MC Phan Anh gây bất ngờ khi nhắc đến Thư Dung và những người mua dâm "tàng hình"

Mặc dù rút lui trong phần thi ứng xử dành cho Thư Dung ở cuộc thi Hoa hậu Sắc đẹp hoàn mỹ toàn cầu 2017 nhưng sau chuyện người đẹp này được cho là có liên quan đến đường dây bán dâm nghìn đô, MC Phan Anh cho rằng, đã trách phải trách cho trọn. Kẻ bán chịu hậu quả là sự lên án của xã hội rồi, còn “người mua” đâu?

MC Phan Anh. Ảnh: TL

MC Phan Anh. Ảnh: TL

Những kẻ mua dâm “tàng hình”

Theo MC Phan Anh, nếu Thư Dung sai, cô sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng đừng quên, có cung mới có cầu. Có kẻ bán, người mua mới làm nên thị trường. Mua bán là sự thỏa thuận cả hai bên nhưng khi bị phát hiện thì người bán dâm luôn luôn bị bêu tên, dù có viết tắt hay che mờ hình ảnh nhưng lại nêu ra những thông tin mà người đọc hoàn toàn có thể hiểu đó là ai. Trong khi người đàn ông mua dâm thì tuyệt nhiên không có thông tin gì.

Công an TPHCM xác định có 4 đại gia liên quan đến sự việc “chân dài” bán dâm nghìn đô, bao gồm: Ông T (ở TPHCM), ông M (ở Bình Thuận), ông Q (ở TP Hà Nội), ông Đ (ở Bắc Giang). Bốn người này đều ở tuổi trung niên, thuộc hàng đại gia có tiếng, kinh doanh trong các lĩnh vực đầu tư và bất động sản. Tất cả thông tin người mua dâm chỉ dừng lại ở đó.

Còn nhớ, đường dây mại dâm giá 2.500 USD do Võ Thị Mỹ Xuân (Hoa hậu Khu vực Nam Mê Kông 2009) tổ chức bị triệt phá trước đây cũng có nhiều “chân dài” là hoa khôi, người mẫu, diễn viên, ca sĩ phòng trà, hot girl…. Thời điểm đó, thông tin về Mỹ Xuân cùng người mẫu/Á khôi Miss Shinning Beauty 2012 Thiên Kim tràn ngập các mặt báo. Nhưng đến cuối cùng, danh tính 2 đại gia mua dâm cũng chỉ dừng lại là ông T và ông M (cùng ở TPHCM). Trong khi đó, những kẻ chuyên đi “săn” chân dài thì lại được lặng lẽ xử phạt.

Định kiến giới sâu sắc và bất công


Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến dư luận cho rằng, cần công khai danh tính các đại gia mua dâm để làm giảm tình trạng bán dâm cũng như mang tính chất răn đe, giáo dục. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể nào đối việc công khai danh tính người mua dâm. Năm 2014, Hà Nội từng đề nghị công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục nhưng đề xuất đó không được chấp thuận.

TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết: “Về vấn đề này, tôi đã rất nhiều lần nhận định rằng đó là định kiến giới sâu sắc và rất bất công. Tại sao chỉ công khai danh tính người bán dâm mà bỏ qua danh tính người mua dâm? Thực ra pháp luật là không cho phép công khai danh tính của cả bên mua và bên bán dâm nhưng thực tế danh tính người bán dâm luôn bị công khai đầu tiên. Vì sao?

Ở đây thể hiện 2 vấn đề: Thứ nhất là vi phạm luật pháp; thứ hai là định kiến giới khi chỉ công khai danh tính bán, cụ thể là người phụ nữ. Phải chăng người mua dâm là những người có tiền, có quyền nên đang được “bảo vệ”, còn những người bán dâm là phụ nữ nên không ai bảo vệ? Quan niệm phụ nữ Việt Nam là công dung ngôn hạnh nên luôn bị soi mói, giám sát, chê trách. Còn đã là đàn ông thì muốn làm gì cũng được, dễ được bỏ qua, thông cảm hơn. Trong khi hành vi mua dâm và bán dâm đều là vi phạm đạo đức. Điều này thể hiện sự thiếu hiểu biết về quyền con người, về giới tính và định kiến phân biệt, coi thường phụ nữ sâu sắc của xã hội Việt Nam”.

Sau rất nhiều trường hợp phân biệt bất công như thế, vài năm trở lại đây, ý kiến xã hội cũng nhiều lần kêu gọi sự thay đổi từ cơ quan chức năng nhưng mọi chuyện vẫn như cũ.

Chia sẻ về chuyện này, bà Khuất Thu Hồng nhấn mạnh: “Đáng lẽ ra cần có những chế tài để lên án, phê phán. Ví dụ, nếu để lộ thông tin cá nhân của bất kỳ bên nào cũng sẽ bị xử phạt với hình thức: Khiển trách công khai, kỷ luật, thậm chí ra tòa giải quyết… nhưng chẳng ai thực hiện điều đó cả. Mọi người dường như rất hả hê khi tên tuổi các cô gái bị “rung” lên ở khắp mọi nơi, rồi bị “ném đá”.

Tôi cũng đã nhiều lần chỉ ra vấn đề này và phát biểu trước báo chí cũng như trong các cuộc họp liên quan đến mại dâm rằng: Cùng là hành vi vi phạm pháp luật, không nên có hành vi đối xử không công bằng như thế. Nếu cho rằng cần đưa thông tin để có hình thức răn đe, giáo dục thì phải đưa thông tin cả hai phía: Người bán dâm và người mua dâm. Không có người mua dâm thì người bán dâm bán cho ai? Nhưng trước những ý kiến tôi đưa ra thì thường vẫn chỉ nhận về sự im lặng, hoặc câu trả lời nước đôi, đổ lỗi qua lại của các cơ quan có thẩm quyền”.

Theo luật sư Nguyễn Thị Tuyến - Giám đốc Công ty Luật TNHH Khải Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): “Hành vi mua dâm và bán dâm chỉ là vi phạm hành chính. Nếu công khai danh tính có thể dẫn tới nhiều hệ lụy đằng sau như việc bản thân người vi phạm bị xã hội, gia đình, bạn bè xa lánh, gia đình người vi phạm ảnh hưởng về tâm lý.

Nhiều trường hợp có thể dẫn tới gia đình tan nát, con cái bỏ học vì bị bạn bè đàm tếu, vợ hoặc chồng tự tử vì áp lực dư luận… Hiện nay mức xử phạt đối với hành vi mua dâm và bán dâm đang ở mức quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Do vậy, tôi cho rằng việc nâng cao hơn nữa mức phạt tiền đối với hành vi mua dâm và bán dâm là phù hợp, có thể đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa hơn là công khai danh tính khi có quá nhiều hệ lụy tiêu cực đằng sau”.

Theo GiaDinh