Mắc bệnh có nguy cơ t.ử v.ong 90% sau khi tự ý điều trị sốt tại nhà

Sau 6 ngày tự điều trị bằng Paracetamol và kháng sinh Zinnat do có biểu hiện sốt, vùng da lành trên cơ thể bệnh nhân bị sung huyết sau đó bong tróc toàn thân.

BS Nguyễn Thái Ngọc Minh, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, cho biết trường hợp này là nữ bệnh nhân 22 tuổi mắc hội chứng Lyell với diện tích trợt thượng bì (các vùng da bị tổn thương do mất một phần hoặc toàn bộ lớp thượng bì) rất rộng.

Theo chia sẻ của bệnh nhân, gần một tuần trước khi vào viện, chị bị sốt nên mua thuốc Paracetamol về uống. Trong 6 ngày, chị uống kháng sinh Zinnat và thuốc hạ sốt nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm, thân nhiệt cao nhất 40 độ C.

Đặc biệt, vùng da lành xuất hiện ban xung huyết và chuyển sang xuất hiện vòm phỏng trợt thượng bì. Chị được chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu trong tình trạng toàn thân sốt cao, đau rát, mạch nhanh, thở nhanh, đi tiểu ít.

Tại viện, bác sĩ nhanh chóng đánh giá mức độ sức khỏe của bệnh nhân theo thang điểm SCORTEN (được đánh giá bằng các yếu tố nguy cơ gồm: Tuổi, tình trạng bệnh lý ác tính, tần số tim, diện tích thượng bì bong trợt, chỉ số ure máu, đường máu và bicarbonate máu). Kết quả cho thấy điểm SCORTEN của bệnh nhân tương đương mức độ nặng nhất và có nguy cơ tử vong trên 90%.

Thực tế, trừ những vùng da có tóc, 95% diện tích cơ thể còn lại của bệnh nhân có tổn thương trợt thượng bì. Vết thương trợt mất thượng bì rộng, lộ nền sung huyết, tiết dịch nhiều và dễ chảy máu. Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân được xét nghiệm độc tế bào để xác định yếu tố dị ứng của cơ thể với các thuốc có thể  sử dụng trong phác đồ điều trị; truyền dịch; giảm đau; nuôi dưỡng sớm đường tiêu hóa.

Đồng thời, người phụ nữ này cũng được che phủ vết thương bị trợt thượng bì bằng màng sinh học. Biện pháp này không gây dính và mất dịch qua vết thương cũng như giảm đau tốt cho bệnh nhân. Đặc biệt, bệnh nhận buộc phải điều trị tại buồng cách ly để đảm bảo vô trùng.


Khi thay băng, vết thương được che phủ bằng màng sinh học và giảm đau liên tục. Sau 9 ngày điều trị với 4 lần thay băng, tình trạng bệnh nhân tiến triển tích cực, tổn thương da cải thiện, các vết thương trợt thượng bì biểu mô thuận lợi. Các rối loạn về xét nghiệm máu của bệnh nhân đã hết.

BS Hoàng Văn Vụ, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, cho hay hội chứng Lyell (còn gọi là bệnh hoại tử thượng bì do nhiễm độc) là bệnh lý dị ứng mức độ nặng. Bệnh thường gây nhiều biến chứng rất nghiêm trọng đe doạ đến tính mạng.

Phần lớn nguyên nhân gây tử vong cho các người bệnh là các biến chứng do nhiễm trùng từ phần thượng bì bị bong trợt. Vì thế, y khoa thế giới khuyến cáo người bệnh mắc hội chứng này phải được điều trị tại các trung tâm hoặc bệnh viện chuyên khoa Bỏng.

Theo bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, hội chứng Lyell ít gặp nhưng rất nguy hiểm. Tần suất của bệnh trong dân số chỉ khoảng 2/1.000.000 người nhưng tỷ lệ tử vong của bệnh là 5-30%.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hội chứng này là thuốc. Khi thuốc vào cơ thể, triệu chứng xuất hiện đầu tiên là ban đỏ, sau đó thương tổn da lan rộng khắp cơ thể. Thương tổn niêm mạc gặp ở hầu hết bệnh nhân. Trong đó, tổn thương ở niêm mạc mắt có thể để lại các di chứng như sẹo, dính kết mạc, loét giác mạc.

Các thương tổn bọng nước và trợt da chiếm trên 30% trong hội chứng này. Trước khi có thương tổn da, bệnh nhân thường xuất hiện sốt, mệt mỏi, viêm họng, đau đầu, ban dạng sởi. Các thương tổn niêm mạc như bọng nước, trợt da, viêm đau và loét tồn tại từ 1 ngày tới 2 tuần.

Theo Vietnamnet