Một giờ livestream chốt 4,7 tỷ đồng tiền hàng, thử 1 lần sếp quyết thay đổi

Dịch Covid-19 tạo ra một cú huých mạnh khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ phải nhanh chóng thay đổi để thích nghi từ bán hàng, sản xuất truyền thống tính đến chuyển dịch phương thức online.

Cuộc đua sinh tử

Cuối tháng 8/2020, lần đầu tiên ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO chuỗi Thế Giới Di Động -  livestream bán hàng với sản phẩm là các mẫu điện thoại thương hiệu OnePlus. Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, livestream của CEO Thế Giới Di Động nhận về hơn 17.000 lượt xem, 367 đơn đặt hàng với doanh số đạt 4,7 tỷ đồng.

Đại dịch không chỉ thay đổi hành vi người tiêu dùng mà còn là cú hích buộc các doanh nghiệp bán hàng, sản xuất truyền thống phải tính đến phương thức chuyển dịch online.

Nhiều công ty bán hàng truyền thống khá nổi tiếng buộc phải thực hiện chuyển đổi số nhằm thích ứng với đại dịch.

Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn trước đây kênh phân phối chủ yếu là cung ứng thịt heo thảo mộc vào các chuỗi siêu thị. Khi dịch diễn ra, đơn vị này đã đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử để phục vụ nhu cầu mua sắm online của khách hàng.

Một giờ livestream chốt 4,7 tỷ đồng tiền hàng, thử 1 lần sếp quyết thay đổi - Ảnh 2.

Xu hướng mua hàng trên mạng ngày càng nhiều


Dù chỉ mới tham gia bán hàng online hơn hai tháng trên sàn nhưng kết quả thu được rất khả quan. Riêng trong chiến dịch "Sale hè rực rỡ" vừa qua, đơn hàng của đã tăng gấp 40 lần so với ngày thường.

Tương tự, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền tại TP.HCM đang chuyển đổi số để thay đổi hệ thống cũ vốn đang rất cồng kềnh của mình. Đặc biệt, chợ đầu mối này đưa một số mặt hàng đặc trưng, có điểm nhấn tại TP.HCM và khu vực miền Nam lên sàn thương mại điện tử hoặc chuyển đổi bán hàng online.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt các doanh nghiệp vào một "cuộc đua sinh tử".

Nếu chậm chân và không kịp thời chuyển đổi, các doanh nghiệp sẽ đặt dấu chấm hết cho sự phát triển của mình trong tương lai.

Báo cáo tại Diễn đàn tiếp thị trực tuyến - VOMF 2020, ông Lê Hoàng Long, Giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ của Nielsen Việt Nam, cho biết các khảo sát Nielsen thực hiện gần đây chỉ ra rằng nhu cầu mua sắm trên sàn thương mại điện tử đã tăng lên rõ rệt từ khi đại dịch bùng phát.

Song xu hướng mua online thay đổi khi các số lượng đơn hàng về thực phẩm, nhu yếu phẩm tăng lên còn nhóm hàng thời trang, phi thực phẩm giảm đi. Vì thế, giới kinh doanh thương mại điện tử cần thay đổi để phù hợp với xu hướng mới của khách hàng.

Thời gian qua, số người lên mạng để mua các sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng (FMCG) tăng trưởng mạnh. Vì vậy, ông Lê Hoàng Long cho rằng, FMCG là nguồn tăng trưởng đầy tiềm năng cho ngành thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tìm cơ hội đột phá sau dịch

Các chuyên gia cho rằng, kinh doanh trực tuyến có thể là một vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng đây là xu thế tất yếu và doanh nghiệp phải nhanh chóng nắm bắt để có thể bứt phá hơn sau dịch.

Để đáp ứng xu thế mới, các hệ thống cửa hàng, siêu thị đang tăng cường việc đầu tư công nghệ để hỗ trợ bán hàng, nhưng đi kèm với đó là những khoản chi phí lớn. Đây cũng là gánh nặng với những đơn vị có tiềm lực tài chính hạn hẹp.

Một giờ livestream chốt 4,7 tỷ đồng tiền hàng, thử 1 lần sếp quyết thay đổi - Ảnh 3.

Doanh nghiệp trước cuộc biến đổi số

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), đánh giá ảnh hưởng của dịch tới doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, nếu không có sự thay đổi, bứt phá, doanh nghiệp sẽ khó tồn tại.

Ông Hải cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có cách phát triển nhanh và mạnh mẽ trong thời gian ngắn, với ngân sách thấp nhất có thể, hay còn gọi là chiến lược "growth hacking". Bất kì doanh nghiệp nào cũng cần triển khai các chiến lược tăng trưởng đột phá, nhất là khi cơn bão Covid-19 qua đi.

Đại diện Nielsen Việt Nam khuyến nghị, với sự thay đổi hành vi tiêu dùng sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp cũng cần thay đổi như mở rộng kênh bán hàng online và các kênh trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C); chuyển đổi danh mục sản phẩm; tăng cường bán hàng đa kênh và truyền tải thông điệp về sức khỏe và đảm bảo chất lượng.

Ông Đỗ Hữu Hưng, Giám đốc của Accesstrade Việt Nam, lưu ý "super app" là xu thế bởi mô hình này giúp doanh nghiệp thêm khách hàng mới từ đối tác và giảm chi phí giữ chân khách hàng với nhiều dịch vụ, từ đó giảm chi phí marketing tăng doanh thu hiệu quả hơn.

"Có thể người dùng không có nhu cầu rõ ràng về super app nhưng họ muốn tiện lợi, nhanh chóng nên đây sẽ là xu thế kinh doanh mới", ông Hưng nói thêm.

Đưa hàng lên mạng bán online là xu hướng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực đầu tư. Chính vì thế, tận dụng nguồn lực của các ông lớn như Google, Amazon,... là lời khuyên của các chuyên gia đối với những đơn vị chập chững bắt đầu số hoá.

Thư Kỳ

Theo VietnamNet