“Mảng tối” hậu trường game show

Không như những gì lung linh trên màn ảnh, game show lên sóng là kết quả nhào nặn của những người thực hiện với đủ chuyện mặt trái của nó

Có điều kiện tham dự những buổi ghi hình của nhiều chương trình game show, bạn sẽ thấy những gì diễn ra ở đó không lung linh như mình thấy qua màn ảnh nhỏ. Sự lung linh của game show trên sóng truyền hình là kết quả nhào nặn của cả một “bộ sậu” làm ra nó. Mọi thứ hầu như được sắp đặt tinh vi để đánh lừa khán giả mà không phải ai cũng dễ dàng nhận ra.

Nơi bất chấp thời gian

Câu nói “thời gian là vàng bạc” không có giá trị ở trường quay chương trình game show. Nếu nhận thông báo 9 giờ quay hình thì chắc chắn 12 giờ, nhà sản xuất mới bắt đầu khai máy vì nhiều lý do.

Trong đó, việc chờ đợi giám khảo, MC (người dẫn chương trình) gần như thường xuyên. “Ngôi sao thường quen giấc ngủ trái giờ nên ngày làm việc của họ được tính từ 12 đến 24 giờ. Nếu lịch quay từ 12 giờ thì phải 15, 16 giờ, máy quay mới khởi động” - một quay phim của rất nhiều game show cho hay.

“Mảng tối” hậu trường game show
Những hình ảnh lung linh trên sân khấu khác xa với hiện thực ngoài phim trường. Trong ảnh: Sân khấu chương trình “Tuyệt đỉnh song ca”

Ở trường quay game show, người ta cũng quen với cảnh đội ngũ ghi hình, nhân viên hậu đài vật vạ nằm chờ nghệ sĩ ngôi sao chạy sô đâu đó chưa về kịp. Mọi người gần như được rèn luyện tính kiên nhẫn, sức chịu đựng khi làm việc ở những nơi này.


Nhưng, nỗi ám ảnh đối với ê-kíp quay hình game show chính là MC. Để có gương mặt mới, ăn khách, nhiều nhà sản xuất game show mời đến trường quay những MC không chuyên, thường là người trong giới showbiz có tên tuổi như ca sĩ, diễn viên, hoa hậu... được số đông công chúng trẻ ái mộ nhưng không có kỹ năng, kiến thức để làm công việc dẫn chương trình.

Vì vậy, phim trường game show cũng thường xuyên “dậy sóng” bởi những MC thiếu chuyên nghiệp này. Trong game show X, khi chàng ca sĩ điển trai vẫn cứ mãi nói... vấp dù cầm kịch bản trong tay, vị đạo diễn có phần nóng nảy không kìm được tức giận, lầm bầm: “Thà thuê anh chàng xe ôm ngoài phố vào làm MC có khi đỡ mất thời gian hơn”.

Phim trường game show không thiếu cảnh MC không ngừng nói vấp, đạo diễn nổi nóng nói năng thiếu kiềm chế, nhân viên hậu đài thở dài ngao ngán, khán giả lại “ồ” lên đầy thất vọng, chán nản.

Hoàn hảo đến lố bịch

Nếu “sóng truyền hình trực tiếp không biết nói dối” thì chương trình thu hình biên tập phát sóng sau thừa điều dối gian. Các cameramen (người quay phim) được mệnh danh là “phù thủy nói dối” ở phim trường. Khung hình của họ bao giờ cũng tập trung vào những hình ảnh có thể lên sóng lung linh nhất, ý nghĩa nhất trong khi ai có mặt ở trường quay đều phải thốt lên “thấy ghê bởi mọi thứ trông thật ngổn ngang, lắp đặt thô sơ, đại khái và tầm thường.

So với hình ảnh cặp song ca tình tứ trong tiết trời thu lá vàng bay giăng lối phát trên sóng truyền hình, những gì xảy ra ở sân khấu phim trường “Phiên bản hoàn hảo” lúc ghi hình với việc các nhân viên hậu đài tất bật chạy qua chạy lại rải lá khô trên sàn sân khấu chắc chắn khó mang lại cho người xem tại trường quay cảm xúc gì.

Nhưng vì được mời đến làm khán giả nên ai nấy vẫn phải vỗ tay hào hứng như vừa được thưởng thức một tiết mục trình diễn đong đầy cảm xúc.

Dù vậy, sự lung linh về nội dung được đơn vị sản xuất cố tình sắp đặt mới là điều đáng nói. Sửa format (định dạng chương trình) hay viết format phó bản thực hiện song song với quá trình quay hình bản chính để dễ bề “trở tay” trong trường hợp diễn biến game show không đúng ý nhà sản xuất.

Chẳng hạn trong một game show thi nhảy, một thí sinh bị loại vì nhảy quá tệ. Khổ nỗi, đây lại là thí sinh có câu chuyện đời tư khá hay để thu hút công chúng. Nếu bị loại, đồng nghĩa nhà sản xuất mất đi “át chủ bài”. Giải pháp của ban tổ chức là cho MC công bố “tuần thi không loại”.

Cách này vẹn cả đôi đường vì thí sinh cần cứu được cứu còn khán giả không ai phải thắc mắc, chỉ có giám khảo chương trình có phần ngơ ngác nhưng cũng nghĩ “thôi kệ” vì “chương trình của họ, họ có quyền sửa” - một ca sĩ nằm trong thành phần giám khảo đêm thi này chia sẻ sau đó.

Để thu hút người xem, các game show buộc phải kiếm được thí sinh là người nổi tiếng. Để có được người nổi tiếng tham gia game show, nhà sản xuất phải sẵn sàng thỏa hiệp với vài điều kiện mà các ngôi sao đưa ra. Đó không phải là mức thù lao mà là điều kiện giành được ngôi vị quán quân.

Điều này lý giải vì sao ở nhiều game show, chỉ cần nhìn mặt huấn luyện viên, khán giả có thể đoán đội nào sẽ thắng trong cuộc chơi đó, bất chấp thí sinh của họ có nổi bật hay tầm thường. Game show truyền hình vì thế đang có rất nhiều điều tiếng, không còn hút người xem như vài năm trước.

Thường xuyên cháy, sập sân khấu

Trong khi thí sinh “thả hồn” theo tiết mục trình diễn, ê-kíp ghi hình dán mắt vào máy quay, vài khán giả la toáng lên: “Cháy! Cháy!”. Tiếng la thu hút mọi ánh nhìn và đám cháy được phát hiện. Lớp xốp trần nhà bị bén lửa sau tiết mục bắn pháo sáng. Chỉ trong vài giây, phim trường hoảng loạn, mọi người tay xách nách mang hành lý, tư trang bỏ chạy như ong vỡ tổ; gương mặt ai nấy đều thất thần.

Thực ra, đó là cảnh tượng thường thấy ở nhiều trường quay game show hiện nay. Trong khi mọi người khá hoảng loạn thì nhân viên trường quay khá thản nhiên.

Chuyện này với họ như cơm bữa, công việc cần làm là tập trung chữa cháy. “Phim trường nào chả một lần cháy và ê-kíp nào mà chưa từng trải qua việc này” - một ê-kíp quay game show trấn an. Các phim trường quay game show ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là thuê mặt bằng bỏ trống để dựng phim trường, trang bị khá tạm bợ và thô sơ. Đã có không ít trường hợp thí sinh bị lọt sân khấu khi đang trình diễn do sân khấu bị sập mặt sàn.

Tình trạng không an toàn cháy nổ ở các trường quay tạm bợ này khiến các đơn vị sản xuất game show rất ngại sử dụng cảnh khói lửa, bắn pháo hoa trong chương trình. Thậm chí, nhiều trường quay còn ra quy định cấm sử dụng pháo hoa vì dễ gây cháy dù màn bắn pháo hoa cho các tiết mục biểu diễn luôn gây cảm giác thú vị cho khán giả ngay tại trường quay lẫn khán giả xem chương trình qua màn ảnh nhỏ.

Theo Nguoilaodong