Mải mê kiện tụng và ly hôn, vợ chồng "Vua cà phê" Việt khiến Trung Nguyên lao đao

Sau giai đoạn phát triển bùng nổ, Trung Nguyên đang có dấu hiệu chững lại và sụt giảm nghiêm trọng. Vụ ly hôn giữa hai người đứng đầu tập đoàn này là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng gây tác động không nhỏ.

Sự việc xảy ra từ tháng 11/2015, khi trong biên bản các cuộc họp HĐQT, Nghị quyết HĐQT, các thông báo liên quan của Tập đoàn Trung Nguyên, do ông Đặng Lê Nguyên Vũ điều hành, đã tước quyền điều hành của bà Thảo đối với Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên. Cũng trong thời gian này, tòa án thụ lý đơn ly hôn của 2 người.

Tuy vụ kiện tụng giữa 2 vợ chồng doanh nhân nhà Trung Nguyên ầm ĩ một thời gian dài nhưng ông Đặng Lê Nguyên Vũ luôn im lặng, không đưa ra bất cứ quan điểm nào. Trong khi đó, từ người phụ nữ chỉ đứng đằng sau chồng, bà Thảo xuất hiện liên tục trên truyền thông và cho ra mắt hãng cà phê mới mang tên King coffee của công ty riêng TNI Corporation.

Cho đến hiện tại, vụ kiện tụng của nhà Trung Nguyên vẫn chưa ngã ngũ và bà Thảo cho biết mình vẫn chưa được bước chân vào Trung Nguyên để tham gia điều hành.

Là một đế chế lớn trong ngành cà phê nhưng sự mâu thuẫn giữa 2 người sáng lập không khỏi khiến hoạt động của Trung Nguyên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau đơn kiện năm 2015, Cà phê hòa tan Trung Nguyên đã tạm ngưng cung cấp tất cả các sản phẩm thuộc nhóm hòa tan kể từ ngày 10/11/2015, với lý do là “bảo trì máy móc thiết bị, dây chuyền các nhà máy”.

Việc làm này, theo văn bản của ông Đặng Lê Nguyên Vũ mới đây gửi tòa án, khẳng định, đã làm doanh thu nội địa năm 2015 của tập đoàn bị sụt giảm nghiêm trọng do đột ngột ngừng cung cấp sản phẩm hòa tan từ 9/11-19/12/2015. Công ty đã mất cơ hội bán hàng hòa tan trị giá 131 tỷ đồng, do không có hàng để giao cho khách.

Mải mê kiện tụng và ly hôn, vợ chồng

Sóng gió hôn nhân của hai nhà điều hành khiến tập đoàn Trung Nguyên lao đao về doanh thu.


Trả lời trên báo chí, bà Thảo cho biết sau khi cuộc hôn nhân gặp sóng gió, công việc xuất khẩu của công ty phần nào xuống dốc. Trung Nguyên đánh mất vị trí trên thị trường, phải đóng cửa các quán cà phê (bao gồm cả ở Singapore) trong khi đối thủ cạnh tranh không ngừng gia tăng thị phần. Điều đó đã buộc bà tạo ra King Coffee như một thương hiệu cao cấp.

Số liệu của CTCP Nghiên cứu và tư vấn ngành Việt Nam (VIRAC), cho thấy trong 7 tháng (từ tháng 7/2017 đến tháng 3/2018), Việt Nam xuất khẩu khoảng 100 triệu USD cà phê hòa tan, tương ứng với con số doanh thu khoảng gần 2.300 tỷ đồng. Còn nếu tính chung cả xuất khẩu cà phê nhân, giá trị khoảng 1,6 tỷ USD. Trung Nguyên liệu sở hữu được bao nhiêu trong con số đó?

Ở mảng cà phê hòa tan, số liệu của VIRAC cho biết doanh thu năm 2016 của Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên đạt 413 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận trước thuế là 59 tỷ đồng.

Trong khi đó, báo cáo của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, cho thấy doanh thu thuần trong giai đoạn ông Vũ vắng bóng (2014 - 2017) hầu như không tăng nhiều, còn lợi nhuận đi xuống. Doanh thu của Trung Nguyên ước khoảng 4.000 tỷ đồng vào năm 2017.

Với các mảng hoạt động khác như chuỗi cà phê hay nhượng quyền thương hiệu, con số doanh thu trên có thể đạt được nhờ sự sôi động của thị trường cà phê. Tuy nhiên, sự bứt phá của nhiều đối thủ cả nội lẫn ngoại trong từng nhóm sản phẩm trong những năm qua, có thể thấy rằng vị thế của Trung Nguyên trên sân nhà đang bị lấn át ít nhiều.

Đi đầu trong lĩnh vực cà phê hòa tan loại 3 in 1 ở thị trường Việt Nam, nhưng Trung Nguyên cũng dần rơi rớt thị phần sau nhiều năm.

Số liệu Euromonitor cho thấy thị phần Trung Nguyên năm 2011 là 38%, nhưng đến năm 2015 thì chỉ còn 15%, bị Nescafe và Vinacafe bỏ xa.

Tốc độ tăng trưởng của thị trường cà phê hòa tan tại Việt Nam đã giảm mạnh trong năm 2017 và dự kiến sẽ tiếp tục sụt giảm trong năm 2018. Nguyên nhân là do thói quen tiêu dùng của người Việt thay đổi khi tìm đến các thức uống gốc trà hoặc nước tăng lực. Không chỉ Trung Nguyên, ngay cả Vinacafe Biên Hòa cũng sụt giảm doanh thu những năm gần đây.

Cùng với đó, thị trường cà phê toàn cầu đang chịu áp lực nguồn cung dư thừa, nhu cầu thấp. Đây sẽ là thách thức lớn đối với bất cứ nhà sản xuất và kinh doanh cà phê nào trên thế giới, tất nhiên trong đó có Trung Nguyên.

Hơn 3 năm tranh chấp thương hiệu, câu chuyện ly hôn của vợ chồng ông vua cà phê vẫn chưa thể ngã ngũ. Trong cuộc chiến pháp lý này, thương hiệu Trung Nguyên đang chịu thiệt hại lớn về mặt danh tiếng.

Theo GiaDinh