho-fake-gia-tien-chinh-hang-chat-luong-nhu-do-mi-ky

Đa số các đồng hồ fake đều làm giả từ các thương hiệu nổi tiếng và quen thuộc như Rolex, Casio, Seiko, Omega,… và đến từ Trung Quốc. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nhiều người có thói quen nhìn vào giá cả và giấy tờ tem mác để đánh giá chất lượng sản phẩm, nhưng chính cái giá trên trời và giấy tờ có vẻ chuyên nghiệp đó lại đánh lừa họ. Đồng hồ nhái được nhập với giá chỉ vài chục cho đến vài trăm ngàn đồng, nhưng khi bán ra thì con số đó đã đội lên đến hàng chục lần.

Với niềm tin rằng “đắt xắt ra miếng”, người tiêu dùng sẵn sàng chi một số tiền lớn để mua hàng nhái vì cho rằng mức giá này chỉ có thể là của hàng thật. Do vậy, lời khuyên của chuyên gia đối với người tiêu dùng là chỉ nên mua đồng hồ ở các nơi kinh doanh thực sự uy tín, tránh tham rẻ để rồi chuốc quả đắng.

Theo VietQ